Bài viết bởi Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang- Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm là phản ứng của cơ thể chống lại và bảo vệ cơ thể khi bị tổn thương. Xét nghiệm CRP định lượng trong máu, đặc trưng cho mức độ và tình trạng viêm của bệnh nhân giúp bác sỹ theo dõi, đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
1. Xét nghiệm CRP là gì?
Protein phản ứng C (C- reactive protein - CRP) là một glycoprotein được sản xuất tại gan có đặc điểm là kết tủa với polysaccharid C của phế cầu. Protein này bình thường không được sản xuất. Khi có tình trạng viêm cấp, mô cơ thể bị phá hủy gây giải phóng các interleukin 1 và 6 sẽ kích thích sản xuất protein này và gây tăng nhanh nồng độ CRP trong huyết thanh (vì vậy protein này còn được gọi là protein phản ứng của pha cấp). Khi tình trạng viêm cấp kết thúc, CRP nhanh chóng mất đi. Vì vậy, CRP được coi như một chỉ dấu phản ánh sự hoạt hóa phản ứng viêm hệ thống. Protein phản ứng C không mang tính chất đặc hiệu và nồng độ protein này gia tăng trong tất cả các tình trạng viêm.
Bình thường CRP sẽ tăng trong vòng 6 giờ kể từ khi có tình trạng viêm giúp bác sĩ có thể xác định tình trạng viêm sớm và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
2. CRP và CRPhs khác nhau như thế nào?
Có 2 loại xét nghiệm Protein phản ứng C:
- Protein phản ứng C chuẩn (Standard CRP): Được sử dụng để đánh giá tình trạng viêm tiến triển.
- Protein phản ứng C siêu nhạy (high-sensitivity CRP [hs-CRP]): Chất này được coi như một chất chỉ điểm đối với tình trạng viêm mạch tiến triển âm ỉ (low-grade vascular inflammation).
Cách xét nghiệm CRP thông thường đo được ở phạm vi rộng nên thường được dùng để kiểm tra tình trạng viêm, nhiễm trùng sớm. Tuy nhiên nó lại kém nhạy hơn ở phạm vi thấp, xét nghiệm CRP-hs có thể phát hiện protein ở nồng độ thấp hơn (do nhạy hơn), điều này giúp nó hữu hiệu hơn phương pháp xét nghiệm CRP thông thường trong việc chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở một người khỏe mạnh.
3. Chỉ định thực hiện xét nghiệm CRP và CRP-hs
CRP được chỉ định để đánh giá mức độ và tiến triển của phản ứng viêm:
- Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hậu phẫu: Nồng độ CRP thường tăng trong khoảng 2 - 6 giờ sau phẫu thuật và sẽ giảm xuống vào ngày thứ 3 sau mổ. Nếu nồng độ CRP tăng kéo dài hơn 3 ngày sau phẫu thuật, tình trạng nhiễm trùng mới có thể đã xuất hiện.
- Xác định, phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn và các bệnh lý gây viêm như ung thư hạch bạch huyết, bệnh của hệ thống miễn dịch (lupus), viêm và xuất huyết ruột, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng xương (viêm tủy xương), bệnh lý viêm tiểu khung...
- Đánh giá khả năng đáp ứng điều trị, đặc biệt là điều trị ung thư hay điều trị nhiễm trùng. Nồng độ CRP sẽ tăng lên nhanh và giảm xuống bình thường nhanh nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với việc điều trị.
CRP-hs được chỉ định để đánh giá nguy cơ tim mạch
4. Giá trị bình thường xét nghiệm CRP và CRP-hs
CRP để đánh giá tình trạng viêm có giá trị bình thường < 5 mg/L. CRP sẽ tăng cao nếu người bệnh bị viêm nhiễm. Nếu chỉ số CRP đang cao và giảm xuống nghĩa là tình trạng viêm nhiễm giảm, bệnh nhân tiến triển theo chiều hướng tốt.
CRP-hs để đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch có giá trị bình thường < 0,3 mg/dL
- Nguy cơ tim mạch thấp: CRP dưới 1 mg/l
- Nguy cơ tim mạch vừa: CRP 1 - 3 mg/l
- Nguy cơ tim mạch cao: CRP > 3mg/l
Những người có chỉ số CRP-hs cao hơn có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, và những người có giá trị thấp hơn có nguy cơ ít hơn. Những bệnh nhân có kết quả CRP-hs ở giá trị bình thường cao có nguy cơ bị đau tim gấp 1.5 đến 4 lần so với những người có chỉ số CRP-hs ở mức thấp nhất trong giới hạn cho phép.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.