Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thận đa nang tự phát xảy ra khi các nang chứa đầy dịch lỏng phát triển bên trong thận. Các phương pháp điều trị không thể chữa trị dứt điểm nhưng có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.
1. Sử dụng thuốc Tolvaptan trong điều trị thận đa nang tự phát (ADPKD)
Tolvaptan là biệt dược được bán dưới tên gọi là Jynarque và Samsca. Tuy nhiên, chỉ có Jynarque là có tác dụng điều trị thận đa nang tự phát (ADPKD). Thuốc có tác dụng duy trì chức năng thận khi nó chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Trong thời gian sử dụng thuốc, bạn sẽ được theo dõi chức năng gan thông qua các xét nghiệm máu. Thời gian đầu khi mới sử dụng thuốc, bạn cần xét nghiệm thường xuyên. Sau đó thì xét nghiệm khoảng 3 tháng/lần.
Các tác dụng phụ khác từ tolvaptan bao gồm:
- Khát nước
- Đi tiểu nhiều lần
- Số lượng nước tiểu lớn trong mỗi lần đi tiểu
- Thức dậy vào ban đêm để đi tiểu
2. Điều trị huyết áp ở người mắc bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD)
Huyết áp cao là một triệu chứng phổ biến xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD). Huyết áp tăng cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và các khối u nang ở thận phát triển nhanh hơn. Do đó, người mắc ADPKD cần điều trị huyết áp sớm.
Các loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến nhất được sử dụng cho người bị thận đa nang tự phát (ADPKD) là thuốc ức chế men chuyển ACE và thuốc chẹn thụ thể angiotensin-2 (ARB).
Thay đổi lối sống theo hướng tích cực cũng có tác dụng giúp người bệnh giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh. Nó được thực hiện bằng cách:
- Chế độ ăn ít muối
- Hạn chế các thực phẩm chứa caffeine
- Tập thể dục thường xuyên
- Bỏ thuốc lá
3. Thuốc giảm đau cho người mắc bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD)
Đau đớn cùng với huyết áp cao là những triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD). Tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí cơn đau, mà có thể sử dụng các loại thuốc sau:
- Acetaminophen: Thuốc acetaminophen được sử dụng để điều trị các cơn đau ngắn hạn. Thuốc an toàn cho những người mắc các bệnh lý thận.
- Opioids: Khi acetaminophen không đạt hiệu quả giảm đau, thuốc giảm đau opioid có thể được sử dụng thay thế. Tramadol (Ultram) thường được kê đơn cho người mắc bệnh thận đa nang tự phát.
- Thuốc chống động kinh: Những loại thuốc này, còn được gọi là thuốc chống co giật, giúp làm dịu cơn đau mãn tính do tổn thương dây thần kinh. Ví dụ như gabapentin (Neurontin) và pregabalin (Lyrica).
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc điều trị trầm cảm cũng có tác dụng làm dịu các cơn đau mãn tính.
Nói chung, những người mắc các bệnh lý về thận nên tránh các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen. Vì những loại thuốc này có thể gây tổn thương thận và giảm tác dụng của thuốc điều trị huyết áp.
4. Thuốc kháng sinh trong điều trị thận đa nang tự phát (ADPKD)
Thuốc kháng sinh điều trị một số bệnh nhiễm trùng thường xảy ra với bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD). Trong đó, các bệnh lý thường gặp nhất là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs): ADPKD dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu trên với các triệu chứng là sốt và đau ở bên hông.
- Nhiễm trùng thận: ADPKD cũng làm tăng nguy cơ mắc một loại nhiễm trùng thận được gọi là viêm thận bể thận cấp tính. Đó là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, giống như nhiễm trùng đường tiết niệu, nó gây sốt và đau bên hông. Ngoài ra, bản thân các u nang cũng có thể bị nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh giúp chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng này, giúp loại bỏ cơn đau mà chúng gây ra đối với cơ thể bạn.
5. Điều trị sỏi thận ở người mắc bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD)
Khoảng 25% những người bị thận đa nang tự phát (ADPKD) cũng bị sỏi thận. Một số người mắc sỏi thận không xuất hiện triệu chứng, trong khi những người khác có biểu hiện cực kỳ đau đớn. Nó cần được đào thải ra khỏi cơ thể để ngăn ngừa các thương tổn thận lâu dài.
Trong trường hợp may mắn, các viên sỏi với kích thích nhỏ có thể ra ngoài khi đi tiểu. Bạn có thể thực hiện một số cách dưới đây để thúc đẩy quá trình thải sỏi:
- Uống nhiều chất lỏng
- Uống thuốc chẹn alpha (các loại thuốc giúp thải sỏi)
- Không ăn muối hoặc thức ăn mặn
Một số phương pháp điều trị tích cực hơn được áp dụng đối với sỏi thận kích thước lớn như:
- Liệu pháp sóng xung kích sử dụng sóng năng lượng để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ để thải bỏ qua đường nước tiểu
- Phẫu thuật giúp gắp sỏi ra hoặc phá vỡ viên sỏi
6. Phẫu thuật trong điều trị thận đa nang tự phát (ADPKD)
Khi thuốc không hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau hoặc khi bệnh đã tiến triển nặng, bạn và bác sĩ có thể thảo luận về các lựa chọn phẫu thuật. Chúng có thể bao gồm:
- Chọc hút nang: Dẫn lưu u nang bằng kim là lựa chọn phẫu thuật ít xâm lấn nhất, nhưng không có tác dụng giảm đau lâu dài. Khoảng 1/3 người mắc ADPKD được chọc hút nang không bị đau trong thời gian 18 tháng.
- Mở thông nang: Là phương pháp phẫu thuật nhằm dẫn lưu nang thận. Nó giúp giảm đau kéo dài hơn so với chọc hút nang, nhưng vẫn không phải là giải pháp giảm đau lâu dài.
- Cắt bỏ thận: Khi thận đa nang tự phát chuyển sang giai đoạn nặng, phẫu thuật cắt bỏ thận có thể được chỉ định.
- Cấy ghép thận: Cắt bỏ và ghép thận là một lựa chọn trong trường hợp thận bị suy. Phải mất một thời gian để sắp xếp. Bạn cần được đánh giá bởi đội ngũ y tế tại một trung tâm cấy ghép. Nếu được chấp thuận, bạn sẽ được thêm vào danh sách chờ ghép tạng quốc gia.
7. Lọc máu trong điều trị thận đa nang tự phát (ADPKD)
Lọc máu cũng là một lựa chọn cho bệnh suy thận. Trong quá trình lọc máu, bạn sẽ được kết nối với một máy làm sạch các chất thải từ máu. Khi bắt đầu điều trị bằng lọc máu, bạn sẽ cần chúng trong suốt phần còn lại của cuộc đời, trừ khi được cấy ghép thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com