Hiệu quả của các thuốc chống nhiễm khuẩn răng miệng

Nhiễm khuẩn răng miệng thường xảy ra do sâu răng và vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể do các can thiệp nha khoa trước đó hoặc những chấn thương vào vùng răng hàm mặt. Cho dù là nguyên nhân gì, việc điều trị nhiễm khuẩn răng miệng nhờ vào vai trò của các loại kháng sinh là chủ yếu.

1. Nhiễm khuẩn răng miệng là gì?

Nhiễm khuẩn răng miệng từ lâu đã là một căn bệnh khiến nhiều người lo lắng nếu từng mắc phải. Tình trạng nhiễm trùng thường phát sinh từ viêm tủy và tủy răng hoại tử có liên quan ban đầu từ bề mặt răng là sâu răng. Sự xâm nhập và gây bệnh của vi trùng sau đó có thể vẫn khu trú tại chỗ hay sẽ nhanh chóng lây lan qua các khu vực xung quanh, thậm chí vi khuẩn theo dòng máu gây nhiễm trùng huyết, viêm não – màng não. Đây cũng là các biến chứng nặng nề của nhiễm khuẩn răng miệng, đôi khi khiến cho người bệnh nguy kịch đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời, nhất là trên các đối tượng suy giảm miễn dịch, cơ địa suy yếu từ trước hay có các bệnh lý mạn tính.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng răng miệng đi khám vì cảm giác sưng đau, phù nề vùng nướu hay cả hàm mặt, nhạy cảm với thức ăn nóng lạnh hay chua cay. Ban đầu, các triệu chứng này biểu hiện với mức độ nhẹ, âm ỉ. Về sau, tình trạng này sẽ nặng dần, ổ nhiễm lan rộng, khiến người bệnh sốt cao, khó nuốt, khó thở, hạn chế mở miệng, hơi thở nặng mùi, ăn uống kém và gầy sút.

Việc điều trị nhiễm khuẩn răng miệng cần được tiến hành sớm, ngay khi người bệnh có các triệu chứng đầu tiên. Bác sĩ sẽ chỉ định chủ yếu là các nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn và kết hợp với can thiệp ngoại khoa để giải quyết ổ mủ, hạn chế lây lan sang các cơ quan lân cận.


Hình ảnh bệnh nhân bị sâu răng gây viêm tủy
Hình ảnh bệnh nhân bị sâu răng gây viêm tủy

2. Các nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn răng miệng

Mặc dù kháng sinh đóng vai trò tiêu diệt vi khuẩn, giúp loại bỏ tình trạng nhiễm trùng răng miệng, để việc điều trị đạt hiệu quả cao thì cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định khi sử dụng thuốc. Theo đó, người bệnh không được tùy tiện sử dụng thuốc mà không có sự thăm khám của bác sĩ. Loại kháng sinh được chỉ định dùng còn sẽ thay đổi tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng như các yếu tố cơ địa người bệnh. Đồng thời, đôi khi cần có sự phối hợp các nhóm kháng sinh khác nhau, có cơ chế hoạt động theo những cách khác nhau nhằm tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để nhất.

Chi tiết các nhóm kháng sinh dùng để điều trị nhiễm khuẩn răng miệng được trình bày sau đây:

2.1. Nhóm Penicillin

Penicillin là nhóm kháng sinh phổ biến trong điều trị nhiễm trùng răng miệng. Amoxicillin cũng là một kháng sinh quen thuộc nằm trong nhóm Penicillin. Tuy vậy, một số nha sĩ cũng có thể khuyên dùng amoxicillin phối hợp với axit clavulanic nhằm giúp loại bỏ vi khuẩn có men chống lại kháng sinh.

Tuy nhiên, do có từ lâu đời và là một nhóm kháng sinh “kinh điển”, một số vi khuẩn có thể kháng lại các kháng sinh trong nhóm Penicillin, khiến chúng trở nên kém hiệu quả hơn. Vì thế, trên thực tế, nhiều bác sĩ hiện chọn các loại kháng sinh khác là phương pháp điều trị đầu tiên thay vì nhóm Penicillin.

Trong trường hợp kháng sinh nhóm Penicillin được lựa chọn, cần lưu ý tiền căn từng bị dị ứng với các loại thuốc này.

2.2. Clindamycin

Clindamycin có hiệu quả chống lại một loạt các vi khuẩn gây nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm khuẩn răng miệng. Thậm chí, đây còn là nhóm thuốc chữa nhiễm khuẩn răng miệng được khuyên dùng đầu tiên vì vi khuẩn có thể ít kháng thuốc này hơn so với nhóm penicillin.

Liều lượng clindamycin điển hình là 300 mg hoặc 600 mg mỗi 8 giờ.


Thuốc Clindamycin
Thuốc Clindamycin

2.3. Azithromycin

Azithromycin có cơ chế hoạt động chống lại nhiều loại vi khuẩn bằng cách ngăn chặn sự phát triển của chúng. Vì thế, thuốc cũng có hiệu quả trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng răng miệng. Tuy nhiên, các tình huống được nha sĩ chỉ định Azithromycin là đối với những người bị dị ứng thuốc thuộc nhóm penicillin hoặc tình trạng nhiễm trùng không đáp ứng với những thuốc nêu trên.

Liều azithromycin điển hình là 500 mg mỗi 24 giờ trong 3 ngày liên tiếp.

2.4. Metronidazole

Metronidazole là một loại kháng sinh rất thường được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng là do tác nhân kỵ khí gây ra. Chính vì thế, thuốc này không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên hay đơn độc mà thường phối hợp với các nhóm kháng sinh khác.

Liều dùng cho metronidazole là khoảng 500 đêm 750 mg mỗi 8 giờ.


Thuốc kháng sinh Metronidazole
Thuốc kháng sinh Metronidazole

3. Thời gian dùng thuốc chữa nhiễm khuẩn răng miệng trong bao lâu?

Mỗi loại kháng sinh có thời gian hiệu lực riêng biệt, khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, đặc điểm của vi sinh vật gây bệnh và cơ địa của bệnh nhân. Theo đó, để việc điều trị có hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định từ bác sĩ và hoàn thành một đợt kháng sinh đầy đủ, đúng liều lượng. Dựa trên kết quả của nhiều nghiên cứu cộng đồng thuộc chuyên khoa nha, phần lớn các trường hợp nhiễm trùng răng miệng cấp tính sẽ hết sau từ 3 đến 7.

Trái lại, một số người có thể thấy các triệu chứng của họ biến mất sau một vài liều và tự ý ngưng thuốc; tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng sẽ có nguy cơ cao quay trở lại và với mức độ nặng nề hơn, đòi hỏi kháng sinh có hoạt độ mạnh hơn.


Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ
Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ

4. Các phương pháp điều trị nhiễm trùng răng miệng hỗ trợ khác

Thuốc kháng sinh khi uống vào sẽ hòa tan theo dòng máu đến ổ nhiễm trùng để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu ổ mủ lớn, gây viêm áp-xe chân răng hay cả một vùng hàm mặt thì cần có sự phối hợp với can thiệp ngoại khoa nhằm giúp thu gọn ổ nhiễm trùng. Các can thiệp này có thể chỉ cần thực hiện tại bàn khám của nha sĩ hay đôi khi cần đến phòng phẫu thuật trong chuyên khoa răng hàm mặt. Chính vì thế, sự thăm khám của bác sĩ luôn là cần thiết nhằm định hướng xử trí đúng cách.

Song song đó, người bệnh cũng có thể tự thực hiện các cách đơn giản sau đây nhằm hỗ trợ thuyên giảm triệu chứng:

  • Chườm lạnh ngoài da trên vùng hàm mặt bị sưng đau
  • Dùng thuốc giảm đau hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng phù hợp cân nặng
  • Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm để tăng tính sát khuẩn tại chỗ
  • Đánh răng, dùng chỉ nha khoa đúng cách sau mỗi bữa ăn nhằm đảm bảo vệ sinh, tránh lưu trữ mảnh thức ăn cũ
  • Dùng bàn chải có lông mềm, tránh thực phẩm quá dai, cứng, quá nóng hoặc quá lạnh để ngăn ngừa kích ứng
  • Dùng răng nhai ở phía bên miệng đối diện để hạn chế áp lực cho bên sưng viêm

Khám nha khoa định kì giúp phát hiện sớm bệnh lý răng miệng
Khám nha khoa định kì giúp phát hiện sớm bệnh lý răng miệng

Tóm lại, nhiễm trùng răng miệng ban đầu có thể khu trú tại chỗ nhưng có thể lan rộng nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó, kháng sinh đóng vai trò chủ lực trong các nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn răng miệng nhưng chúng chỉ là một phần của giải pháp. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám sớm để được chỉ định kháng sinh thích hợp, phối hợp các can thiệp ngoại khoa cần thiết nhằm nhanh chóng lấy lại sức khỏe nha khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cochrane.org, medicalnewstoday.com, scielo.isciii.es, emedicine.medscape.com, racgp.org.au

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe