Các loại hàm lượng thuốc Rodogyl

Rodogyl là loại thuốc phối hợp hai loại kháng sinh spiramycin và metronidazole thường được dùng trong điều trị và dự phòng các loại nhiễm khuẩn răng miệng. Do đây là dạng thuốc phối hợp 2 thành phần nên dễ khiến bệnh nhân nhầm lẫn về hàm lượng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về các hàm lượng thuốc Rodogyl, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng Rodogyl.

1. Thuốc Rodogyl có những hàm lượng nào?

Thuốc Rodogyl có hoạt chất chính là spiramycin và metronidazole. Dạng thuốc phối hợp giữa spiramycin, một kháng sinh thuộc nhóm macrolide và metronidazole, một kháng sinh nhóm nitro-5-imidazole nhằm điều trị chủ yếu các loại nhiễm khuẩn răng miệng. Do vậy, Rodogyl còn được nhiều người biết đến là thuốc kháng sinh răng Rodogyl. Nhiều bệnh nhân vẫn thắc mắc về hàm lượng thuốc Rodogyl. Một số người nói rằng, thuốc Rodogyl có hàm lượng là 125mg, số khác lại nghĩ rằng thuốc Rodogyl có hàm lượng 750mg. Thực tế, Rodogyl có hai hoạt chất chính là spiramycin với hàm lượng 750 000IU và metronidazole 125 mg. Chỉ định của thuốc Rodogyl bao gồm các loại nhiễm khuẩn xoang miệng cấp tính, mãn tính hoặc tái diễn, cụ thể:

2. Liều dùng thuốc Rodogyl

2.1 Điều trị nhiễm khuẩn

Người lớn:

Uống 4 đến 6 viên Rodogyl mỗi ngày (khoảng 3 đến 4,5 triệu IU spiramycin và 500 đến 750mg metronidazole), chia ra 2-3 lần/ngày và uống trong bữa ăn. Đối với các trường hợp nặng, có thể tăng liều Rodogyl lên đến 8 viên một ngày.

Trẻ em:

  • Từ 6 đến 10 tuổi: uống 2 viên Rodogyl mỗi ngày (khoảng 1,5 triệu IU spiramycin và 250mg metronidazole).
  • Từ 10 đến 15 tuổi: uống 3 viên Rodogyl mỗi ngày (khoảng 2,25 triệu IU spiramycin và 375 mg metronidazole).

2.2 Dự phòng nhiễm khuẩn tại chỗ sau phẫu thuật răng miệng:

Người lớn: uống 4 đến 6 viên Rodogyl mỗi ngày, chia ra 2-3 lần và uống trong bữa ăn.

Trẻ em:

  • Từ 6 đến 10 tuổi: liều dùng là 2 viên Rodogyl mỗi ngày (khoảng 1,5 triệu IU spiramycin và 250mg metronidazole).
  • Từ 10 đến 15 tuổi: dùng 3 viên Rodogyl mỗi ngày (khoảng 2,25 triệu IU spiramycin và 375 mg metronidazole).

3. Chống chỉ định của Rodogyl là gì?

Rodogyl bị chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với các thuốc nhóm imidazole, spiramycin hay bất kỳ tá dược nào trong thành phần
  • Trẻ em dưới 6 tuổi do dạng bào chế viên nén không phù hợp cho đối tượng này

4. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Rodogyl

4.1 Tác dụng phụ của spiramycin:

  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và một số trường hợp viêm đại tràng giả mạc hiếm gặp.
  • Da: Nổi mẩn, ngứa, mề đay, Phù Quincke, sốc phản vệ (rất hiếm). Đỏ da mưng mủ toàn thân cấp tính (rất hiếm gặp)
  • Hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên: Đôi khi bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng dị cảm thoáng qua.
  • Triệu chứng gan: Ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm chức năng gan (hiếm gặp).
  • Huyết học: Một số trường hợp thiếu máu tán huyết đã được báo cáo khi dùng spiramycin (rất hiếm gặp)

4.2 Tác dụng phụ của metronidazole

  • Hệ tiêu hóa: Các rối loạn tiêu hóa thường gặp như đau thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Viêm lưỡi, có cảm giác khô miệng, viêm miệng, miệng có vị kim loại, chán ăn.Viêm tụy có thể phục hồi khi ngưng điều trị (rất hiếm xảy ra)
  • Da: Bốc hỏa, ngứa, nổi mẩn, đôi khi bệnh nhân có sốt. Nổi mề đay, phù Quincke hoặc hiếm gặp hơn là sốc phản vệ.
  • Hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên: Đau đầu, Bệnh lý dây thần kinh ngoại biên, Co giật, chóng mặt.
  • Rối loạn tâm thần: Lú lẫn, ảo giác.
  • Ảnh hưởng huyết học: Rất hiếm bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu.
  • Triệu chứng gan: Một số hiếm trường hợp bệnh nhân có thể bị rối loạn chức năng gan nhưng có thể hồi phục được và viêm gan tắc mật.

Các ảnh hưởng khác có thể kể đến như: Nước tiểu có màu nâu đỏ, vì có các sắc tố hòa tan trong nước do chuyển hóa thuốc.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Rodogyl

  • Tránh dùng thuốc với các thức uống có cồn, vì có thể gây phản ứng giống disulfiram.
  • Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị đỏ da mưng mủ toàn thân (có triệu chứng đỏ da toàn thân, sốt kết hợp với mụn mủ xảy ra khi bắt đầu điều trị) phải ngưng điều trị ngay và sau này không được sử dụng spiramycin dù là dạng đơn độc hoặc dạng phối hợp.
  • Phải ngưng điều trị thuốc Rodogyl nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng thất điều vận động, chóng mặt hoặc lú lẫn.
  • Vì thuốc Rodogyl chứa metronidazole, cần xét đến nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thần kinh trên bệnh nhân có bệnh nặng, mạn tính hoặc tiến triển ở hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên.
  • Spiramycin không được khuyên dùng ở bệnh nhân thiếu men glucose-6-phosphat-dehydrogenase. Một số hiếm các trường hợp thiếu máu tán huyết đã được báo cáo ở các đối tượng bệnh nhân trên.
  • Trên bệnh nhân có tiền sử rối loạn huyết học và bệnh nhân đang dùng liều cao và/hoặc điều trị kéo dài, nên thường xuyên thực hiện xét nghiệm công thức máu. Trong trường hợp giảm bạch cầu, việc tiếp tục hay ngưng điều trị rodogyl phụ thuộc vào độ nặng của tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Trong trường hợp cần điều trị Rodogyl kéo dài, cần theo dõi các dấu hiệu gợi ý các tác dụng ngoại ý trên hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên như dị cảm, thất điều, chóng mặt, lú lẫn, co giật.
  • Đã có báo cáo nhiều trường hợp tăng hoạt tính thuốc kháng đông đường uống trên bệnh nhân đang điều trị kháng sinh Rodogyl. Mức độ nhiễm khuẩn, tuổi và tổng trạng của bệnh nhân có thể là những yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng trên. Trong những trường hợp này, khó xác định được liệu nhiễm khuẩn hay việc điều trị nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến INR. Tuy nhiên, có một số nhóm kháng sinh thường liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là fluoroquinolone, macrolide, tetracyclin, cotrimoxazole và một số kháng sinh cephalosporin.
  • Lái xe và vận hành máy móc: cần cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ chóng mặt, lú lẫn, ảo giác khi đang dùng Rodogyl và khuyên bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu xảy ra những rối loạn trên.
  • Phụ nữ mang thai: Về mặt lâm sàng, một số nghiên cứu phân tích các trường hợp mang thai phơi nhiễm metronidazole cho thấy không có tác dụng sinh quái thai hoặc độc cho thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật không cho thấy bằng chứng về tác dụng sinh quái thai của metronidazole. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu về dịch tễ để kết luận chắc chắn. Vì thế, phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi được bác sĩ kê đơn và cân nhắc giữa các lợi ích.
  • Đối với spiramycin, có thể xem xét sử dụng spiramycin ở phụ nữ mang thai. Việc sử dụng spiramycin trong thai kỳ không cho thấy tác dụng sinh quái thai hoặc độc cho thai. Nhìn chung, có thể sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: spiramycin và metronidazole được bài tiết trong sữa mẹ. Do đó không nên dùng thuốc Rodogyl trong thời kỳ đang cho con bú.
  • Quá liều: Hiện tại không có thuốc giải độc đặc hiệu cho spiramycin và metronidazole. Nếu xảy ra trường hợp quá liều Rodogyl, chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Khi quá liều spiramycin, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Một số trường hợp bệnh nhân bị kéo dài khoảng QT và có thể giảm đi khi ngưng điều trị đã được nhận thấy trên trẻ sơ sinh điều trị với liều cao spiramycin và sau khi dùng spiramycin tiêm tĩnh mạch trên các đối tượng có nguy cơ kéo dài khoảng QT. Do đó, nếu xảy ra quá liều spiramycin, nên đo khoảng QT, đặc biệt khi có sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác (hạ kali máu, kéo dài QT bẩm sinh, phối hợp với thuốc làm kéo dài khoảng QT). Đối với metronidazole, các trường hợp dùng liều duy nhất lên đến 12g đã được báo cáo và triệu chứng chỉ là nôn mửa, thất điều và mất định hướng nhẹ.

Tóm lại, Rodogyl có hai thành phần chính là spiramycin với hàm lượng 750.000 IU và metronidazole 125mg. Đây là loại kháng sinh phối hợp thường dùng trong điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, chủ yếu là trên tiêu hóa. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn và liều lượng để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe