Zonisamide là thuốc có tác dụng chống động kinh, thường được dùng đơn độc hay phối hợp các thuốc khác để điều trị bệnh động kinh cục bộ. Việc dùng thuốc cần được theo dõi bởi nguy cơ tác dụng phụ của Zonisamide ảnh hưởng tới cơ thể người bệnh.
1. Thuốc Zonisamide có tác dụng gì?
Zonisamide là một thuốc chống động kinh, được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau như dạng viên nang cứng 25, 50, 100 mg; Hỗn dịch uống 20 mg/ml.
Zonisamide là một dẫn xuất của Benzisoxazole, một loại thuốc chống động kinh với hoạt tính anhydrase carbonic yếu.
Cơ chế tác động của Zonisamide vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Thuốc Zonisamide có thể tác động trên các kênh natri và canxi nhạy cảm với điện thế, làm gián đoạn quá trình kích hoạt đồng bộ của tế bào thần kinh, giảm sự lan truyền của các cơn động kinh và từ đó giúp ngăn chặn cơn động kinh tiếp theo. Zonisamide cũng có tác dụng ức chế tế bào thần kinh qua trung gian GABA.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Zonisamide
Chỉ định:
- Thuốc Zonisamide có thể dùng đơn trị liệu hoặc dùng như một liệu pháp hỗ trợ trong điều trị động kinh khởi phát khu trú (động kinh cục bộ) ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Không dùng thuốc Zonisamide cho những trường hợp sau:
- Quá mẫn với hoạt chất Zonisamide, các chất nhóm Sulphonamide hoặc với bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Dị ứng với đậu phộng hoặc dị ứng đậu nành.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Zonisamide
3.1. Liều dùng của thuốc Zonisamide
Người lớn:
Đơn trị liệu: Đối với bệnh nhân mới được chẩn đoán:
- Tuần 1 và 2: Dùng 100 mg/ 1 lần/ ngày.
- Tuần 3 và 4: Dùng 200 mg/ 1 lần/ ngày.
- Tuần 5 và 6: Dùng 300 mg/ 1 lần/ ngày
- Liều dùng duy trì là 300 mg/ 1 lần/ ngày
- Nếu cần dùng liều cao hơn: Tăng dần từ 100 mg đến tối đa 500mg khoảng cách tăng liều là 2 tuần 1 lần.
Điều trị hỗ trợ với các chất cảm ứng CYP3A4:
- Tuần 1 và 2: Uống 25mg/ 2 lần/ ngày
- Tuần 3 và 4: Uống 50 mg/ 2 lần/ ngày
- Tuần 5 và 6: Tăng thêm 100 mg/ ngày mỗi 1 tuần để đạt được liều duy trì.
- Liều duy trì: Uống 300 - 500 mg/ ngày, có thể chia làm 1 lần hoặc 2 lần/ ngày.
Điều trị hỗ trợ với chất không gây ra cảm ứng CYP3A4:
- Tuần 1 và 2: Uống 25mg/ 2 lần/ ngày
- Tuần 3 và 4: Uống 50 mg/ 2 lần/ ngày
- Tuần 5 và 6: Tăng thêm 100 mg/ ngày mỗi 2 tuần để đạt được liều duy trì.
- Liều duy trì: Uống 300 - 500 mg/ ngày, có thể chia làm 1 lần hoặc 2 lần/ ngày. Một số bệnh nhân khác có thể đáp ứng với liều thấp hơn.
Người cao tuổi: Thông tin về việc dùng thuốc còn hạn chế.
Trẻ em: Liều dùng tăng dần theo từng giai đoạn và phụ thuộc vào cân nặng của người bệnh. Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Zonisamide đối với trẻ em dưới 6 tuổi và những người dưới 20kg hiện vẫn chưa được xác định.
Suy gan: Việc sử dụng thuốc ở những bệnh nhân suy gan chưa được nghiên cứu. Do đó không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy gan nặng. Cần thận trọng khi tiến hành điều trị ở những bệnh nhân suy gan mức độ từ nhẹ đến trung bình và khi dùng có thể phải hiệu chỉnh liều.
Suy thận: Zonisamide và các chất chuyển hóa được thải trừ qua thận, cho nên cần ngưng dùng thuốc ở những bệnh nhân bị suy thận cấp hoặc khi creatinin huyết thanh tăng đáng kể. Có thể cần chỉnh liều phù hợp cho người suy thận.
3.2. Cách dùng thuốc Zonisamide
Thuốc được dùng bằng đường uống hay tiêm, tùy theo từng dạng chế phẩm.
Khi ngừng điều trị với Zonisamide nên giảm liều từ từ mỗi tuần, tùy theo mức cân nặng:
- Đối với người 20-28 kg: Mức giảm liều mỗi tuần 25-50 mg/lần/ngày.
- Đối với người 29-41 kg: Giảm liều mỗi tuần 50-75 mg/ lần/ngày.
- Người trên 42kg: Mức giảm theo tuần là 100mg/ lần/ngày
3.3. Quá liều và quên liều thuốc Zonisamide
- Quá liều: Đã có những trường hợp xảy ra quá liều do vô tình và cố ý ở bệnh nhân. Trong một số trường hợp, quá liều có thể không có triệu chứng, đặc biệt là khi nôn hoặc được rửa sạch dạ dày ngay lập tức. Trong các trường hợp khác khi quá liều có thể gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, viêm dạ dày, buồn nôn, rung giật nhãn cầu, rung giật cơ, nặng có thể hôn mê, nhịp tim chậm, giảm chức năng thận, hạ huyết áp và ức chế hô hấp. Không có thuốc giải độc cụ thể cho tình trạng quá liều thuốc Zonisamide, nếu nghi ngờ sử dụng thuốc quá liều xảy ra trong thời gian ngắn thì cần tiến hành loại thuốc khỏi dạ dày bằng cách như rửa dạ dày hoặc gây nôn, điều trị hỗ trợ.
- Quên liều: Nếu bạn quên uống một liều, hãy uống thuốc này càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu như gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch.
4. Tác dụng phụ của thuốc Zonisamide
Cũng như các loại thuốc khác, việc dùng Zonisamide cũng có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm:
Thường gặp:
- Chán ăn, kích động hay lú lẫn, cáu gắt, suy nhược, mất điều hòa vận động, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, buồn ngủ;
- Nhìn đôi, vết bầm tím, phản quá mẫn, lo lắng, mất ngủ, rối loạn tâm thần, suy nhược thần kinh, rối loạn ngôn ngữ, rung giật nhãn cầu;
- Ngủ li bì, run, đau bụng, rối loạn tiêu hóa gây ra tiêu chảy hay táo bón, buồn nôn;
- Phát ban, ngứa, rụng tóc, sỏi thận, cảm giác mệt mỏi, giảm cân, phù ngoại vi, sốt hay các triệu chứng giống cúm.
- Xét nghiệm có giảm bicarbonate.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, hạ kali máu, giận dữ, hay có hành vi gây hấn, tự sát, co giật, nôn, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi thận.
Hiếm gặp:
- Thiếu máu bất sản, gây ra giảm số lượng máu giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, tăng số lượng bạch cầu, nổi hạch;
- Quá mẫn nặng như sốc phản vệ, phát ban, nhiễm toan chuyển hóa, nhiễm toan ống thận;
- Ảo giác, hôn mê, nhược cơ, co giật, hội chứng thần kinh ác tính, trạng thái động kinh.
- Glocom góc đóng, suy giảm thị lực, đau nhức mắt;
- Rối loạn chức năng hô hấp, viêm phổi, tổn thương tế bào gan, viêm tụy, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, rối loạn chức năng gan, sốc nhiệt.
- Giảm tiết mồ hôi, tiêu cơ vân, suy thận, ban đỏ.
- Thay đổi trên xét nghiệm tăng creatine phosphokinase, tăng creatinin huyết, tăng ure huyết.
Khi gặp phải những tác dụng phụ của thuốc bạn cần báo cho bác sĩ hay tới cơ sở y tế để được điều trị.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Zonisamide
- Điều trị bằng thuốc Zonisamide có thể xảy ra tình trạng phát ban nghiêm trọng, bao gồm cả các trường hợp gặp phải hội chứng Stevens-Johnson. Phải cân nhắc việc ngừng dùng thuốc Zonisamide ở những bệnh nhân xuất hiện tình trạng phát ban không rõ nguyên nhân.
- Việc ngừng dùng thuốc Zonisamide ở những bệnh nhân động kinh phải được thực hiện bằng cách giảm liều từ từ như được hướng dẫn, tránh dừng thuốc đột ngột để giảm khả năng co giật.
- Hội chứng về mắt gồm cận thị cấp tính có liên quan đến bệnh glocom góc đóng thứ phát đã được báo cáo ở cả bệnh nhân người lớn và trẻ em khi dùng Zonisamide. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sớm có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài tuần sau khi bắt đầu điều trị. Tăng nhãn áp là bệnh nguy hiểm dù do bất kỳ nguyên nhân nào, nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các di chứng nghiêm trọng bao gồm bị mất thị lực vĩnh viễn. Thận trọng khi điều trị thuốc Zonisamide ở bệnh nhân có tiền sử rối loạn mắt. Theo dõi và thăm khám sớm để phát hiện tăng nhãn áp do thuốc sớm
- Bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu như có ý định và đã thực hiện hành vi tự sát khi dùng thuốc. Do thuốc có thể gây ra bệnh trầm cảm hay ý định tự sát dù hiếm thấy.
- Sử dụng thuốc Zonisamide có thể làm tăng nguy cơ gây ra sỏi thận với các triệu chứng liên quan như đau quặn thận hoặc tình trạng đau hạ sườn. Uống nhiều nước có thể làm giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận, đặc biệt ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dễ mắc phải bệnh này.
- Ở những bệnh nhân dùng thuốc Zonisamide mà có các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của viêm tụy, khuyến cáo người bệnh nên theo dõi nồng độ lipase và amylase của tụy. Nếu viêm tụy có những biểu hiện rõ ràng nhưng không xác định được nguyên nhân thì nên cân nhắc việc dừng dùng thuốc Zonisamide.
- Đối với bệnh nhân khi dùng Zonisamide có các triệu chứng như bị đau cơ, yếu cơ nghiêm trọng nên đánh giá các dấu hiệu tổn thương cơ thông qua xét nghiệm như nồng độ creatine phosphokinase và aldolase trong huyết thanh.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu dùng thuốc cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và dùng biện pháp tránh thai trong vòng 1 tháng sau khi ngừng sử dụng Zonisamide.
- Phụ nữ mang thai: Zonisamide không được chỉ định sử dụng cho phụ nữ có thai trừ khi thật cần thiết hoặc khi lợi ích tiềm năng lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ đối với thai nhi. Bệnh nhân nên được thông báo một cách đầy đủ về nguy cơ có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng thuốc.
- Lưu ý dùng thuốc Zonisamide cho phụ nữ cho con bú: Zonisamide được bài tiết qua sữa mẹ, với nồng độ trong sữa mẹ tương tự như trong huyết tương của mẹ. Phải cân nhắc giữa việc ngừng cho con bú hoặc phải ngừng điều trị Zonisamide. Do thời gian lưu giữ của thuốc Zonisamide trong cơ thể kéo dài, nên không cho con bú trong vòng 1 tháng kể từ khi kết thúc điều trị bằng Zonisamide.
6. Tương tác thuốc
Tương tác Zonisamide với các thuốc khác được báo cáo gồm:
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời Zonisamide với các chất có tác dụng ức chế Anhydrase carbonic như Topiramate, Acetazolamide ở người lớn và phối hợp này không được dùng ở bệnh nhân nhi.
- Cần thận trọng khi điều trị thuốc Zonisamide ở những bệnh nhân đang dùng các thuốc là chất nền của P-gp (Digoxin, Quinidine).
- Nếu cần dùng đồng thời Zonisamide với các chất gây cảm ứng enzym CYP3A4 (Phenytoin, Carbamazepine, Phenobarbitone), bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh liều dùng khi cần thiết.
Zonisamide là thuốc có tác dụng chống động kinh dùng được cho người từ trên 6 tuổi. Việc dùng thuốc cần được cân nhắc và theo dõi sát bởi bác sĩ có chuyên môn. Nếu có bất kỳ bất thường nào cần báo với bác sĩ để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.