Polyp túi mật có tự hết không? Khi nào cần mổ?

Polyp túi mật thường xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới và phổ biến ở những người trưởng thành. Đa số những người mắc polyp trong túi mật không thể nhận biết qua triệu chứng vì bệnh thường không gây ra dấu hiệu rõ ràng. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu tình trạng này có thể tự hết hay không và khi nào thì cần thiết phải tiến hành phẫu thuật?  

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Polyp túi mật là gì?  

Polyp túi mật là loại tổn thương dạng u hoặc giả u, hình thành và phát triển từ thành túi mật, nhô ra trên bề mặt niêm mạc và lồi vào trong lòng túi mật. Mặc dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành, một số nghiên cứu cho thấy bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50.

Polyp túi mật hiếm khi gây ra triệu chứng cấp tính như đau, sốt, hoặc vàng da thường thấy trong sỏi mật hoặc viêm đường mật. Các biểu hiện của polyp túi mật thường tương tự với sỏi đường mật, sỏi túi mật mạn tính hay bệnh lý dạ dày - tá tràng.

2. Nguyên nhân gây polyp túi mật

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng polyp túi mật, chẳng hạn như chức năng gan mật suy giảm, nồng độ đường huyết và mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không lành mạnh, và nhiễm virus viêm gan. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra polyp trong túi mật.

3. Triệu chứng lâm sàng  

Polyp túi mật có số lượng và kích thước đa dạng, thường gặp nhất là một polyp nhỏ hơn 10 mm bên trong túi mật. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể có nhiều polyp hoặc kích thước polyp có thể lớn từ 20-40 mm, đôi khi polyp còn kèm theo sỏi mật.

Phần lớn các ca polyp túi mật không biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc khi khám vì các lý do khác. Khoảng 6-7% bệnh nhân có triệu chứng, thường xảy ra ở những người có polyp có kích thước lớn. Triệu chứng thường gặp là đau tức hạ sườn phải hoặc đau vùng thượng vị; một số ít có thể gặp buồn nôn, nôn, khó tiêu và co cứng nhẹ ở vùng hạ sườn phải. 

Ở một số ít trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau tức ở vùng hạ sườn phải, hoặc vùng trên rốn.
Ở một số ít trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau tức ở vùng hạ sườn phải, hoặc vùng trên rốn.

4. Cách chẩn đoán Polyp túi mật

Để xác định có polyp trong túi mật, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm và các phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ như xét nghiệm chức năng gan mật, sinh thiết mô, siêu âm nội soi, nội soi dạ dày - hành tá tràng, chụp CT scan và chụp MRI.  

Trong số đó, siêu âm chẩn đoán đóng vai trò quan trọng và có giá trị cao trong việc phát hiện polyp túi mật. Tuy nhiên, siêu âm không có khả năng phân biệt giữa polyp lành và ác tính, do đó không đủ để đưa ra chỉ điều trị bằng phẫu thuật. Vì vậy, bác sĩ cần áp dụng thêm các kỹ thuật khác để hỗ trợ chẩn đoán chính xác.

Đối với những polyp nhỏ dưới 10mm và không gây ra bất kỳ khó chịu nào, bác sĩ thường khuyên nên theo dõi bằng siêu âm định kỳ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm để kiểm tra xem polyp có phát triển nhanh hay không. 

Siêu âm có thể dùng để chẩn đoán bệnh polyp túi mật.
Siêu âm có thể dùng để chẩn đoán bệnh polyp túi mật.

5. Polyp túi mật có tự hết không?  

Polyp túi mật có tự hết không? Khoảng 95% polyp túi mật là lành tính, không có nguy cơ ung thư, do đó người bệnh thường không cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật và có thể sống chung với polyp. Tuy nhiên, việc khám định kỳ là rất cần thiết để theo dõi sự phát triển của polyp.

Việc nên phẫu thuật cắt bỏ polyp túi mật hay không cần được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, đặc biệt với những polyp có kích thước lớn, chân lan rộng, phát triển nhanh hoặc có nhiều polyp. Bởi vì, các polyp này có nguy cơ chuyển biến thành u ác tính (ung thư).  

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, đa số polyp có kích thước nhỏ hơn 10mm, khi được phát hiện qua siêu âm, thường lành tính. Tuy nhiên, nếu hình ảnh siêu âm cho thấy polyp có đặc điểm như chân lan rộng, hình dáng không đều và phát triển nhanh, đó có thể là dấu hiệu ác tính và cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ túi mật.

Đặc biệt với người trẻ tuổi, nếu polyp nhỏ hơn 1,5mm và có nguy cơ tiến triển thành ung thư thấp, bác sĩ sẽ khuyên nên theo dõi thay vì phẫu thuật cắt túi mật ngay. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe. Vậy khi nào cần phẫu thuật polyp túi mật?  

Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng.
Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng.

6. Khi nào cần phẫu thuật polyp túi mật?

Do không có phương pháp thăm dò nào có thể chẩn đoán chính xác bản chất của bệnh nếu chưa can thiệp phẫu thuật, vì thế các bác sĩ đã thống nhất phác đồ xử trí đối với polyp túi mật như sau:

  • Polyp có chân rộng (không có cuống).
  • Kích thước polyp lớn hơn 10 mm.
  • Polyp nhỏ nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp).
  • Polyp phát triển nhanh bất thường, số lượng và kích thước polyp tăng trong thời gian ngắn, dễ lan rộng.
  • Polyp xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
  • Polyp gây triệu chứng và viêm túi mật thường xuyên.
  • Polyp ở người bị viêm xơ đường mật tiên phát hoặc có sỏi túi mật.

Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật nội soi, nội soi cắt túi mật được xem là tiêu chuẩn vàng để điều trị sỏi mật hoặc polyp túi mật. Đây là phương pháp ít xâm lấn, ít gây đau, ít gây biến chứng cũng như giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng nếu phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm.

Đối với polyp giả, việc điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống, bao gồm giảm chất béo, hạn chế ăn thức ăn nhiều mỡ, các loại phủ tạng động vật, tôm và thịt đỏ (như thịt chó, bò, trâu). Những người đã cắt bỏ túi mật cần duy trì chế độ ăn dễ tiêu hóa và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng polyp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe