Công dụng thuốc Zolafren

Zolafren là thuốc được chỉ định trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hoặc bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Zolafren, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Zolafren trong bài viết sau đây.

1. Thuốc Zolafren có tác dụng gì?

1.1. Zolafren là thuốc gì?

Zolafren thuộc nhóm thuốc an thần, chống loạn thần nhóm Benzodiazepin. Thuốc có số đăng ký VN-19299-15, do công ty Pharmaceutical Works Adamed Pharma Joint Stock Company – Ba Lan sản xuất.

Zolafren có thành phần chính là Olanzapine hàm lượng 5mg hoặc 10mg. Tá dược: lactose, lecithin...Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 5mg có đóng gói vỉ 14 viên, mỗi hộp 2 vỉ và loại 10mg vỉ 7 viên, hộp 4 vỉ.

Thuốc Zolafren khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

1.2. Thuốc Zolafren có tác dụng gì?

Hoạt chất Olanzapine là thuốc chống loạn thần, chống hưng cảm và giúp ổn định tâm trạng hiệu quả. Thuốc ít gây hội chứng ngoại tháp, ít làm tăng tiết prolactin, ít gây loạn vận động giai đoạn muộn khi điều trị kéo dài và ức chế của tâm thần phân liệt.

Zolafren được bác sĩ kê đơn chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực: Đợt cấp hưng cảm hay thể hỗn hợp, bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh, giai đoạn kích động cấp trong tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực.
  • Duy trì cải thiện tình trạng bệnh trên lâm sàng khi tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân đã dùng thuốc trước đó và có đáp ứng ban đầu.
  • Ở những bệnh nhân có cơn hưng cảm đã đáp ứng với thuốc trước đó, Zolafren được chỉ định để phòng ngừa tái phát ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực
  • Các trường hợp đơn trị liệu tâm thần hưng cảm ở đối tượng là người lớn hay trẻ em từ 12 đến 18 tuổi (cần được sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa).

Chống chỉ định:

Zolafren chống chỉ định trong trường hợp

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Olanzapine hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân có nguy cơ Glôcôm góc hẹp.
  • Đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú không nên dùng.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi do phát triển nhiều tác dụng không mong muốn.

2. Cách sử dụng của Zolafren

2.1. Cách dùng thuốc Zolafren

  • Thuốc Zolafren dùng đường uống.
  • Người bệnh nên uống thuốc với 1 cốc nước lọc, có thể uống lúc đói hay lúc no đều được.
  • Uống nguyên viên thuốc Zolafren, không bẻ đôi, nghiền nát hay trộn với bất cứ hỗn hợp nào khác để uống.
  • Tuân thủ đúng liều chỉ định của bác sĩ, không tự ý thêm hoặc bớt liều chỉ định mà chưa được sự chấp thuận của bác sĩ điều trị.

2.2. Liều dùng của thuốc Zolafren

Người lớn:

  • Tâm thần phân liệt: Liều khởi đầu là 10mg/ ngày.
  • Giai đoạn hưng cảm: Liều khởi đầu là 15mg/ ngày, uống 1 lần duy nhất với đơn liệu pháp. Hoặc 10mg/ ngày trong liệu pháp phối hợp thuốc.
  • Dự phòng tái phát trong điều trị rối loạn lưỡng cực: Liều khởi đầu là 10mg/ ngày. Với những bệnh nhân đang sử dụng Zolafren để điều trị giai đoạn hưng cảm, cần duy trì mức liều để dự phòng tái phát. Nếu ghi nhận giai đoạn hưng cảm, hỗn hợp mới hoặc trầm cảm xuất hiện, cần tiếp tục dùng Zolafren (với liều tối ưu theo nhu cầu từng người bệnh) cùng với các thuốc điều trị triệu chứng cảm xúc tùy theo tình trạng bệnh trên lâm sàng. Khi điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, ở giai đoạn hưng cảm hoặc dự phòng tái phát trong điều trị rối loạn lưỡng cực, có thể điều chỉnh liều hàng ngày dựa trên tình trạng lâm sàng của mỗi bệnh nhân trong khoảng liều từ 5 đến 20 mg một ngày. Chỉ nên tăng liều cao hơn liều đề nghị ban đầu sau khi đã đánh giá lại toàn trạng bệnh nhân và chỉ nên tăng liều sau không dưới 24 giờ. Cần giảm liều Zolafren từ từ khi có ý định ngừng thuốc.
  • Bệnh nhân cao tuổi: Liều khởi đầu thấp hơn (chỉ 5mg/ ngày). Ở đối tượng này không thường xuyên được chỉ định nhưng vẫn có thể cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên nếu các yếu tố lâm sàng của bệnh nhân cho phép.
  • Bệnh nhân suy thận và/hoặc suy gan: Cân nhắc sử dụng liều với liều khởi đầu thấp hơn (chỉ 5mg/ ngày). Trong trường hợp thiểu năng gan mức độ trung bình (gồm xơ gan, Child-Pugh A hoặc B), cần thận trọng khi tăng liều.

Chú ý: Nếu bệnh nhân có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ có thể làm giảm chuyển hóa Olanzapine (giới tính nữ, không hút thuốc, cao tuổi) thì cần cân nhắc việc giảm liều. Và cũng nên thận trọng khi tăng liều ở những bệnh nhân này.

Xử lý khi quên liều:

  • Uống ngay liều Zolafren khi nhớ ra. Thông thường các thuốc có thể uống chậm hơn trong khoảng 1 đến 2 giờ so với thời điểm chỉ định của bác sĩ.
  • Tuy nhiên, nếu thời gian hiện tại đã quá xa thời điểm cần uống thuốc thì bỏ qua liều bạn đã quên và tuyệt đối không gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người dùng.

Xử trí khi quá liều:

  • Các triệu chứng quá liều rất hay gặp bao gồm kích động, hung hăng, nhịp tim nhanh, rối loạn vận ngôn, các triệu chứng của chứng ngoại tháp khác nhau và giảm mức độ nhận thức từ an thần đến hôn mê.
  • Các triệu chứng rõ rệt khác bao gồm: Lú lẫn, mê sảng, hôn mê, có thể xảy ra hội chứng an thần kinh ác tính, hít dịch, ức chế hô hấp, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, loạn nhịp tim và thậm chí ngừng tim.
  • Đã có những trường hợp tử vong đã được ghi nhận khi dùng mức liều thấp 450mg nhưng lại có các trường hợp sống sót sau khi dùng liều tới khoảng 2g olanzapin theo đường uống cũng đã được ghi nhận.

Xử lý quá liều:

  • Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho olanzapine.
  • Khuyến cáo gây nôn bằng việc rửa dạ dày, sử dụng than hoạt. Uống đồng thời thuốc có chứa olanzapine cùng với than hoạt làm giảm sinh khả dụng của olanzapine theo đường uống từ 50 - 60%.
  • Điều trị triệu chứng và kiểm soát các chức năng sống như: điều trị tụt huyết áp và trụy tuần hoàn, hỗ trợ chức năng hô hấp.
  • Không sử dụng dopamin, epinephrin hoặc các thuốc giống giao cảm cùng với các thuốc chủ vận beta do các thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng tụt huyết áp.
  • Giám sát chức năng tim mạch để phát hiện nguy cơ loạn nhịp tim có thể xảy ra. Vẫn tiếp tục theo dõi sát bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân được hồi phục hoàn toàn.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Zolafren

  • Trong điều trị loạn thần, có thể phải mất vài ngày thậm chí đến vài tuần thì tình trạng bệnh nhân trên lâm sàng mới được cải thiện. Mọi bệnh nhân đều cần được theo dõi chặt chẽ trong khi điều trị.
  • Khuyến cáo không sử dụng Olanzapine ở nhóm bệnh nhân: Parkinson, Sa sút trí tuệ liên quan đến rối loạn tâm thần và/hoặc rối loạn hành vi do thuốc có thể làm tăng tỷ lệ tử vong và tăng nguy cơ biến mạch máu não.
  • Ngưng sử dụng Zolafren ở bệnh nhân mắc hội chứng an thần kinh ác tính (NMS).
  • Bệnh nhân bị tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân khi sử dụng thuốc Zolafren cần được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của chứng tăng đường huyết (uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều), đồng thời kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên hơn.
  • Theo dõi sự thay đổi của chỉ số lipid thường xuyên trong quá trình điều trị bằng Zolafren.
  • Thận trọng khi sử dụng Zolafren cho bệnh nhân liệt ruột, phì đại tiền liệt tuyến và các tình trạng liên quan.
  • Thận trọng khi sử dụng Zolafren cho bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng của suy gan, bệnh nhân có các tình trạng khiến cho chức năng dự trữ gan bị hạn chế từ trước và những bệnh nhân đang được điều trị với các loại thuốc có khả năng gây độc cho gan. Cần theo dõi chức năng gan thường xuyên ở những bệnh nhân này. Nếu trường hợp viêm gan (bao gồm gan ứ mật, tổn thương tế bào gan hoặc hỗn hợp) đã được chẩn đoán xác định, nên ngưng điều trị với Zolafren.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân bị giảm số lượng bạch cầu và/hoặc bạch cầu trung tính do bất cứ nguyên nhân nào.
  • Khi ngưng đột ngột Zolafren có thể xuất hiện các triệu chứng cấp tính như: Vã mồ hôi, run, mất ngủ, lo âu, buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Thận trọng khi sử dụng Zolafren với các thuốc làm tăng khoảng QT, đặc biệt là bệnh nhân có hội chứng QT kéo dài bẩm sinh, phì đại tim, suy tim sung huyết, hạ kali máu hoặc hạ magie máu và ở người cao tuổi.
  • Lưu ý khi sử dụng Zolafren cùng với rượu và các loại thuốc tác động trung ương khác.
  • Thận trọng khi sử dụng Zolafren cho bệnh nhân có tiền sử từng bị động kinh hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố có thể làm giảm ngưỡng động kinh.
  • Nguy cơ rối loạn vận động muộn tăng lên khi điều trị lâu dài với Zolafren, do đó nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn vận động muộn ở bệnh nhân sử dụng Zolafren, nên cân nhắc giảm liều hoặc ngừng điều trị.
  • Cần đo huyết áp định kỳ ở những bệnh nhân trên 65 tuổi có sử dụng Zolafren do thuốc có gây hạ huyết áp tư thế.
  • Thành phần tá dược có chứa Lactose: nên không dùng thuốc cho bệnh nhân thiếu hụt lactase Lapp, không dung nạp glucose, hoặc kém hấp thu glucose-galactose.
  • Thành phần tá dược có chứa Lecithin đậu nành: Không dùng thuốc cho bệnh nhân dị ứng với đậu phộng hoặc đậu nành.
  • Thuốc Zolafren có thể gây buồn ngủ nên không lái xe hoặc vận hành máy móc khi dùng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zolafren

Quá trình sử dụng Zolafren, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Hay gặp:

  • Thần kinh trung ương: Ngủ gà, mất ngủ, hội chứng ngoại tháp, chóng mặt, rối loạn phát âm, ác mộng, sảng khoái, quên, hưng cảm và sốt.
  • Tiêu hóa: Khó tiêu, khô miệng, buồn nôn, nôn, tăng cảm giác thèm ăn, táo bón và tăng cân.
  • Gan: Tăng chỉ số ALT.
  • Cơ – xương: Run, yếu cơ, ngã (đặc biệt ở người cao tuổi).
  • Tim mạch: Hạ huyết áp, phù ngoại vi, nhịp tim nhanh, đau ngực.
  • Da: Bỏng rát tại chỗ, đau tại vị trí tiêm (tiêm bắp).
  • Nội tiết, chuyển hóa: Tăng prolactin máu, tăng cholesterol máu, tăng đường huyết, xuất huyết đường niệu.
  • Mắt: Viêm kết mạc và giảm thị lực,.

Ít gặp: Giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, nhịp chậm, tăng nhạy cảm với ánh sáng và động kinh.

Hiếm gặp: Viêm tụy và hội chứng an thần kinh ác tính.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Zolafren và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Zolafren

Các tương tác có thể ảnh hưởng đến Zolafren gồm:

  • Cảm ứng CYP1A2: Chuyển hóa olanzapine có thể bị cảm ứng bởi việc bệnh nhân hút thuốc lá hoặc sử dụng carbamazepin
  • Ức chế CYP1A2: Cần cân nhắc giảm liều Zolafren khi bắt đầu sử dụng thêm thuốc ức chế CYP1A2.
  • Giảm sinh khả dụng: Than hoạt tính làm giảm sinh khả dụng của hoạt chất olanzapine dùng theo đường uống từ 50% - 60% khi dùng chung và do đó, cần uống than hoạt tính ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi sử dụng Zolafren. Liều đơn thuốc kháng acid (nhôm, magnesi), Fluoxetin (một thuốc ức chế CYP2D6), hoặc cimetidin không ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của olanzapine.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Zolafren thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Zolafren phù hợp.

6. Cách bảo quản thuốc Zolafren

  • Thời gian bảo quản Zolafren là 24 tháng từ ngày sản xuất.
  • Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tại nơi khô ráo và thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Vì nhiệt độ cao có thể sẽ làm hư, hỏng hay biến đổi các thành phần trong thuốc.
  • Không để thuốc Zolafren ở nơi có độ ẩm cao như: nhà tắm, tủ lạnh
  • Cất thuốc Zolafren tránh xa tầm tay với của trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc kê đơn Zolafren, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Zolafren điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe