Ultravist, một loại thuốc cản quang được sử dụng trong các kỹ thuật cận lâm sàng. Thuốc có nhiều loại hàm lượng khác nhau như Ultravist 150, Ultravist 240, Ultravist 300 và Ultravist 370. Thuốc Ultravist dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ nhưng không dùng được cho phụ nữ có thai.
1. Thuốc Ultravist là thuốc gì?
Ultravist là một loại thuốc cản quang được dùng trong các kỹ thuật cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý thực thể.
Thuốc chứa thành phần chính là Iopromide với nhiều loại hàm lượng khác nhau. Đây là một tác nhân cản quang iod hóa nhằm giúp các hệ thống máy móc có thể ghi lại một cách chân thực hình ảnh của các bộ phận trong cơ thể trên phim chụp X-quang hay CT... Dựa vào hình ảnh đó, bác sĩ và những người làm chuyên môn có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe cũng như các bất thường xảy ra tại vùng cơ thể được chỉ định chụp, hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh và đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp.
Iopromide là một thuốc được dùng trong:
- Tiêm động mạch trong các thủ thuật chụp mạch máu DSA.
- Bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng của shunt nối trong quá trình làm thẩm phân.
- Chụp cắt lớp CT.
- Chụp hệ niệu nội tĩnh mạch.
- Chụp tĩnh mạch các chi.
- Chụp các khoang trong cơ thể như tử cung vòi trứng, chụp đường rò hay chụp X-quang khớp gối có cản quang.
Lưu ý không dùng thuốc trong các chỉ định chụp tủy sống, não thất hay chụp ở các xoang có chứa dịch. Thuốc không được dùng trên bệnh nhân bị cường giáp và phụ nữ đang mang thai.
2. Công dụng thuốc Ultravist
Ultravist được chỉ định trong các trường hợp:
- Chụp cắt lớp CT.
- Chụp mạch, chụp DSA qua tĩnh mạch và chụp DSA qua động mạch.
- Chụp hệ tiết niệu qua tĩnh mạch.
Chống chỉ định dùng thuốc với:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người bị cường giáp, đã hoặc đang điều trị.
- Không dùng thuốc trên phụ nữ có thai.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Ultravist
Ultravist được sản xuất ở dạng dung dịch tiêm truyền với nhiều mức hàm lượng và đóng gói khác nhau:
- Ultravist 150: dung dịch tiêm hàm lượng 0,31g/ml, đóng chai 50ml.
- Ultravist 240: dung dịch tiêm 0,5g/ml, đóng chai 20ml, 50ml, 100ml và 20ml. Ngoài ra còn có dạng ống hoặc lọ 100ml.
- Ultravist 300: dung dịch tiêm hàm lượng 0,62g/ml, đóng chai 20ml, 50ml, 75ml, 100ml, 150ml và 200ml, thêm loại ống hoặc lọ 5ml.
- Ultravist 370: dung dịch tiêm hàm lượng 0,77g/ml, có loại chai thể tích 100ml, 150ml và 200ml, ống hoặc lọ 30ml.
Liều lượng sử dụng thuốc:
- Đối với các trường hợp bệnh nhân cần chụp hệ niệu qua tĩnh mạch:
- Người lớn: tiêm 1ml.
- Trẻ em: tính liều theo trọng lượng cơ thể, dùng 4ml/kg cân nặng. Ở trẻ nhỏ dùng 1,5ml/kg cân nặng, còn với nhũ nhi dùng 3ml/kg.
- Đối với chụp CT sọ não: tiêm 1ml, tối đa sử dụng 2ml/kg cân nặng.
- Chụp DSA qua tĩnh mạch: 30 đến 60ml.
Lưu ý: liều thuốc trong chụp mạch máu có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi bệnh nhân, cân nặng, thể trạng, các triệu chứng lâm sàng, cung lượng của tim và kỹ thuật chụp. Khi chụp DSA qua động mạch thì liều thuốc sẽ thấp hơn so với chụp qua tĩnh mạch.
4. Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng thuốc Ultravist
Tác dụng phụ phổ biến nhất thường gặp khi sử dụng thuốc Ultravist là cảm giác buồn nôn, nôn, cảm giác nóng và đau, xuất hiện hồng ban.
Một số tác dụng phụ khác có thể gặp liên quan đến thành phần Iopromide có trong thuốc:
- Phản ứng tuần hoàn kèm theo dấu hiệu hạ huyết áp do giãn mạch ngoại biên.
- Nhịp tim nhanh, bệnh nhân bị khó thở, tăng trạng thái kích thích, tím tái, lú lẫn, nặng có thể mất ý thức. Nếu thấy bệnh nhân có các dấu hiệu trên thì cần tiến hành cấp cứu càng sớm càng tốt.
Để an toàn cho người bệnh, khi sử dụng thuốc Ultravist cần lưu ý những điều sau:
- Dùng thuốc khi thật cần thiết. Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý thay đổi tăng giảm liều lượng khi chưa có chỉ định của bác sĩ hay những người có chuyên môn về y dược.
- Đặc biệt lưu ý nếu bệnh nhân từng có tiền sử bị quá mẫn với các thuốc cản quang có chứa thành phần Iod.
Thận trọng dùng thuốc với:
- Bệnh nhân bị suy gan suy thận, suy tim, suy tuần hoàn.
- Xơ vữa mạch máu não.
- Bệnh nhân co giật nguyên nhân từ não.
- Người bị khí phế thũng, tiểu đường, cường giáp, bướu giáp nhân thể nhẹ hoặc bị đa u tủy cũng cần cẩn trọng khi dùng thuốc.
- Thuốc được sản xuất dạng tiêm tĩnh mạch, tuyệt đối không dùng uống, tiêm bắp hay các đường dẫn thuốc khác.
- Lhông sử dụng thuốc trên phụ nữ có thai.
- Thuốc có thể gây tình trạng hạ huyết áp, thay đổi nhịp tim, nôn...Do đó, cần thận trọng trong những bệnh nhân cần lái xe hay đang làm việc liên quan đến vận hành máy móc. Tốt nhất nên để bệnh nhân nghỉ ngơi đến khi cơ thể ổn định hoàn toàn thì mới được phép quay trở lại công việc.
- Đây là thuốc hỗ trợ trong thủ thuật cận lâm sàng để phục vụ cho chẩn đoán, không phải là thuốc điều trị bệnh. Thuốc chỉ được sử dụng ở những bệnh viện hay phòng khám có chuyên môn, không tự ý sử dụng bên ngoài khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Bảo quản thuốc đúng theo quy định của nhà sản xuất.
- Không sử dụng thuốc đã hết hạn để tiêm cho bệnh nhân.
- Để thuốc xa tầm với của trẻ.
Chụp mạch hay chụp Xquang có thuốc cản quang là một trong những kỹ thuật rất cần thiết trong việc hỗ trợ chẩn đoán trên lâm sàng. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào hay bất cứ bệnh lý nào cũng cần phải chụp có thuốc cản quang. Việc chụp có cần sử dụng thuốc cản quang hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe người bệnh, các triệu chứng lâm sàng, định hướng chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa... Thuốc cản quang nói chung, Ultravist nói riêng cũng có liều lượng sử dụng và những tác dụng phụ nhất định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe cũng như những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán phù hợp.