Zepatier có thành phần chính là Elbasvir và Grazoprevir, được sử dụng để điều trị viêm gan C mạn tính (HCV) gen type 1 và type 4. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Zepatier là gì?
1. Zepatier có tác dụng gì?
Zepatier có thành phần chính là Elbasvir 50mg và Grazoprevir 100mg. Elbasvir là chất ức chế HCV NS5A, cần thiết cho sự nhân lên của virus và sự hình thành virion. Grazoprevir là chất ức chế protease HCV NS3/4A, enzym quan trọng cho sự phân cắt protein của polyprotein được mã hóa HCV và rất cần thiết cho sự sao chép của virus. Zepatier là thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm gan C mạn tính (HCV) gen type 1 và type 4 ở người lớn.
2. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Zepatier
Cách dùng:
- Thuốc Zepatier dùng đường uống. Bệnh nhân có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn.
Liều dùng:
Liều thuốc Zepatier trong điều trị viêm gan C mãn tính cụ thể như sau:
Kiểu gen 1a:
- Bệnh nhân chưa điều trị không xơ gan: Uống 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần;
- Sau ghép thận, bệnh nhân chưa từng điều trị hoặc bệnh nhân từng điều trị bằng thuốc kháng virus không trực tiếp không bị xơ gan/xơ gan còn bù: Uống: 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần.
Kiểu gen 1b:
- Bệnh nhân chưa điều trị không xơ gan hoặc xơ gan còn bù: Uống 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần;
- Sau ghép thận, bệnh nhân chưa từng điều trị hoặc bệnh nhân từng điều trị bằng thuốc kháng virus không trực tiếp không bị xơ gan/ xơ gan còn bù: Uống: 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần.
Kiểu gen 4:
- Bệnh nhân chưa điều trị không xơ gan hoặc xơ gan còn bù: Uống 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần;
- Sau ghép thận, bệnh nhân chưa từng điều trị hoặc bệnh nhân từng điều trị bằng thuốc kháng virus không trực tiếp không bị xơ gan/xơ gan còn bù: Uống: 1 viên, một lần mỗi ngày trong 12 tuần.
Bệnh nhân suy gan:
- Suy gan nhẹ (Child-Pugh loại A): Không cần điều chỉnh liều lượng;
- Suy giảm trung bình hoặc nặng (Child-Pugh lớp B hoặc C) hoặc mất bù: Chống chỉ định sử dụng.
Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc Zepatier
3. Chống chỉ định của thuốc Zepatier
Chống chỉ định sử dụng thuốc Zepatier trong các trường hợp sau:
- Suy gan trung bình hoặc nặng (Child-Pugh lớp B hoặc C);
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan mất bù;
- Sử dụng đồng thời với các chất ức chế OATP1B1/3;
- Quá mẫn với Elbasvir, Grazoprevir hoặc bất kỳ thành phần nào của công thức.
4. Tác dụng phụ của thuốc Zepatier là gì?
Bệnh nhân sử dụng thuốc Zepatier có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
Tần suất > 10%:
- Hệ thần kinh: Mệt mỏi, đau đầu.
Tần suất 1 đến 10%:
- Gan: Tăng alanine aminotransferase huyết thanh;
- Tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón, khô miệng, đau dạ dày;
- Hệ thần kinh: Nhức đầu, lo lắng, trầm cảm;
- Khác: Ngứa, mất ngủ, đau cơ.
Tần suất <1%:
- Huyết học: Giảm hemoglobin;
- Gan: Tăng bilirubin huyết thanh, suy gan cấp.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Zepatier
- Cần đánh giá tình trạng xơ gan tiến triển và ung thư biểu mô tế bào gan trước khi điều trị. Đánh giá các tương tác thuốc tiềm ẩn và sự tuân thủ của bệnh nhân.
- Trước khi bắt đầu dùng thuốc Zepatier, cần kiểm tra để tìm bằng chứng nhiễm HBV hiện tại/trước đó, định lượng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) và kháng thể lõi viêm gan B (kháng HBc).
- Tăng ALT thường được quan sát thấy ở tuần thứ 8. Phụ nữ, bệnh nhân châu Á và bệnh nhân ≥ 65 tuổi có thể có nguy cơ tăng ALT cao hơn. Nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược, giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, nôn, vàng da hoặc phân bạc màu, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Nên xét nghiệm chức năng gan trước khi điều trị, tuần điều trị thứ 8 và theo chỉ định lâm sàng. Cân nhắc ngừng điều trị nếu ALT tăng cao kèm theo các dấu hiệu của viêm gan hoặc tăng bilirubin liên hợp, phosphatase kiềm hay INR.
- Giảm nhanh tải lượng virus trong khi điều trị bằng thuốc kháng virus có thể dẫn đến cải thiện chuyển hóa glucose ở bệnh nhân tiểu đường, có khả năng dẫn đến hạ đường huyết có triệu chứng. Theo dõi glucose huyết và thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ hạ đường huyết khi điều trị bằng thuốc Zepatier, đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu.
- Sự tái hoạt của virus viêm gan B đã được báo cáo ở một số trường hợp và có nguy cơ trường hợp dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan và tử vong.
- Phụ nữ có thai: Việc sử dụng thuốc hiện không được khuyến cáo với mục đích giảm lây truyền virus viêm gan C từ mẹ sang con do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả. Quyết định tiếp tục điều trị ở bệnh nhân có thai trong khi dùng thuốc nên được cá nhân hóa sau khi cân nhắc lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của liệu pháp.
- Phụ nữ đang cho con bú: Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú hoặc có kế hoạch cho con bú trước khi dùng thuốc.
6. Tương tác thuốc Zepatier
Tương tác thuốc có thể thay đổi hiệu lực hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc theo toa/không kê đơn và các sản phẩm thảo dược. Bệnh nhân không bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự hướng dẫn của y bác sĩ. Sau đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zepatier:
- Các thuốc cảm ứng men CYP 344 như Carbamazepin, Phenytoin, Phenobarbital có thể làm giảm nồng độ huyết thanh của Elbasvir và Grazoprevir.
- Các thuốc ức chế men CYP 344 như Erythromycin, Clarithromycin, Ketoconazol, Ritonavir có thể làm giảm nồng độ huyết thanh của Elbasvir và Grazoprevir.
- Elbasvir và Grazoprevir có thể làm tăng nồng độ Rosuvastatin trong huyết thanh. Chỉ nên bắt đầu dùng Rosuvastatin với liều 5mg mỗi ngày và liều Rosuvastatin tối đa là 10 mg mỗi ngày trong thời gian dùng chung với Elbasvir/ Grazoprevir. Theo dõi chặt chẽ các bằng chứng về độc tính của Rosuvastatin ví dụ, bệnh cơ, tiêu cơ vân.
- Thuốc Zepatier có thể làm tăng nồng độ của Elagolix, Estradiol và Norethindrone trong huyết thanh.
- Thuốc Zepatier có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chống đông kháng vitamin K.
Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quát về thuốc Zepatier. Tuy nhiên, các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.