Công dụng thuốc Zefeta

Thuốc Zefeta có thành phần chính là Ceftazidime được chứng minh hiệu quả trong diệt khuẩn. Thuốc được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về loại thuốc này.

1. Thuốc Zefeta là thuốc gì?

Thuốc Zefeta là thuốc gì? Thành phần Ceftazidime trong thuốc Zefeta được biết đến với khả năng diệt khuẩn do ức chế các enzym tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Ceftazidime nhạy cảm với nhiều vi khuẩn gram âm đã kháng aminoglycosid và các vi khuẩn gram dương đã kháng ampicillin và các cephalosporin khác. Đồng thời, thành phần này khá bền vững với hầu hết các beta - lactamase của vi khuẩn trừ enzym của Bacteroides.

Thuốc có phổ kháng khuẩn tác dụng tốt với: vi khuẩn gram âm ưa khí bao gồm Pseudomonas, E.coli, Proteus, Klebsiella, Shigella, Salmonella, Haemophilus influenza... Một số chủng Pneumococcus, Moraxella catarrhalis và Streptococcus tan máu beta và Streptococcus viridans...

Ceftazidime không có tác dụng với Staphylococcus aureus kháng methicillin, Enterococcus, Listeria monocytogenes, Bacteroides fragilis, Campylobacter spp., Clostridium difficile.

2. Công dụng thuốc Zefeta

Thuốc Zefeta đạt hiệu quả trong điều trị các tình trạng sau:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới như: viêm phổi, áp xe phổi, giãn phế quản, viêm tiểu phế quản,..
  • Nhiễm trùng vùng da và cấu trúc da.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, cả biến chứng và chưa biến chứng: viêm thận-bể thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm đường niệu...
  • Nhiễm trùng xương và khớp.
  • Nhiễm trùng phụ khoa.
  • Nhiễm trùng ổ bụng.
  • Nhiễm trùng hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm cả viêm màng não.

Ngoài ra. thuốc cũng đạt hiệu quả trong điều trị các tình trạng nhiễm trùng ở các trường hợp:

  • Nhiễm trùng nặng ở người bệnh bị suy giảm chức năng miễn dịch do máu.
  • Các nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng trong phỏng.
  • Nhiễm trùng kết hợp với thẩm phân phúc mạc hay với thẩm phân phúc mạc liên tục ngoại trú (CAPD

Thuốc Zefeta có công dụng đa dạng trong điều trị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây. thuốc không được phép kê đơn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Bệnh nhân mẫn cảm với các kháng sinh nhóm cephalosporin.

Chống chỉ định ở đây cần được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, nghĩa là không vì lý do nào khác mà chống chỉ định lại có thể linh động trong việc dùng thuốc.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Zefeta

Liều dùng và cách dùng của thuốc Zefeta như sau:

3.1. Cách dùng

Zefeta được chỉ định sử dụng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu. Đối với trường hợp tiêm bắp sâu, nhân viên y tế sẽ tiêm vào vị trí góc phần tư phía trên của mông hoặc phần bên của bắp đùi.

Dưới đây là một số hướng dẫn pha dung dịch tiêm truyền:

  • Dung dịch pha nhằm tiêm bắp được thực hiện như sau: Pha thuốc ( Ceftazidime 1g) trong 3ml nước cất pha tiêm, hoặc dung dịch lilocain hydroclorid 0,5 % hay 1%.
  • Dung dịch pha tiêm tĩnh mạch: Nhân viên y tế sẽ pha Ceftazidime 1g trong 10 ml nước cất pha tiêm. Có thể thay thế nước cất bằng dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%.

3.2. Liều dùng

Liều dùng Zefeta sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe người bệnh, mục đích điều trị bệnh. Người bệnh có thể tham khảo liều dùng dưới đây:

  • Liều dùng ở người lớn là 1g mỗi 8 giờ một lần hoặc 2g mỗi 12 giờ một lần.
  • Liều dùng ở bệnh nhân suy thận sẽ điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin. Cụ thể:
    • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) 50-31 được khuyến cáo liều dùng 1 gam, thời gian tiêm thuốc là 12 giờ một lần.
    • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) 30-16 được khuyến cáo liều dùng 1 gam, thời gian tiêm thuốc là 24 giờ một lần.
    • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) 15-6 được khuyến cáo liều dùng 1 gam, thời gian tiêm thuốc là 24 giờ một lần.
    • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) <5 được khuyến cáo liều dùng 500 mg, thời gian tiêm thuốc là 48 giờ một lần.
  • Liều dùng ở trẻ sơ sinh < 4 tuần tuổi là 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch, thời gian tiêm thuốc là 12 giờ một lần.
  • Liều dùng ở trẻ sơ sinh 1 tháng đến 12 tuổi: 30-50 mg/kg tiêm tĩnh mạch tối đa 6g/ngày, thời gian tiêm thuốc là 8 giờ một lần.
  • Liều dùng đối với người cao tuổi: theo chỉ định của bác sĩ nhưng tuyệt đối không vượt quá liều 3g mỗi ngày.

Đã ghi nhận trường hợp quá liều thuốc Zefeta đặc biệt thường gặp ở bệnh nhân suy thận. Một số dấu hiệu của tình trạng quá liều như: co giật, bệnh lý não, run rẩy, dễ bị kích thích thần kinh cơ.... Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Bác sĩ có thể chỉ định thẩm tách máu hoặc màng bụng để loại trừ thuốc nhanh.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zefeta

Nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như đặt lợi ích sức khỏe của người bệnh lên hàng đầu, bác sĩ đã cân nhắc những lợi ích cũng như rủi ro của thuốc đem lại. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, thuốc vẫn có thể phát sinh một số phản ứng phụ ngoại ý. Khi các triệu chứng này phát sinh, cần lưu ý báo với bác sĩ để được hướng dẫn khắc phục kịp thời.

Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: sưng tấy tại vị trí tiêm, quá mẫn, ngứa phát ban, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng....

Các tác dụng phụ thông thường có xu hướng tự biến mất sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần. Trên đây chưa phải là liệt kê đầy đủ các tác dụng phụ của Zefeta. Do đó, khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường nghi ngờ do thuốc, người bệnh cũng cần thận trọng và tham vấn ý kiến của bác sĩ.

5. Tương tác thuốc Zefeta

Đã có báo cáo về tình trạng tương tác thuốc giữa Zefeta và một số thuốc như kháng sinh nhóm aminoglycoside, chloramphenico, các thuốc lợi tiểu.

Tình trạng này được hiểu là sự tác động qua lại giữa thuốc này với thuốc khác. Kết quả của quá trình này sẽ làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh.

Do đó, để tránh tình trạng này, bạn nên chủ động lập một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem và tư vấn.

Các loại thuốc điều trị nói chung và thuốc Zefeta nói riêng có thể xảy ra tương tác với rượu, bia hoặc một số thực phẩm nhất định. Do đó, người bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng các thành phần này trong quá trình điều trị bằng Zefeta.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Zefeta

Để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần sử dụng thuốc thận trong các trường hợp sau:

  • Một số người bệnh có tiền sử mắc các bệnh về đường tiêu hóa nên cân nhắc lợi ích thuốc đem lại lớn hơn những rủi ro.
  • Do thuốc được tiêm tĩnh mạch nên tăng nguy cơ gây đau mạch\
  • Sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch với một lượng lớn có thể gây đau mạch.
  • Lưu ý trong quá trình tiêm thuốc nên tiêm với tốc độ chậm.
  • Sau khi pha thuốc xong phải sử dụng ngay. Trường hợp chưa dùng đến, bạn có thể bảo quản dung dịch này tối đa 6 giờ ở nhiệt độ phòng hay trong vòng 72 giờ trong tủ lạnh.
  • Thuốc Zefeta được đánh giá an toàn với phụ nữ mang thai thông qua nhiều nghiên cứu lâm sàng.
  • Thuốc có thể tiết qua đường sữa cho nên chị em đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc, người mẹ có thể ngưng cho con bú.

Thuốc Zefeta có thành phần chính là Ceftazidime được chứng minh hiệu quả trong diệt khuẩn. Thuốc được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền để đảm bảo hiệu quả và tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe