Thuốc Vicimlastatin được dùng chủ yếu để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Ví dụ như nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc đường hô hấp,... Khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Vicimlastatin, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ dẫn mà bác sĩ đã khuyến cáo.
1. Vicimlastatin là thuốc gì?
Thuốc Vicimlastatin là loại thuốc kháng khuẩn, thường được sử dụng để điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn mức độ nặng như: nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,... Thuốc Vicimlastatin được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm, có chứa hoạt chất chính là Imipenem (0,5g) và Cilastatin (0,5g) dạng Cilastatin natri. Thuốc Vicimlastatin được đóng gói theo quy cách hộp 1 lọ, 5 lọ hoặc 10 lọ.
- Hoạt chất Imipenem: Là một chất kháng khuẩn có tác dụng phổ rộng và diệt khuẩn nhanh chóng nhờ khả năng tương tác với các protein gắn kết với penicillin tại màng ngoài của vi khuẩn. Vì vậy, hoạt chất này có thể kìm hãm sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn dựa trên cơ chế tác động tương tự như những thuốc kháng sinh cùng nhóm beta-lactam khác.
- Hoạt chất Cilastatin: Đóng vai trò là chất ức chế Enzyme dehydropeptidase tại ống thận. Sự kết hợp của Cilastatin và Imipenem có thể làm giảm sự phân huỷ của Imipenem tại thận, mặt khác giúp hỗ trợ tăng cường sự thu hồi thuốc.
Thuốc Vicimlastatin mang lại tác dụng rất tốt cho hầu hết các loại vi khuẩn gram dương ưa khí và đa số các vi khuẩn kỵ khí.
2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Vicimlastatin
2.1 Chỉ định dùng thuốc Vicimlastatin
Thuốc Vicimlastatin thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn nặng dưới đây:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
- Nhiễm khuẩn phụ khoa.
- Nhiễm khuẩn ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn đường mật.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Nhiễm khuẩn xương khớp.
- Nhiễm khuẩn da mô mềm.
- Nhiễm khuẩn do nhiều chủng vi khuẩn khác nhau không thể dùng thuốc khác có tiềm năng gây độc hoặc thuốc khác có phổ hẹp hơn.
2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Vicimlastatin
Thuốc Vicimlastatin không được chỉ định sử dụng cho những đối tượng dưới đây:
- Bệnh nhân quá mẫn hoặc có tiền sử dị ứng với các hoạt chất Imipenem, Cilastatin hay các tá dược khác có trong thuốc.
- Chống chỉ định đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc có chứa natri valproat do nguy cơ làm giảm nồng độ của natri valproat trong huyết thanh.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Vicimlastatin cho phụ nữ trong thai kỳ hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Chống chỉ định thuốc Vicimlastatin cho người bị suy gan thận mức độ nặng.
3. Liều lượng và hướng dẫn cách sử dụng thuốc Vicimlastatin
3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Vicimlastatin
Liều dùng thuốc Vicimlastatin sẽ được xác định dựa trên hàm lượng hoạt chất Imipenem trong thuốc, cụ thể:
Liều dành cho người lớn:
- Điều trị nhiễm khuẩn nhẹ - vừa: Tiêm truyền tĩnh mạch liều từ 250 – 500mg mỗi 6 – 8 tiếng / lần.
- Điều trị nhiễm khuẩn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng: Tiêm truyền tĩnh mạch liều 1g mỗi 6 – 8 tiếng / lần.
- Liều dùng tối đa hàng ngày cho bệnh nhân nhiễm khuẩn là 4g / ngày hoặc 50mg / kg trọng lượng.
Liều dành cho trẻ < 12 tuổi:
- Liều Vicimlastatin thông thường từ 15 – 25mg / kg trọng lượng, tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ / lần. Liều tối đa Vicimlastatin hằng ngày không được vượt quá 2g.
- Tiêm tĩnh mạch liều 4g / ngày cho trẻ em bị nhiễm P.aeruginosa mức trung bình.
- Tiêm tĩnh mạch liều 90mg / kg trọng lượng cho trẻ lớn mắc bệnh xơ hóa nang.
Liều dành cho bệnh nhân suy thận (xác định dựa vào độ thanh thải creatinin):
- Độ thanh thải từ 31 – 70ml / phút: Tiêm tĩnh mạch liều 500mg mỗi 6 – 8 tiếng / ngày.
- Độ thanh thải từ 21 – 30ml / phút: Tiêm tĩnh mạch liều 500mg mỗi 8 – 12 tiếng.
- Độ thanh thải từ 6 – 20ml / phút: Tiêm tĩnh mạch liều 250mg mỗi 12 tiếng.
3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Vicimlastatin
Thuốc Vicimlastatin điều trị nhiễm khuẩn nặng được chỉ định dùng qua đường tiêm tĩnh mạch. Trước khi tiêm, khoảng 250 – 500mg chế phẩm sẽ được pha loãng trong 100ml dung dịch NaCl 0,9%. Tránh dùng nước cất pha tiêm. Do thuốc Vicimlastatin kiêng kỵ với Natri lactat, vì vậy không được sử dụng dung dịch này để pha loãng thuốc.
4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Vicimlastatin
Ngưng sử dụng thuốc Vicimlastatin và báo cho bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp khi xảy ra các tác dụng phụ dưới đây:
- Sốc kèm triệu chứng tiêu hoá kém, đái dầm, thở khò khè, chóng mặt, ù tai, ra mồ hôi trộm.
- Phản ứng quá mẫn như nổi mày đay, phát ban, đỏ mặt, sốt,...
- Thiếu máu, giảm bạch cầu / bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ưa Eosin, ban xuất huyết, mất bạch cầu hạt hoặc bệnh bạch cầu.
- Tăng ALT, Urobilinogen, ALP, AST, BUN, Bilirubin hoặc y-GPT.
- Rối loạn chức năng thận như viêm thận mô kẽ, suy thận cấp.
- Đau bụng, viêm kết tràng giả mạc, phân lẫn máu.
- Đau bụng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa.
- Rối loạn ý thức, co giật.
- Cảm, rối loạn chụp X quang, khó thở, viêm phổi mô kẽ, hội chứng PTE.
- Thiếu vitamin K, B với các triệu chứng như viêm lưỡi, viêm dây thần kinh, viêm dạ dày,...
- Viêm dạ dày hoặc nhiễm nấm Candida.
- Hội chứng Lyell.
- Nhức đầu, đau vùng tiêm chích, hoá cứng hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối.
5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Vicimlastatin
5.1 Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Vicimlastatin?
Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân cần thận trọng trong quá trình dùng thuốc Vicimlastatin:
- Điều chỉnh liều phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cao tuổi, nhất là người có các vấn đề về chức năng thận.
- Tránh trộn lẫn thuốc Vicimlastatin với các kháng sinh khác. Nếu cần thiết phải dùng đồng thời những thuốc này, bác sĩ có thể tiêm thuốc tại các vị trí khác nhau.
- Có thể xảy ra phản ứng chéo 1 phần của thuốc Vicimlastatin với các kháng sinh thuộc họ beta lactam khác.
- Cần thận trọng khi dùng Vicimlastatin cho bệnh nhân có tiền sử rối loạn tiêu hoá, có triệu chứng thần kinh trung ương như cơn co giật, lú lẫn hoặc rung giật cơ.
- Đối với thai phụ hoặc bà mẹ nuôi con bú, nếu cần thiết phải dùng thuốc cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ.
- Thận trọng dùng Vicimlastatin cho trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Việc sử dụng kéo dài thuốc Vicimlastatin có thể thúc đẩy sự phát triển quá mức số lượng các vi khuẩn không nhạy cảm.
5.2 Tương tác của thuốc Vicimlastatin với các thuốc khác
Một số báo cáo cho biết, thuốc Vicimlastatin có thể tương tác với các thuốc khác dưới đây:
- Gây tăng độc tính thuốc Vicimlastatin khi dùng chung với các kháng sinh probenecid và beta lactam.
- Gây giảm nồng độ của thuốc natri valproat trong huyết thanh, dẫn đến tình trạng đột quỵ.
- Gây kết quả xét nghiệm dương tính giả khi xác định Glucose niệu thông qua thuốc thử Fehling, Benedict hoặc phản ứng Clinitest.
- Gây kết quả dương tính khi kiểm tra Coombs.
Nhằm đảm bảo an toàn và tránh xảy ra tương tác giữa các thuốc, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc và thực phẩm tăng cường sức khỏe hiện đang sử dụng, cũng như một số vấn đề khác đang mắc phải. Bác sĩ sẽ đưa ra đề xuất điều chỉnh và sử dụng thuốc với hàm lượng phù hợp cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.