Thuốc Ziusa với thành phần chính là Azithromycin 600mg dưới dạng Azithromycin TM granules 7,5% w/w. Thuốc được chỉ định điều trị những người bệnh mắc nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Dưới đây là một số thông tin hữu ích về thuốc Azithromycin giúp người bệnh sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.
1. Thuốc Ziusa là thuốc gì?
Ziusa thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Ziusa được bào chế sản xuất dưới dạng bột pha hỗn dịch uống và đóng gói theo hộp 1 lọ.
Thuốc Ziusa có thành phần chính là Azithromycin 600mg cùng với một số thành phần tá dược khác vừa đủ 1 lọ.
2. Thuốc Ziusa có tác dụng gì?
Thuốc Ziusa được chỉ định điều trị trong các trường hợp bị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc như:
- Điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như: Viêm phổi, viêm phế quản cấp do Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis hay Streptococcus pneumoniae.
- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như nhiễm trùng tai, mũi, họng:
- Viêm xoang.
- Viêm họng, viêm Amidan.
- Viêm tai giữa.
- Nhiễm khuẩn răng miệng.
- Điều trị bệnh nhiễm trùng da, mô mềm như: Mọc mụn nhọt, bệnh mủ da, chốc lở do Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Streptococcus agalactiae...
- Điều trị bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục ở cả nam và nữ - nhiễm khuẩn sinh dục không biến chứng do Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae.
- Sử dụng thuốc Ziusa cho những người bệnh bị dị ứng với Penicilin để giảm nguy cơ kháng thuốc.
- Điều trị bệnh hạ cam do Haemophilus ducreyi.
- Sử dụng thuốc Ziusa phối hợp với thuốc Rifabutin để dự phòng MAC và với Ethambutol để điều trị MAC.
3.Liều lượng - Cách dùng thuốc Ziusa
3.1. Cách dùng thuốc Ziusa
Thuốc Ziusa được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống, được dung nạp vào trong cơ thể theo đường uống.
Trước khi sử dụng cần lắc đều chai thuốc, hoà tan bột thuốc với một ít nước ấm, khuấy đều rồi uống.
Lưu ý: Uống thuốc khi bụng đói, trước bữa ăn 1 giờ hoặc ít nhất 2 giờ sau khi ăn.
3.2. Liều lượng thuốc Ziusa
Liều dùng thuốc Ziusa phụ thuộc vào từng đối tượng và diễn tiến của bệnh lý. Dưới đây là liều tham khảo thuốc Ziusa:
Đối với người lớn:
- Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng da và mô mềm: Sử dụng 1 liều duy nhất 500mg Azithromycin trong ngày đầu tiên. Trong 4 ngày tiếp theo, dùng liều duy nhất là 250mg Azithromycin trong ngày.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn sinh dục do Chlamydia trachomatis, Haemophilus ducreyi: Liều sử dụng thuốc là 1000mg Azithromycin mỗi ngày.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn do Neisseria gonorrhoeae: Liều sử dụng thuốc là 1000mg hoặc 2000mg Azithromycin với 250-500mg Ceftriaxone trong 1 ngày .
- Sử dụng thuốc Ziusa để điều trị dự phòng nhiễm MAC: Liều sử dụng thuốc mỗi tuần dùng 1200mg Azithromycin/lần.
- Sử dụng thuốc Ziusa để điều trị nhiễm MAC: Liều thuốc mỗi ngày dùng 600mg Azithromycin. Người bệnh nên dùng với các Mycobacterium khác để tăng hiệu quả điều trị. Nếu có chỉ định khác, điều trị trong 3 ngày thì liều dùng mỗi ngày là 500mg Azithromycin. Hoặc điều trị trong 5 ngày thì với liều ở ngày đầu tiên là 500mg Azithromycin, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 uống 250mg Azithromycin/ngày.
Đối với trẻ nhỏ:
- Trong bất cứ trường hợp chỉ định nào thì liều sử thuốc Ziusa tối đa là 1500mg Azithromycin mỗi ngày đối với trẻ nhỏ.
- Tổng liều là 30mg Azithromycin/kg cân nặng, có thể chia ra thành 3 ngày uống, sử dụng mỗi ngày là 10mg Azithromycin/kg cân nặng. Cũng có thể chia ra ngày đầu tiên sử dụng 10mg Azithromycin/kg cân nặng, các ngày sau sử dụng liều 5mg Azithromycin/kg cân nặng (từ ngày 2 đến ngày 5).
- Đối với trẻ bị bệnh viêm tai giữa cấp: Có thể sử dụng thuốc Ziusa ở liều 30mg/kg cân nặng trong 1 ngày.
- Trường hợp điều trị viêm hầu họng do liên cầu ở trẻ: Dùng 10mg Azithromycin/kg cân nặng hoặc 20mg Azithromycin/kg cân nặng trong 3 ngày. Liều tối đa mỗi ngày không được quá 500mg Azithromycin. Dùng liều theo tính toán càng chính xác thì càng đạt hiệu quả.
Liều dùng tương ứng với cân nặng của trẻ như sau:
- Trẻ < 15kg: Trong 3 ngày, liều uống 10mg Azithromycin/ngày. cũng có thể dùng ngày đầu tiên ở liều 10mg Azithromycin, từ ngày 2 đến ngày 5 mỗi ngày 5mg Azithromycin.
- Trẻ từ 15kg -25kg: Trong 3 ngày, liều uống 200mg Azithromycin/ngày. Cũng có thể dùng ngày đầu tiên với liều 200mg Azithromycin, sau đó từ ngày 2 đến ngày 5 mỗi ngày 100mg Azithromycin.
- Trẻ từ 26kg - 35kg: Sử dụng thuốc Ziusa trong 3 ngày, liều uống là 300mg Azithromycin/ ngày. Cũng có thể uống trong 5 ngày thì ngày đầu tiên liều uống là 30mg Azithromycin, từ ngày 2 đến ngày 5 mỗi ngày 150mg Azithromycin.
- Trẻ từ 36kg - 45kg: Trong 3 ngày, liều dùng thuốc là uống 400mg/ngày. Hoặc dùng ngày đầu 400mg Azithromycin, từ ngày 2 đến ngày 5 mỗi ngày 200mg Azithromycin.
- Trẻ từ > 45kg: Sử dụng thuốc theo liều lượng của người lớn.
- Đối với trẻ < 6 tháng tuổi: Chưa có thông tin về hiệu quả và tính an toàn của thuốc. Do đó, không nên dùng thuốc Ziusa cho trẻ em ở nhóm tuổi này.
Đối với người người già, người bệnh suy thận hoặc suy gan nhẹ không cần chỉnh liều sử dụng thuốc Ziusa.
4. Cần làm gì khi sử dụng quá liều thuốc Ziusa?
Hiện tại, vẫn chưa có các báo cáo, tư liệu gì về trường hợp người bệnh sử dụng quá liều thuốc Ziusa. Các triệu chứng điển hình quá liều của kháng sinh Macrolid thường là:
- Giảm thính lực.
- Buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Vẫn chưa có các biện pháp điều trị đặc hiệu khi người bệnh sử dụng quá liều thuốc Ziusa. Cần xử lý bằng cách rửa dạ dày và điều trị hỗ trợ.
5. Chống chỉ định của thuốc Ziusa
- Ziusa không được dùng cho người bệnh bị mẫn cảm với thành phần Azithromycin, Erythromycin, kháng sinh thuộc nhóm Macrolid hoặc Ketolide hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
Không dùng Ziusa với thuốc Ergotamine và Bromocriptine.
6. Tương tác thuốc Ziusa
Một vài tương tác của thuốc Ziusa 200mg/5ml có thể xảy ra như:
- Không sử dụng thuốc Ziusa cùng với thức ăn sẽ làm giảm sinh khả dụng của thuốc tới 50%.
- Không sử dụng đồng thời Azithromycin với các dẫn chất nấm cựa gà: Sẽ gây tăng ngộ độc Ergotin.
- Không nên phối hợp với thuốc kháng acid: Vì nồng độ đỉnh của Antacid giảm 24%.
- Không sử dụng thuốc với các thuốc Digoxin, Cyclosporin: Sẽ gây ra tình trạng tăng nồng độ P-glycoprotein trong huyết thanh, tăng nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc. Người bệnh cần theo dõi và điều chỉnh liều khi dùng đồng thời các thuốc trên.
- Thuốc chống đông loại Coumarin: Tăng tác dụng chống đông của các thuốc này. Có thể sử dụng đồng thời Warfarin và Azithromycin nhưng vẫn phải theo dõi thời gian chống đông máu của người bệnh.
- Khi sử dụng thuốc Ziusa phối hợp cùng với thuốc Rifabutin, mặc dù không gây ảnh hưởng đến nồng độ trong máu của cả 2 thuốc nhưng sẽ làm giảm bạch cầu trung tính.
- Khi dùng phối hợp Azithromycin với thuốc Theophylin, không gây ra tương tác có ý nghĩa lâm sàng, nhưng vẫn phải theo dõi nồng độ của Theophylin khi dùng 2 thuốc này cho người bệnh.
- Phối hợp dùng với các thuốc Carbamazepin, Cimetidin, Methylprednisolon: Thành phần Azithromycin của thuốc ít ảnh hưởng đến dược động học của thuốc Carbamazepin, Cimetidin, Methylprednisolon.
- Dùng thuốc Ziusa thuốc Zidovudine: Làm tăng nồng độ của thuốc Zidovudine.
- Dùng thuốc Ziusa với thuốc Atorvastatin: Có thể làm tiêu cơ vân.
- Dùng thuốc Ziusa với thuốc Fluconazole: Không gây tương tác dược động học nhưng có sự giảm nhẹ nồng độ đỉnh Cmax (18%) của Azithromycin.
- Dùng thuốc Ziusa với thuốc Nelfinavir: Sẽ tăng nồng độ của thuốc Azithromycin.
Trước khi sử dụng thuốc Ziusa để điều trị, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về các thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để có hướng điều trị hiệu quả nhất, tránh được các tương tác xảy ra không mong muốn.
7. Tác dụng phụ của thuốc Ziusa
Thuốc được dung nạp tốt. Hầu hết tác dụng phụ khi dùng thuốc Ziusa ở thể vừa và nhẹ. Trong quá trình sử dụng thuốc Ziusa, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Thường gặp: Bị rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng như: Đau bụng, co cứng cơ bụng, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
- Trường hợp hiếm gặp về rối loạn vị giác, viêm thận, viêm âm đạo...; các tác dụng phụ của Macrolid trên thần kinh như nhức đầu, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi...; xuất hiện nổi mẩn, phù nề, nhạy cảm ánh sáng, phù mạch ngoại vi....trên da.
- Gây giảm thính lực có phục hồi ở người bệnh dùng thuốc Ziusa kéo dài với liều cao.
- Gây giảm nhẹ nhất thời số lượng bạch cầu trung tính, thoáng qua trong quá trình thử nghiệm lâm sàng nhưng chưa xác định rõ mối liên quan với việc dùng thuốc.
- Làm tăng có phục hồi Transaminase gan như: Viêm gan, vàng da ứ mật đã được báo cáo.
Tất cả các trường hợp tác dụng phụ trên của thuốc đều được giảm dần và mất đi khi người bệnh ngưng điều trị thuốc Ziusa. Khi xuất hiện bất kỳ các tác dụng phụ không mong muốn trên người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được giúp đỡ kịp thời.
8. Lưu ý khi sử dụng thuốc Ziusa
- Cần chỉnh liều thuốc Ziusa thích hợp cho người bệnh suy gan, suy thận (ClCr <40 ml/phút). Đối với người bệnh bị suy thận nặng (mức lọc < 10ml/phút) có thể bị tăng nồng độ thuốc trong máu khi dùng.
- Nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm và viêm đại tràng màng giả khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng như Azithromycin.
- Thận trọng vì Azithromycin có khả năng gây dị ứng như: Bị phù thần kinh mạch và phản vệ dù rất hiếm.
- Đối với phụ nữ có thai: Qua các thí nghiệm ở động vật không thấy tác động có hại của thuốc cho thai kỳ. Nhưng do vẫn chưa đủ bằng chứng đầy đủ khi dùng trên người. Chính vì thế cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết phải sử dụng thuốc.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Ziusa được bài tiết vào sữa mẹ. Tuy vậy, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng Ziusa cho đối tượng này. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nếu có bất cứ thắc mắc nào cần phải thông báo, thăm hỏi thêm ý kiến bác sĩ.
- Lưu ý, để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng. Bảo quản thuốc Ziusa ở nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C.
Những thông tin cơ bản về thuốc Ziusa trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng Ziusa, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.