Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng. Do có sẵn bệnh lý nền về phổi, người mắc Covid khi bị COPD nhiều nguy cơ diễn tiến nặng hơn.
1. Số liệu nghiên cứu về chủng mới corona virus và COPD
Theo một báo cáo năm 2020 ở 140 người mắc COVID-19, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không làm tăng khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người mắc Covid khi bị COPD dễ bị khó thở, nguy cơ diễn tiến nặng cũng cao hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Trung Quốc cho biết, tính đến năm 2020 đã có 1.023 trường hợp tử vong trong 44.672 ca nhiễm COVID-19, tỷ lệ là 2,3%. Nhưng nếu tính riêng những người có sẵn bệnh nền hô hấp mãn tính, tỷ lệ tử vong chung là 6,3%.
Mặc dù vậy, Tổ chức Phổi Châu Âu cho biết hầu hết những người mắc Covid khi bị COPD sẽ không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, sau đó có thể phục hồi chức năng hô hấp.
Một nghiên cứu khác mới công bố đã tìm thấy mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong cao do bệnh COVID-19 và những người được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Cụ thể, trong hơn 2473 bệnh nhân mắc COVID-19, có 58 (2,3%) được chẩn đoán mắc COPD và 221 (9%) là người hút thuốc.
Kết quả nghiên cứu xác định rằng bệnh nhân mắc Covid khi bị COPD có 63% nguy cơ diễn tiến nặng và 60% nguy cơ tử vong. Trong khi đó, bệnh nhân COVID-19 không mắc COPD có 33,4% nguy cơ trở nặng và 55% nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định mối liên quan giữa tần suất đợt COPD cấp, hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh, với các biến chứng COVID-19. Nguyên nhân chủ yếu là vì tỷ lệ các trường hợp mắc Covid khi bị COPD còn thấp, cũng như sự mới mẻ và diễn tiến phức tạp của bệnh.
2. Dịch Covid có nguy hiểm với người bị phổi tắc nghẽn mãn tính không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) gây sưng và vỡ các túi khí trong phổi, làm giảm khả năng hấp thụ oxy và thải carbon dioxide của phổi, đồng thời tích tụ chất nhầy, dẫn đến ho, đau ngực và khó thở. Một trong những triệu chứng phổ biến nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 là rối loạn chức năng hệ hô hấp. Tương tự, các bệnh nhân mắc COPD cũng đều trải qua những tác động này.
Theo một phân tích tổng hợp, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người mắc Covid khi bị COPD sẽ tăng đáng kể nguy cơ phát triển nhiễm trùng nghiêm trọng. Những bệnh nhân bị COPD nặng có nguy cơ cao gặp biến chứng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khi COVID-19 ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tổn thương phổi do COPD càng khiến phổi khó chống lại nhiễm trùng hơn.
Giống như như xơ phổi vô căn và các bệnh về phổi mãn tính khác, COPD cũng làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng nếu người bệnh nhiễm COVID-19. Do đó, trong đợt bùng phát COVID-19, người bị COPD chỉ nên ở nhà, ngoài trừ trường hợp buộc phải ra ngoài chăm sóc y tế cần thiết.
3. Cách kiểm soát các triệu chứng COPD và phòng ngừa bổ sung
Kiểm soát tốt các triệu chứng COPD trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 là điều rất quan trọng. Cụ thể:
- Người bệnh nên lập kế hoạch với bác sĩ, giúp theo dõi việc dùng thuốc, các triệu chứng COPD và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo bệnh không trở nặng.
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể, cũng như loại bỏ chất nhờn dư thừa ra khỏi phổi.
- Một số người cho biết ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo lành mạnh sẽ cải thiện khả năng hô hấp.
- Thực hiện các bài tập hô hấp được bác sĩ hướng dẫn để giảm bớt khó thở và thông thoáng đường thở.
- Nhờ người khác giúp đỡ một phần công việc phải làm hàng ngày để tránh gắng sức.
- Trò chuyện online với bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhằm duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc Covid khi bị COPD cần:
- Tiếp tục các loại thuốc điều trị đang dùng, kể cả những loại có chứa steroid, hay còn gọi là corticosteroid.
- Đảm bảo có đủ thuốc để sử dụng ít nhất trong 30 ngày và tốt nhất là 90 ngày nếu phải phong tỏa, cách ly xã hội.
- Tránh các tác nhân làm cho triệu chứng phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên tồi tệ hơn.
- Liên hệ với bác sĩ, trung tâm y tế cộng đồng hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu bạn lo lắng về tình trạng của mình hoặc cảm thấy mệt mỏi, sắp ốm.
Nhìn chung, những người bị COPD nên tiếp tục điều trị như bình thường trong thời gian bùng phát dịch COVID-19. Đảm bảo đủ máy thở oxy để tiếp tục dùng như bình thường hoặc khi cần thiết.
4. Điều trị corona virus và COPD
Hiện tại, không có cách điều trị đặc hiệu cho COVID-19, mà chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng. Các biện pháp cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nếu những người bị COPD xét nghiệm dương tính với COVID-19, điều quan trọng là phải tuân theo các hướng dẫn bảo vệ bản thân và những người khác chống lại virus.
Trong bối cảnh tại Việt Nam, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 buộc phải điều trị tại bệnh viện, bất kể gặp triệu chứng nhẹ hay nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ là người đánh giá và tư vấn các bước tiếp theo, bao gồm tiếp tục kế hoạch điều trị COPD thông thường, theo dõi cẩn thận các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, thở máy bổ sung và hỗ trợ nâng cao cho hệ thống hô hấp cũng như các cơ quan khác.... Điều quan trọng là họ phải được cách ly và đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây lan virus.
Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn, đồng thời tổn thương phổi sẵn có sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân COPD cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung tại nhà để tránh mắc COVID-19. Điều quan trọng là không ra ngoài trừ khi cần thiết, rửa tay và giữ nhà sạch sẽ để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Nếu phát hiện các triệu chứng mắc Covid khi bị COPD, cần gọi ngay cho đường dây nóng của bộ y tế để được tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov; drugtopics.com; medicalnewstoday.com