Thuốc Vitazidim 0,5g có thành phần là Ceftazidime và được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Những bệnh nhiễm trùng này có thể ảnh hưởng đến ngực (viêm phế quản hoặc viêm phổi), tai, mũi, họng, bàng quang và đường tiết niệu, da và mô mềm, dạ dày hoặc xương. Theo đó, thuốc Vitazidim thuộc nhóm thuốc kháng sinh cephalosporin và đem lại tác dụng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây ra các bệnh lý nhiễm trùng này.
1. Thuốc Vitazidim 0,5g là gì?
Thuốc Vitazidim 0,5g thuộc về một nhóm thuốc được gọi là cephalosporin với thành phần chủ yếu là Ceftazidime với hàm lượng là 0,5 g. Đây là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng cho người lớn và trẻ em (kể cả trẻ sơ sinh). Thuốc Vitazidim 0,5g hoạt động bằng cách giết chết các chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Theo đó, thuốc Vitazidim 0,5g được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn tại các cơ quan:
- Phổi hoặc ngực.
- Não (viêm màng não).
- Tai.
- Đường tiết niệu.
- Da và các mô mềm.
- Bụng và thành bụng (viêm phúc mạc).
- Xương và khớp.
Ngoài ra, thuốc Vitazidim 0,5g hay Ceftazidime cũng có thể được sử dụng:
- Để ngăn ngừa nhiễm trùng trong quá trình phẫu thuật tuyến tiền liệt ở nam giới.
- Để điều trị bệnh nhân có số lượng bạch cầu thấp (giảm bạch cầu trung tính) bị sốt do nhiễm vi khuẩn.
2. Những điều cần biết trước khi sử dụng thuốc Vitazidim 0,5g
Không được dùng thuốc Vitazidim 0,5g hay Ceftazidime trong các trường hợp sau đây:
- Nếu bị dị ứng với ceftazidime hoặc các thành phần khác của thuốc .
- Nếu đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ loại kháng sinh nào khác (penicillin, monobactam và carbapenems) vì cũng có thể bị dị ứng với Ceftazidime.
Ngoài ra, người bệnh phải chú ý đến các triệu chứng nhất định như phản ứng dị ứng, rối loạn hệ thần kinh và rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy trong khi đang được chỉ định dùng thuốc Vitazidim hay Ceftazidime.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên dùng thuốc Vitazidim hay Ceftazidime mà không nói chuyện với bác sĩ nếu cũng đang dùng:
- Một loại thuốc kháng sinh gọi là chloramphenicol.
- Một loại kháng sinh được gọi là aminoglycoside, ví dụ: gentamicin, tobramycin.
- Thuốc lợi tiểu như là furosemide.
3. Cách sử dụng thuốc Vitazidim 0,5g
Thuốc Vitazidim 0,5g chỉ được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ và dùng bởi y tá hay bất kỳ nhân viên y tế. Theo đó, thuốc có thể được đưa vào cơ thể dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc vào cơ.
Liều dùng chính xác của thuốc Vitazidim 0,5g hay Ceftazidime cho từng bệnh nhân sẽ do bác sĩ quyết định và phụ thuộc vào: Mức độ nghiêm trọng và loại nhiễm trùng; cho dù người bệnh cũng đang sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào khác; cân nặng và tuổi hay chức năng thận.
- Đối với trẻ sơ sinh (0 - 2 tháng): Với mỗi 1 kg cân nặng của trẻ, trẻ sẽ được cung cấp 25 đến 60mg Ceftazidime mỗi ngày chia làm hai lần.
- Đối với trẻ sơ sinh (trên 2 tháng) và trẻ nặng dưới 40 kg: Với mỗi 1 kg cân nặng của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, chúng sẽ được cung cấp 100 đến 150mg Ceftazidime mỗi ngày chia thành ba liều. Tối đa 6g mỗi ngày.
- Đối với người lớn và thanh thiếu niên nặng từ 40kg trở lên: Liều dùng thông thường là 1 đến 2g Ceftazidime ba lần mỗi ngày. Tối đa là 9 g mỗi ngày.
- Đối với bệnh nhân trên 65 tuổi: Liều hàng ngày thường tương tự như trên nhưng không được vượt quá 3g mỗi ngày, đặc biệt nếu bệnh nhân trên 80 tuổi.
- Đối với bệnh nhân có vấn đề về chức năng thận: Người bệnh có thể được chỉ định một liều khác với liều thông thường. Bác sĩ sẽ quyết định liều lượng thích hợp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thận. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ cần kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn trong thời gian điều trị với thuốc Vitazidim.
4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Vitazidim
Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc Vitazidim hay kháng sinh Ceftazidime có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải.
Các tác dụng phụ đã được ghi nhận trên các bệnh nhân điều trị với thuốc Vitazidim được liệt kê như sau:
- Bệnh tiêu chảy.
- Sưng và đỏ dọc theo tĩnh mạch.
- Da nổi mẩn đỏ có thể ngứa, đau tại chỗ tiêm.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể đối diện với nguy cơ mắc phải tác dụng phụ Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các dấu hiệu bao gồm phát ban nổi lên và ngứa, sưng tấy, đôi khi ở mặt hoặc miệng gây khó thở.
- Phát ban trên da, có thể phồng rộp và trông giống như những nốt mụn nhỏ (đốm đen trung tâm được bao quanh bởi một vùng nhạt màu hơn, với một vòng tối xung quanh cạnh).
- Phát ban và da bong tróc. (Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử thượng bì nhiễm độc).
- Rối loạn hệ thần kinh: Run, phù và trong một số trường hợp là hôn mê. Những điều này đã xảy ra ở những người khi liều lượng thuốc nhận được quá cao, đặc biệt là ở những người bị bệnh thận.
Các tác dụng phụ không phổ biến khác:
- Viêm ruột có thể gây đau bụng hoặc tiêu chảy có thể có máu.
- Tưa miệng - nhiễm nấm ở miệng hoặc âm đạo.
- Đau đầu.
- Chóng mặt.
- Cảm thấy ốm yếu.
- Sốt và ớn lạnh.
Tóm lại, thuốc Vitazidim 0,5g có thành phần là ceftazidime, một loại kháng sinh cephalosporin, hoạt động bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn nhạy cảm. Cách sử dụng của thuốc Vitazidim là tiêm tĩnh mạch ba lần một ngày nhằm đem lại hiệu quả chống lại một số bệnh nhiễm trùng. Tùy vào bệnh cảnh và các yếu tố đi kèm, người bệnh sẽ được chỉ định và cân nhắc liều lượng dùng thuốc Vitazidim 0,5g phù hợp, vừa đạt tác dụng kiểm soát nhiễm khuẩn, vừa hạn chế các tác dụng phụ có thể đem lại.
Nguồn tham khảo: www.hpra.ie; www.wsh.nhs.uk; www.fresenius-kabi.com; hawkesbay.health.nz
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.