Được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco, thuốc Tranagliptin 5 có chứa thành phần chính là Linagliptin và được chỉ định trong điều trị chữa tiểu đường tuýp II. Công dụng và cách sử dụng thuốc cụ thể như thế nào?
1. Công dụng và chỉ định thuốc Tranagliptin 5
Thuốc Tranagliptin 5 có công dụng trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 (T2DM) và áp dụng cho bệnh nhân trưởng thành. Thuốc sẽ có tác dụng cải thiện kiểm soát đường huyết.
- Chỉ định đơn trị: Dành cho bệnh nhân chưa kiểm soát được đường huyết tốt bằng chế độ ăn và vận động. Các bệnh nhân không hợp sử dụng metformin nguyên nhân có thể do không dung nạp hoặc có bệnh suy thận kèm theo (metformin chống chỉ định với người bị suy thận).
- Chỉ định điều trị phối hợp: Tranagliptin 5 có thể được kê dùng chung cùng Pioglitazone, Metformin hoặc Sulfonylurea liều thấp hơn để giảm khả năng bị hạ đường huyết.
Hiện nay chưa có dữ liệu về dược lực học và dược động học của thuốc Tranagliptin 5.
2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Tranagliptin 5Mg
Thuốc Tranagliptin 5 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên sẽ dùng qua đường uống. Thuốc có thể uống trước hoặc sau bữa ăn, bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Về liều dùng:
- Người trưởng thành được khuyến cáo sử dụng 5mg/ lần mỗi ngày;
- Kết hợp sử dụng cùng Linagliptin và sulfonylurea, có thể cân nhắc dùng sulfonylurea với liều thấp hơn để giảm nguy cơ hạ đường huyết;
- Người bị suy thận, suy gan, cao tuổi có thể áp dụng như bình thường không cần điều chỉnh liều.
Liều dùng trên chỉ có tính tham khảo, để có liều lượng sử dụng chính xác và phù hợp với thể trạng của bản thân, người dùng nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
3. Trường hợp chống chỉ định Tranagliptin 5
- Chưa có dữ liệu về tính an toàn cũng như hiệu quả của thuốc đối với trẻ em và thanh thiếu niên, vì vậy không nên sử dụng cho người dưới 18 tuổi;
- Các trường hợp quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Người bị đái tháo đường tuýp 1 hoặc bị nhiễm toan ceton.
4. Các xử trí khi quên liều hoặc quá liều
Nếu chẳng may quên mất liều uống hay uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, trường hợp sát với giờ uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống theo đơn thuốc chỉ định.
Trường hợp bị quá liều cần thông báo ngay có bác sĩ phụ trách để có thể theo dõi các biến chứng có thể xảy ra. Nếu xuất hiện các biến chứng bất thường nên tiến hành các biện pháp hỗ trợ như rửa ruột, dạ dày, sau đó theo dõi lâm sàng và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết khác.
5. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải của thuốc Tranagliptin 5
Tác dụng phụ thường gặp như tăng lipase;
Các tác dụng phụ ít gặp: Nhiễm trùng và nhiễm khuẩn, viêm mũi họng, phản ứng quá mẫn, rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất, ho, nổi phát ban;Các tác dụng phụ hiếm gặp: Nổi mề đay, phù nề, tăng amylase, viêm tuỵ, pemphigoid bọng nước.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tranagliptin 5
Các trường hợp dưới đây cần thận trọng khi sử dụng thuốc Tranagliptin 5:
- Đã có báo cáo về việc xuất hiện viêm tụy cấp khi sử dụng Linagliptin nên nếu có các biểu hiện nghi ngờ bệnh này cần ngưng dùng thuốc;
- Có nguy cơ hạ đường huyết;
- Khi sử dụng đơn trị một tỷ lệ hạ đường huyết tương đương với giả dược;
- Một số thí nghiệm cũng chỉ ra rằng khi linagliptin kết hợp với các thuốc không hoặc ít hạ đường huyết như metformin, các loại thiazolidinedione thì tỷ lệ hạ đường huyết ở linagliptin tương tự với tỷ lệ khi dùng giả dược;
- Lưu ý trọng khi sử dụng linagliptin kết hợp với sulfonylurea, bởi chất này gây hạ đường huyết, nên giảm lượng sulfonylurea
- Hiện chưa có báo cáo hay dữ liệu chính xác nào về ảnh hưởng của thuốc Tranagliptin đối với phụ nữ đang trong thai kỳ, chính vì vậy nên tránh sử dụng thuốc trong giai đoạn này;
- Đã có thông tin về tác động của thuốc trên động vật cho thấy thuốc có bài tiết của linagliptin trong sữa động vật mẹ, tuy nhiên chưa có kết quả trên người nên cần cân nhắc sử dụng đối với phụ nữ đang cho con bú;
- Thuốc này không gây buồn ngủ nên có thể sử dụng cho người cần tập trung tinh thần như lái xe, điều khiển máy móc.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Tranagliptin 5 nếu cần giải đáp thêm thắc mắc về thuốc, người dùng có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ kê đơn để có được những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.