Thuốc Valacyclovir thuộc nhóm thuốc thuốc kháng virus, là tiền chất của acyclovir, có hoạt chất là Valacyclovir được bào chế dưới dạng viên nén. Thuốc Valacyclovir được dùng để điều trị những bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Để biết thêm thông tin chi tiết của Valacyclovir, hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Valacyclovir là thuốc gì?
Valacyclovir là thuốc gì? Thuốc Valacyclovir có hoạt chất chính là Valacyclovir, được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng 250 mg, 500 mg hoặc 1000 mg. Thuốc Valacyclovir là một loại thuốc kháng virus, làm chậm sự phát triển và lây lan của virus herpes. Valacyclovir không chữa trị herpes, nhưng nó làm giảm bớt các triệu chứng bệnh. Thuốc Valacyclovir được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus herpes bao gồm herpes sinh dục, vết loét lạnh, bệnh zona, thủy đậu ở người lớn và trẻ em.
Cơ chế của thuốc Valacyclovir: Valacyclovir chống lại Herpesviridae bao gồm virus herpes simplex loại 1 và 2 (HSV-1 và HSV-2), virus varicella-zoster (VZV) và cytomegalovirus (CMV) nhờ ức chế sự sao chép ADN của virus bằng cách ức chế cạnh tranh với ADN polymerase của virus, kết hợp và chấm dứt chuỗi ADN của virus đang phát triển, bất hoạt ADN polymerase của virus.
2. Thuốc Valacyclovir có tác dụng gì?
Thuốc Valacyclovir được dùng để điều trị các trường hợp sau:
- Herpes zoster (bệnh zona) và zoster mắt ở người lớn có khả năng miễn dịch đầy đủ.
- Herpes zoster ở người lớn bị ức chế miễn dịch nhẹ hoặc trung bình.
- Đợt đầu của bệnh herpes sinh dục ở những người không đủ miễn dịch.
- Mụn rộp sinh dục ở người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
- Ức chế mụn rộp sinh dục tái phát lại ở người suy giảm miễn dịch.
- Điều trị duy trì hoặc dự phòng chống tái phát nhiễm HSV ở những người bị nhiễm HIV bị tái phát thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
- Điều trị herpes môi.
- Điều trị và ngăn chặn nhiễm HSV tái phát ở mắt.
- Dự phòng nhiễm CMV
3. Liều dùng của thuốc Valacyclovir
Thuốc Valacyclovir được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nhiễm varicella zoster (VZV), herpes zoster và zoster mắt
- Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh herpes zoster, điều trị càng sớm càng tốt.
- Liều 1000 mg Valacyclovir x 3 lần mỗi ngày, trong 7 ngày
- Liều ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch là 1000 mg x 3 lần mỗi ngày, trong ít nhất 7 ngày và trong 2 ngày sau khi vết thương đóng vảy.
- Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, điều trị kháng virus được dùng trong vòng một tuần sau khi hình thành mụn nước hoặc bất kể lúc nào trước khi các tổn thương đóng vảy.
Nhiễm virus herpes simplex (HSV) ở người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi
Herpes môi
- Liều lượng valacyclovir: 2000 mg x 2 lần/ngày.
- Ở người lớn bị suy giảm miễn dịch: Liều 1000 mg Valacyclovir x 2 lần/ngày, trong ít nhất 5 ngày
- Đối với các đợt tiếp theo sau đợt ban đầu, việc điều trị có thể phải kéo dài đến 10 ngày. Nên bắt đầu dùng thuốc Valacyclovir càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ.
Herpes sinh dục
- Với đợt nhiễm đầu tiên: Ở người lớn không có khả năng miễn dịch: 1000 mg Valacyclovir x 2 lần/ngày trong 7–10 ngày, nếu quá trình lành vết thương không hoàn toàn sau 10 ngày, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn. Ở người lớn nhiễm HIV: 1000 mg x 2 lần/ngày trong 7-14 ngày.
- Các đợt tái phát: Người lớn không đủ khả năng miễn dịch: 500 mg x 2 lần/ngày trong 3 ngày hoặc 1000 mg x 1 lần mỗi ngày trong 5 ngày. Ở người lớn nhiễm HIV: liều khuyến cáo 1000 mg x 2 lần/ngày trong 5–10 ngày, có thể tiếp tục trong 7–14 ngày.
- Dự phòng thứ phát: Ở người không có khả năng miễn dịch: 1000 mg Valaciclovir x 1 lần/ngày. Ngoài ra, dùng 500 mg x 1 lần/ngày cho những người có tiền sử ít hơn 9 lần tái phát mỗi năm. Ở người lớn nhiễm HIV: 500 mg x 2 lần/ngày.
Giảm truyền nhiễm sang người khác:
- Liều 500 mg x 1 lần/ngày ở người có tiền sử ít hơn 9 lần tái phát mỗi năm.
Ức chế sự tái phát của nhiễm trùng herpes simplex virus (HSV) ở người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi:
- Người lớn và thanh thiếu niên không đủ khả năng miễn dịch: Liều 500 mg x 1 lần/ngày. Một số bệnh nhân tái phát thường xuyên trên 10 lần mỗi năm, có thể dùng liều 500 mg hàng ngày được chia làm 250 mg x 2 lần/ngày.
- Người lớn bị suy giảm miễn dịch: Liều là 500 mg x 2 lần/ngày.
Dự phòng nhiễm trùng và bệnh cytomegalovirus (CMV) ở người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi:
- Liều dùng Valacyclovir là 2000 mg x 4 lần/ngày. Thời gian điều trị thông thường là 90 ngày, nhưng có thể phải kéo dài ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
4. Cách dùng của thuốc Valacyclovir
- Thuốc Valacyclovir được dùng chính xác như quy định. Không được uống thuốc Valacyclovir nhiều hơn, hoặc lâu hơn so với quy định của bác sĩ.
- Điều trị bằng thuốc valacyclovir nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện triệu chứng lần đầu tiên. Thuốc này có thể không có hiệu quả nếu bắt đầu dùng Valacyclovir sau khi bắt đầu có triệu chứng 1 hoặc 2 ngày.
- Hãy uống thuốc Valacyclovir với một ly nước lọc đầy. Uống thật nhiều nước trong khi đang dùng thuốc valacyclovir để giữ cho thận làm việc đúng cách.
- Thuốc Valacyclovir không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
- Tổn thương gây ra bởi virus herpes cần được giữ sạch sẽ và khô thoáng.
- Bảo quản thuốc valacyclovir ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và nóng. Không làm đông lạnh thuốc.
Quên liều, quá liều thuốc Valacyclovir
- Nếu bạn quên một liều Valacyclovir, hãy dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu cách liều tiếp theo không xa, hãy bỏ qua liều đã quên, uống thuốc Valacyclovir theo lịch tiếp theo. Không uống thuốc Valacyclovir gấp đôi để bù cho liều đã quên.
- Nếu quá liều thuốc Valacyclovir, triệu chứng quá liều có thể bao gồm: suy thận cấp, lú lẫn, ảo giác, kích động, giảm ý thức, hôn mê, buồn nôn, nôn hãy liên hệ cấp cứu ngay nếu bạn thấy khó chịu. Thẩm tách máu để xử trí trong trường hợp quá liều có triệu chứng.
5. Chống chỉ định của thuốc Valacyclovir
Không dùng thuốc Valacyclovir nếu bạn bị mẫn cảm, dị ứng với valacyclovir hoặc acyclovir.
6. Tác dụng phụ của thuốc Valacyclovir
Tác dụng phụ thường gặp
- Đau đầu, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu
- Phát ban, ngứa, mệt mỏi, đau khớp, đau họng, nghẹt mũi
Tác dụng phụ ít gặp
- Khó thở, đau bụng
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
- Ảo giác, giảm ý thức, lú lẫn, run, kích động
- Đau thận, tiểu máu, rối loạn chức năng gan
Tác dụng phụ hiếm gặp
- Sốc phản vệ, phù mạch.
- Rối loạn nhịp tim, co giật, hôn mê, loạn thần, mê sảng.
- Suy thận cấp.
Ngưng dùng thuốc valacyclovir và gọi bác sĩ ngay lập tức nếu có bất cứ dấu hiệu sau đây của tác dụng phụ nghiêm trọng: Sốt, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu; đốm đỏ trên da, xuất huyết tiêu hoá, nôn mửa, da nhợt hoặc vàng; ngất xỉu, đi tiểu ít hơn bình thường; đau ở lưng dưới, buồn ngủ, thay đổi tâm trạng, khát nước, chán ăn, buồn nôn và nôn, tăng cân, khó thở, nhầm lẫn, kích động, hung hăng, ảo giác, khó tập trung, cảm giác run rẩy hoặc không ổn định; co giật.
7. Những lưu ý khi dùng thuốc Valacyclovir
Trong quá trình sử dụng thuốc Valacyclovir cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Cho bác sĩ biết nếu nhiễm HIV / AIDS, hệ thống miễn dịch yếu, bệnh thận, hoặc đã ghép thận hay ghép tủy xương trước khi dùng valacyclovir.
- Thuốc Valacyclovir có thể gây hại cho thận và việc gây hại thận này có thể tăng lên khi nó được sử dụng cùng với các loại thuốc khác gây hại cho thận. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác bạn đang sử dụng.
- Điều trị bằng thuốc valacyclovir nên được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (như ngứa, rát, mụn nước).
- Virus Herpes không gây hại cho thai nhi nhưng có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh. Theo đó, việc ngăn ngừa tổn thương herpes khi mang thai là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến bé khi bé được sinh ra.
- Thuốc Valacyclovir không ngăn chặn sự lây lan của herpes sinh dục. Nhiễm Herpes là bệnh truyền nhiễm, ngay cả khi đang uống thuốc này vẫn có thể lây nhiễm sang người khác.
- Thuốc Valacyclovir có thể đi vào sữa mẹ, vì vậy không nên dùng Valacyclovir trong trường hợp này.
- Tác dụng phụ có nhiều khả năng xuất hiện ở người lớn tuổi hơn so với người trẻ.
- Không dùng thuốc valacyclovir cho trẻ em.
8. Tương tác của thuốc Valacyclovir
Thuốc Valacyclovir có thể gây hại cho thận, không nên sử dụng Valacyclovir cùng với các loại thuốc khác có thể gây tổn hại cho thận như:
- Lithium (Eskalith, Lithobid)
- Methotrexate (Rheumatrex, Trexall)
- Thuốc giảm đau như: Aspirin (Anacin, Excedrin), Acetaminophen (Tylenol), Diclofenac (Voltaren), Etodolac (Lodine), Ibuprofen (Advil, Motrin), indomethacin (Indocin), Naproxen (Aleve, Naprosyn)
- Mesalamine (Pentasa) hay sulfasalazine (Azulfidine)
- Thuốc chống thải ghép tạng như: Sirolimus (Rapamune) hoặc tacrolimus (Prograf)
- Kháng sinh như: Amphotericin B (Fungizone, AmBisome, Amphotec, Abelcet), amikacin (Amikin), bacitracin (Baci-IM), capreomycin (Capastat), gentamicin (Garamycin), kanamycin (Kantrex), streptomycin, vancomycin (Vancocin, Vancoled)
- Thuốc kháng virus như: Cidofovir (Vistide), Adefovir (Hepsera), foscarnet (Foscavir)
- Thuốc chống ung thư như: Aldesleukin (Proleukin), cisplatin (Platinol), ifosfamide, oxaliplatin(Eloxatin), plicamycin (Mithracin), streptozotocin (Zanosar), tretinoin (Vesanoid), carmustine (BiCNU, Gliadel).
Thuốc Valacyclovir là thuốc kháng virus, được sử dụng để điều trị các bệnh gây ra bởi virus herpes. Bạn nên làm đúng theo lời dặn của bác sĩ nếu quyết định dùng thuốc Valacyclovir. Hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu còn thắc mắc về thuốc Valacyclovir trong quá trình sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.