Bị suy tim, viêm phổi nặng truyền sữa dinh dưỡng có được không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi mẹ em được chẩn đoán là suy tim, viêm phổi nặng; tăng huyết áp là bệnh trước giờ của mẹ. Khi nhập viện ở huyện vài ngày thì sức khỏe vẫn ổn. Gia đình thấy nằm lâu nên lo lắng chuyển lên tỉnh. Vừa chuyển lên tỉnh buổi sáng thì chiều mẹ em có dấu hiệu chân tay tím tái, rồi la hét đòi về. Lúc đó mẹ em đang sử dụng mặt nạ hỗ trợ oxy nhưng một hồi bác sĩ đổi sử dụng ống nội oxy. Mặc dù mẹ em vẫn thở và vùng vẫy la hét được, khi đặt ống nội oxy vào cổ họng mẹ em thở rất sốc. Rồi sau một ngày mẹ em mất. Khi mẹ em mất, em hỏi lý do thì bác sĩ nói bệnh mẹ em có đi đâu thì cũng vậy nhưng ở bệnh viện huyện em thấy các bác sĩ chăm sóc rất tốt. Thuốc truyền vào từ từ còn hỏi han người bệnh. Còn bệnh viện tỉnh thì dồn dập thuốc mà không cần hỏi gì. Còn đuổi người nhà không cho trực bên cạnh thường xuyên . Em lo lắng hỏi không có ai bên cạnh lỡ có vấn đề gì thì sao. Họ bảo có máy theo dõi bên trong nhưng khi mẹ em mất thì họ cũng không biết mất lúc nào. Em suy nghĩ mãi tại sao mẹ em lại như vậy. Khi vừa chuyển lên bệnh viện tỉnh họ bảo mẹ em sức không đủ nên bất nạp sữa thôi, mà mẹ em không có hợp sữa, uống vô là bị tiêu chảy. Họ bảo thử. Rồi ngày đó truyền sữa thôi không có chuyền thức ăn khác là chiều mẹ em có dấu hiệu tím người. Khi ở bệnh viện huyện em cho mẹ ăn cháo dinh dưỡng, uống cam, uống nước yến ... Vì bác sĩ bảo ăn gì cũng được, ăn nhiều càng tốt. Lúc đó sức khỏe mẹ em ổn nhưng họ truyền sữa vào thì có dấu hiệu xấu. Có phải họ không cho ăn chỉ uống sữa sức khỏe không đủ mà bơm thuốc nhiều và sử dụng ống nội nên bị chèn mà chịu không nổi phải không ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Bị suy tim, viêm phổi nặng truyền sữa dinh dưỡng có được không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thành thật chia buồn cùng gia đình bạn.

Tình huống của bạn khá phức tạp, cần phải được tham khảo ý kiến y khoa trực tiếp, bạn có thể đến bệnh viện nơi mẹ bạn đã nằm để yêu cầu được giải đáp rõ diễn tiến bệnh và nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, bác sĩ cũng gửi đến bạn một số thông tin theo theo quan điểm riêng, qua những thông tin mà bạn cung cấp, mong có thể giải quyết phần nào khúc mắc trong lòng bạn:

  1. Giai đoạn mẹ bạn được đưa đến bệnh viện tỉnh đã có tình trạng suy hô hấp cấp nặng. Vì tình trạng suy hô hấp cấp có thể xảy ra rất đột ngột (dù trước đó hoàn toàn bình thường hoặc ổn định), nguyên nhân có thể là do: bệnh đột ngột diễn tiến nặng (vì những vận động gắng sức như: ngồi dậy, đi lại, đi vệ sinh...dù đối với người bình thường những vận động này rất bình thường, nhưng đối với người có bệnh, đôi khi những vận động này sẽ kích hoạt một cơn khó thở rất nặng; di chuyển trên đoạn đường dài mệt mỏi, thay đổi môi trường đột ngột,...) hoặc do trên nền bệnh cũ lại mới xuất hiện thêm một vấn đề bệnh lý nặng khác kết hợp. Ví dụ một bệnh nhân bị viêm phổi nhưng đột ngột xuất hiện thêm nhồi máu cơ tim kết hợp....
  2. Về chuyên môn, khi một bệnh nhân bị suy hô hấp cần phải đảm bảo việc cung cấp oxy ngay. Có nhiều phương pháp để cung cấp oxy từ đơn giản như thở oxy qua canyl, đến phức tạp như đặt nội khí quản thở máy. Tùy vào tình trạng bệnh nhân bác sĩ sẽ có lựa chọn phương pháp thích hợp. Trong trường hợp của mẹ bạn, khi có tím tái và kích thích nhiều, có thể bác đã có suy hô hấp nặng nên cần phải đặt nội khí quản và thở máy ngay, nếu không có thể tính mạng bệnh nhân tại thời điểm đó sẽ bị đe dọa.
  3. Những trường hợp nặng, đang thở máy thường phải được nằm trong đơn vị chăm sóc đặc biệt. Vì thế việc người nhà không được ở trong các khu vực này là quy định chung để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân và tạo thuận lợi cho nhân viên y tế quan sát và chăm sóc.
  4. Về việc sử dụng sữa dinh dưỡng, theo mô tả của bạn, nếu sữa được truyền trực tiếp vào máu thì theo bác sĩ đó là một dạng dịch dinh dưỡng, giúp nuôi dưỡng toàn diện cho các bệnh nhân nằm tại các đơn vị chăm sóc tích cực.

Rất mong những thông tin này, có thể giúp ích cho bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe