Thuốc Verzat được bào chế dưới dạng cốm pha hỗn dịch uống, có thành phần chính là Cefaclor. Thuốc được sử dụng trong điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Cefaclor.
1. Thuốc Verzat là thuốc gì?
Mỗi 5ml hỗn dịch Verzat sau khi pha có chứa Cefaclor monohydrat USP tương đương 125mg Cefaclor và các tá dược khác. Cefaclor là 1 kháng sinh thuộc nhóm Cefalosporin thế hệ 2, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn dựa trên cơ chế ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Phổ tác dụng của thuốc trên vi khuẩn hiếu khí, gram dương như cầu khuẩn Streptococcus, vi khuẩn hiếu khí gram âm như E.coli, Klebsiella, H. Influenzae, Neisseria,...
Chỉ định sử dụng thuốc Verzat: Điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi những vi khuẩn nhạy cảm gồm:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phế quản, viêm phổi, đợt trở nặng của bệnh viêm phế quản mạn tính;
- Viêm tai giữa;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm xoang, viêm họng hầu, viêm amidan;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm đài bể thận;
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Verzat:
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Cefaclor, các kháng sinh nhóm cephalosporin khác, thành phần khác của thuốc;
- Trẻ em dưới 1 tháng tuổi
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Verzat
Cách dùng: Đường uống. Đầu tiên, lắc đều chai thuốc trước khi pha. Để pha thành 30ml hoặc 60ml hỗn dịch thì thêm nước đun sôi để nguội vào lọ tới vạch định mức trên thành lọ, lắc đều cho bột trộn đều với nước, Có thể điều chỉnh thể tích hỗn dịch đến đúng vạch định mức bằng cách cho thêm nước nếu cần thiết. Sau đó lắc đều lọ thuốc để thu được hỗn dịch đồng nhất.
Hỗn dịch sau khi pha nên bảo quản trong tủ lạnh 2 - 8°C. Nên vặn nắp chặt, lắc kỹ trước khi sử dụng. Có thể bảo quản thuốc trong 7 ngày mà hiệu lực không bị giảm nhiều. Sau 7 ngày, nên bỏ phần thuốc còn thừa đi.
Liều dùng:
- Người lớn: Liều thông thường là 250mg mỗi 8 giờ, tối đa 4g/ngày. Nếu bị viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm khuẩn da và mô mềm hay nhiễm khuẩn đường niệu dưới thì dùng 250 - 500mg/lần x 2 lần/ngày; hoặc 250mg/lần x 3 lần/ngày;
- Trẻ 1 - 5 tuổi: 125mg/lần x 3 lần/ngày;
- Trẻ dưới 1 tuổi: 62,5mg/lần x 3 lần/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ;
- Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều dùng tùy theo độ thanh thải creatinin:
- Độ thanh thải creatinin 10 - 50ml/phút: Dùng 1/2 liều thông thường;
- Độ thanh thải creatinin < 10ml/phút: Dùng 1/4 liều thông thường;
- Bệnh nhân thẩm tách máu đều đặn: Dùng liều khởi đầu 250mg - 1g trước khi thẩm tách máu, duy trì liều 250 - 500g mỗi 6 - 8 giờ/lần trong thời gian giữa các lần thẩm tách;
- Người lớn tuổi: Sử dụng liều tương tự người lớn.
Quá liều: Khi sử dụng quá liều Cefaclor và gây ngộ độc thì người bệnh có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau thượng vị,... Nếu có các triệu chứng khác thì có thể là do phản ứng thứ hpas của 1 bệnh tiềm ẩn, của phản ứng dị ứng hoặc tác động của chứng ngộ độc khác đi kèm.
Để điều trị quá liều, nên cân nhắc tới khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác giữa các thuốc, dược động học của người bệnh. Trừ trường hợp uống liều gấp 5 lần liều bình thường, nếu không thì không cần phải rửa dạ dày.
Nên bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Cần theo dõi cẩn thận, duy trì các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, chất điện giải trong huyết thanh, khí máu,... Có thể làm giảm sự hấp thu thuốc trên đường tiêu hóa bằng than hoạt tính. Trong nhiều trường hợp, dùng than hoạt tính có hiệu quả tốt hơn gây nôn hoặc rửa dạ dày. Cần bảo vệ đường hô hấp của bệnh nhân khi áp dụng phương pháp than hoạt tính hoặc rửa dạ dày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Verzat
Khi sử dụng thuốc Verzat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, viêm đại tràng (kể cả trường hợp hiếm như viêm đại tràng giả mạc);
- Toàn thân: Phát ban dạng sởi, ngứa da, nổi mề đay. Các phản ứng này thường giảm đi khi ngừng dùng thuốc. Bệnh lý hạch lympho và protein niệu. Hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử da, choáng phản vệ. Tình trạng choáng phản vệ hay gặp hơn ở nhóm bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin;
- Phản ứng huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, tăng lympho bào thoáng qua, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, bệnh bạch cầu không tăng bạch cầu;
- Hệ thần kinh trung ương: Kích động, tăng hoạt động có hồi phục, mất ngủ, bồn chồn, lú lẫn, chóng mặt, ảo giác, tăng trương lực, buồn ngủ;
- Xét nghiệm: Tăng nhẹ các men ALT, AST, alkaline phosphatase, nồng độ BUN, creatinin.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Verzat, người bệnh nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên và có biện pháp can thiệp xử trí, ứng phó thích hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Verzat
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Verzat là:
- Thận trọng khi sử dụng Cefaclor cho bệnh nhân mẫn cảm với penicillin vì đã có báo cáo về tình trạng quá mẫn chéo giữa các kháng sinh nhóm beta - lactam. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng với cefaclor, nên ngưng thuốc ngay, xử trí bằng các thuốc thích hợp (corticoid, kháng histamin, adrenalin, thở oxy nếu có chỉ định);
- Thận trọng khi sử dụng Cefaclor cho bệnh nhân có tổn thương chức năng thận nặng. Tuy nhiên, thường không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận mức độ trung bình;
- Sử dụng các kháng sinh phổ rộng như Cefaclor có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Nên lưu ý tới tình trạng tiêu chảy ở người bệnh dùng thuốc. Thận trọng khi dùng thuốc ở người có tiền sử bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng;
- Sử dụng Cefaclor kéo dài có thể tạo điều kiện để các vi khuẩn không nhạy cảm phát triển. Nếu có bội nhiễm trong khi điều trị thì cần chọn biện pháp can thiệp thích hợp;
- Phản ứng Coombs trực tiếp dương tính được báo cáo trong quá trình sử dụng kháng sinh nhóm cephalosporin;
- Có thể xảy ra phản ứng dương tính giả của glucose trong nước tiểu khi test với dung dịch Fehling, Benedict hay các viên thử sunphat đồng;
- Hiện chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Verzat ở trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi;
- Chưa có đầy đủ nghiên cứu, kiểm chứng ở phụ nữ có thai về thuốc Cefaclor nên chỉ dùng thuốc trong thai kỳ khi thực sự cần thiết;
- Cefaclor phân bố trong sữa mẹ. Vì tác dụng của thuốc trên trẻ sơ sinh chưa được xác định nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc Verzat ở bà mẹ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc Verzat
Một số tương tác thuốc của Verzat gồm:
- Cephalosporin có thể ức chế sự tổng hợp vitamin K bằng cơ chế ức chế vi khuẩn chí đường ruột. Cần điều trị dự phòng bằng vitamin K khi sử dụng đồng thời thuốc Cefaclor với các thuốc kháng đông, coumarin, các dẫn xuất indandion, heparin và chất tiêu huyết kéo dài;
- Probenecid làm chậm sự bài tiết của thuốc Cefaclor;
- Sự hấp thu của Cefaclor bị giảm đi nếu sử dụng chung với các thuốc kháng acid có chứa magnesi hydroxid hoặc nhôm hydroxid trong vòng 1 giờ;
- Phản ứng Coombs dương tính thường xảy ra ở người bệnh dùng liều lớn cephalosporin. Tán huyết ít xảy ra nhưng đã được ghi nhận. Thử nghiệm dương tính ở trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng cephalosporin trước khi sinh;
- Cefaclor có thể làm glucose niệu dương tính giả hoặc tăng giả khi thử nghiệm dùng sulphat đồng. Các xét nghiệm tìm glucose bằng phương pháp lên men sẽ không bị ảnh hưởng;
- Cefaclor có thể ức chế sự tổng hợp vitamin K do khả năng ức chế vi khuẩn chí đường ruột. Do đó, thời gian prothrombin của bệnh nhân có thể kéo dài.
Khi sử dụng thuốc Verzat, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Đây là yêu cầu quan trọng nhất để điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn, đồng thời hạn chế được nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ nghiêm trọng đe dọa sức khỏe bệnh nhân.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.