Zosyn chứa 2 thành phần chính là Piperacillin, một kháng sinh nhóm Penicilin và Tazobactam, chất ức chế men β-lactamase. Thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các kháng sinh khác trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trung bình đến nặng.
1. Thuốc Zosyn là thuốc gì?
Thuốc Zosyn chứa 2 thành phần chính là Piperacillin và Tazobactam. Piperacillin là thuốc kháng sinh nhóm Penicilin, có hoạt tính diệt khuẩn nhờ ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Tazobactam là chất ức chế men β-lactamase do vi khuẩn tiết ra, giúp tăng độ bền và mở rộng phổ kháng khuẩn của kháng sinh Piperacillin. Zosyn thường được chỉ định để điều trị nhiễm trùng từ trung bình đến nặng. Thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các kháng sinh khác tùy vào đặc điểm nhiễm khuẩn của bệnh nhân. Để giảm sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc và duy trì hiệu quả của Zosyn, chỉ nên sử dụng thuốc để điều trị hoặc phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đã được chứng minh hoặc nghi ngờ do vi khuẩn gây ra.
2. Thuốc Zosyn có tác dụng gì?
Thuốc Zosyn được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm bao gồm:
- Nhiễm trùng ổ bụng: Viêm ruột thừa phức tạp do vỡ hoặc áp xe, viêm phúc mạc do vi khuẩn E.coli sản xuất men β-lactamase hoặc do các vi khuẩn nhóm Bacteroides fragilis như B. fragilis, B. ovatus, hoặc B. vulgatus.
- Nhiễm trùng da và cấu trúc da không biến chứng và phức tạp, bao gồm cả viêm mô tế bào, áp xe da và nhiễm trùng chân do thiếu máu cục bộ/bệnh tiểu đường gây ra bởi Staphylococcus aureus.
- Nhiễm trùng vùng chậu ở nữ giới: Viêm nội mạc tử cung sau sinh hoặc bệnh viêm vùng chậu.
- Viêm phổi mắc phải cộng đồng.
- Viêm phổi bệnh viện.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng xương và khớp.
- Nhiễm trùng âm đạo nặng.
3. Chống chỉ định của thuốc Zosyn
Kháng sinh Zosyn chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Bệnh nhân quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong công thức.
- Bệnh nhân có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ hoạt chất beta-lactam nào khác (ví dụ: Cephalosporin, Monobactam hoặc Carbapenem).
4. Liều lượng và cách dùng của thuốc Zosyn
Liều dùng:
- Liều Zosyn thông thường cho bệnh nhân người lớn là 3,375g – 4,5g mỗi sáu giờ. Thời gian điều trị kháng sinh Zosyn thông thường là từ 7 đến 10 ngày. Đối với viêm phổi bệnh viện và nhiễm trùng do vi khuẩn ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, liều khuyến cáo là 4g Piperacillin/0,5g Tazobactam dùng mỗi sáu giờ. Phác đồ này cũng có thể được áp dụng để điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đặc biệt nghiêm trọng khác.
- Bệnh nhân suy thận: Ở bệnh nhân suy thận (độ thanh thải creatinin ≤ 40 mL/phút) và bệnh nhân lọc máu, cần hiệu chỉnh liều Zosyn theo độ lọc cầu thận của bệnh nhân.
- Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều Zosyn ở bệnh nhân suy gan.
- Bệnh nhân cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Zosyn đối với người cao tuổi có chức năng thận bình thường hoặc giá trị độ thanh thải creatinin trên 40ml/phút.
- Trẻ em: Đối với trẻ em bị viêm ruột thừa và/hoặc viêm phúc mạc, liều lượng Zosyn khuyến cáo là 100 mg Piperacillin/12,5 mg Tazobactam mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ 8 giờ một lần ở bệnh nhi 9 tháng tuổi trở lên. Đối với bệnh nhi từ 2 đến 9 tháng tuổi, liều lượng khuyến cáo là 80 mg Piperacillin/10 mg Tazobactam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ 8 giờ một lần.
Cách dùng:
- Zosyn nên được dùng bằng cách truyền tĩnh mạch trong 30 phút.
5. Tác dụng phụ của thuốc Zosyn
Bệnh nhân khi sử dụng thuốc Zosyn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:
Tần suất > 10%:
- Tiêu hóa: Tiêu chảy.
Tần suất 1 đến 10%:
- Tim mạch: Đỏ bừng, hạ huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch.
- Da liễu: Ngứa, phát ban da.
- Nội tiết và chuyển hóa: Hạ đường huyết.
- Tiêu hóa: Đau bụng, viêm đại tràng do Clostridium difficile, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, nôn.
- Quá mẫn: Sốc phản vệ.
- Nhiễm trùng: Nhiễm nấm Candida.
- Tại chỗ: Phản ứng tại chỗ tiêm.
- Hệ thần kinh: Nhức đầu, mất ngủ, khó chịu.
- Thần kinh cơ xương: Đau khớp, đau cơ.
- Hô hấp: Chảy máu cam.
- Khác: Sốt.
Không rõ tần suất:
- Nội tiết và chuyển hóa: Giảm albumin huyết thanh, giảm glucose huyết thanh, giảm protein toàn phần, rối loạn điện giải, hạ kali máu
- Huyết học: Giảm hematocrit, giảm hemoglobin, tăng bạch cầu ái toan, xét nghiệm Coombs trực tiếp dương tính, thời gian chảy máu kéo dài, thời gian prothrombin kéo dài
- Gan: Tăng AST, tăng phosphatase kiềm, tăng ALT, tăng bilirubin huyết thanh
- Thận: Tăng nitơ urê máu, tăng creatinin huyết thanh, hội chứng suy thận
- Da liễu: Mụn mủ ngoại ban tổng quát cấp tính, bệnh da bóng nước, ban đỏ đa dạng, viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc
- Tiêu hóa: Tiêu chảy do Clostridium difficile
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Zosyn là gì?
- Trước khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh Zosyn nên tìm hiểu kỹ về các phản ứng quá mẫn trước đó với Penicillin, các kháng sinh beta-lactam và các chất gây dị ứng khác. Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong đã được báo cáo ở những bệnh nhân đang điều trị bằng Piperacillin/ Tazobactam. Những phản ứng này có nhiều khả năng xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm với nhiều chất gây dị ứng. Khi gặp các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, cần ngừng kháng sinh, sử dụng Epinephrine và các biện pháp khẩn cấp khác.
- Các phản ứng da nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc, phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan, mụn mủ ngoại ban cấp tính đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng Piperacillin/Tazobactam. Bệnh nhân bị phát ban trên da phải được theo dõi chặt chẽ và ngừng sử dụng Zosyn nếu tổn thương tiến triển.
- Viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh có thể được biểu hiện bằng tiêu chảy nặng, dai dẳng và có thể đe dọa tính mạng. Trong những trường hợp này, nên ngưng dùng Zosyn.
- Điều trị bằng kháng sinh Zosyn có thể dẫn đến sự xuất hiện của các sinh vật kháng thuốc.
- Biểu hiện chảy máu đã xảy ra ở một số bệnh nhân dùng kháng sinh nhóm beta-lactam. Những phản ứng này đôi khi có liên quan đến những bất thường của xét nghiệm đông máu và có nhiều khả năng xảy ra ở bệnh nhân suy thận. Nếu có biểu hiện chảy máu, nên ngừng kháng sinh và tiến hành liệu pháp điều trị thích hợp.
- Giảm bạch cầu có thể xảy ra, đặc biệt là khi điều trị kéo dài. Do đó, đánh giá định kỳ công thức máu nên được thực hiện.
- Cũng như khi điều trị bằng các kháng sinh Penicillin khác, các biến chứng thần kinh như co giật có thể xảy ra khi dùng liều cao, đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận.
- Hạ kali máu có thể xảy ra ở những bệnh nhân có dự trữ kali thấp hoặc những người dùng đồng thời các sản phẩm thuốc có thể làm giảm nồng độ kali. Vì vậy nên định kỳ xét nghiệm nồng độ các chất điện giải.
- Phụ nữ mang thai: Piperacillin và Tazobactam có thể qua nhau thai. Kháng sinh Zosyn chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi lợi ích mong đợi cao hơn những rủi ro có thể xảy ra cho phụ nữ mang thai và thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú: Piperacillin được bài tiết với nồng độ thấp trong sữa mẹ. Phụ nữ đang cho con bú chỉ nên được điều trị bằng Zosyn nếu lợi ích mong đợi lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra.
7. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi hoạt tính hoặc gia tăng độc tính của thuốc. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng Zosyn:
- Sử dụng đồng thời Zosyn với Heparin và thuốc chống đông máu đường uống có thể làm thay đổi hiệu lực chống đông máu. Do vậy nên thường xuyên theo dõi các xét nghiệm đông máu khi sử dụng đồng thời Zosyn và các thuốc trên.
- Piperacillin có thể làm giảm sự bài tiết của Methotrexat; do đó nên theo dõi nồng độ Methotrexate trong huyết thanh để tránh độc tính.
- Cũng như các Penicillin khác, dùng đồng thời Probenecid và Zosyn gây kéo dài thời gian bán thải của thuốc.
- Vancomycin: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ tổn thương thận cấp tính tăng lên ở những bệnh nhân dùng đồng thời Piperacillin/Tazobactam và Vancomycin so với Vancomycin đơn độc.
- Aminoglycoside có thể bị bất hoạt bởi Piperacillin nếu pha chung. Do vậy, khuyến cáo sử dụng Zosyn và Aminoglycoside bằng các đường truyền riêng biệt.
Bài viết đã cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Zosyn. Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.