Thuốc Vagifem là thuốc đặt âm đạo được chỉ định với công dụng làm giảm, loại bỏ các triệu chứng ngứa trong và ngoài âm đạo, khô hoặc kích ứng âm đao, đau và chảy máu khi giao hợp,... Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc Vagifem qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Vagifem
“Thuốc Vagifem có tác dụng gì?”. Thuốc Vagifem chứa hoạt chất Estradiol - một loại Estradiol được bào chế dưới dạng viên nén đặt âm đạo.
Estradiol là hormon được tiết ra bởi buồng trứng. Sự giảm dần lượng hormon bài tiết dẫn đến rối loạn quá trình điều nhiệt, xuất hiện các cơn bốc hỏa kết hợp với rối loạn giấc ngủ, tăng tiết mồ hôi, teo niêm mạc đường sinh dục làm khô đau âm đạo, đau khi giao hợp và tiểu tiện không kìm được. Vì vậy, liệu pháp thay thế hormon giúp làm giảm các triệu chứng trên, bù lại được sự thiếu estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
Thuốc Vagifem được chỉ định làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng trong âm đạo bao gồm:
- Kích ứng hoặc khô âm đạo;
- Ngứa trong và ngoài âm đạo;
- Đau khi đi tiểu;
- Đau, chảy máu khi giao hợp.
2. Liều dùng của thuốc Vagifem
“Thuốc Vagifem có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như thế nào?”. Vagifem thuộc nhóm thuốc không kê đơn, tuy nhiên liều dùng thuốc Vagifem nên được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh.
Liều thuốc Vagifem khuyến cáo là đặt một viên thuốc/ ngày trong 2 tuần đầu tiên, sau đó duy trì liều mỗi tuần 2 lần.
Cách sử dụng thuốc Vagifem cùng với dụng cụ đi kèm trong hộp thuốc như sau:
- Tháo vỏ bọc nhựa ra khỏi đầu phun;
- Đưa đầu cuối của dụng cụ và viên thuốc đặt vào trong âm đạo;
- Nhấn nhẹ pít tông đến khi nghe thấy tiếng kêu.
- Lấy dụng cụ ra khỏi âm đạo, mỗi dụng cụ chỉ dùng một lần và không tái sử dụng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Vagifem
Thuốc Vagifem có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Rối loạn tuyến vú và hệ sinh sản: Chảy máu âm đạo bất thường, mất kinh, triệu chứng giống tiền mãn kinh, thay đổi dịch tiết âm đạo, đau ngực, ngực căng hoặc to ra;
- Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng;
- Niêm mạc và da: Ngứa, ban đỏ, Eczema, trứng cá, mày đay, rụng tóc, rậm lông, hồng ban dạng nốt;
- Rối loạn hệ thần kinh: Lo lắng, đau đầu, nhược cơ, trầm cảm.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian điều trị bằng thuốc Vagifem.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vagifem
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Vagifem trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Estradiol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Phụ nữ đang cho con bú;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai;
- Người bệnh rối loạn chức năng gan, kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường;
- Người bệnh có kết quả huyết khối hoạt động;
- Người bệnh có vấn đề về đông máu do sử dụng Estrogen;
- Người bệnh có tiền sử xuất hiện cục máu đông ở phổi, chân, tim hoặc não;
- Người bệnh có sự phát triển quá mức của niêm mạc tử cung (tăng sản nội mạc tử cung);
- Người bị mất thị lực một phần hoặc toàn bộ do bệnh lý mạch máu mắt;
- Người bị chảy máu âm đạo bất thường chưa được kiểm tra.
4.2. Thận trọng khi sử dụng
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Estradiol có thể gây ra các tác dụng xấu như quái thai, sảy thai, dị tật thai nhi,... Vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc Vagifem ở phụ nữ đang mang thai.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Estradiol có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây tác động xấu với trẻ bú mẹ, vì vậy người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc
Estradiol có thể gây tương tác với một số thuốc sau:
- Thuốc chống đông máu như Warfarin;
- Thuốc dùng bằng đường âm đạo khác;
- Thuốc điều trị tăng huyết áp (Enalapril, Atenolol, Lisinopril, Amlodipine).
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Vagifem, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Vagifem.