Công dụng thuốc Tinifast

Tinifast là tên biệt dược chứa thành phần Fexofenadine, một loại thuốc chống dị ứng thế hệ mới được sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.

1. Dược lý học của thuốc Tinifast

1.1. Dược lực học

Tinifast là thuốc kháng histamin, được bào chế dưới dạng viên nén, hiện tại có các chế phẩm trên thị trường là Tinifast 60, Tinifast 120, Tinifast 180 chứa hoạt chất Fexofenadine hydrochloride với hàm lượng tương ứng 60mg, 120mg, 180 mg.

Fexofenadine là chất chuyển hóa của Terfenadine, đối kháng chọn lọc thụ thể H1 ngoại biên. Thuốc có tác dụng kháng histamin kéo dài, phù hợp với điều trị dị ứng.

Thuốc Fexofenadine không có tác dụng an thần hay các tác dụng khác trên hệ thần kinh trung ương. Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy Fexofenadine không có tác dụng kháng cholinergic hay ức chế thụ thể alpha1-adrenergic, thuốc không vượt qua hàng rào máu-não.

1.2. Dược động học

  • Người khỏe mạnh bình thường sau khi uống liều duy nhất 60 mg Fexofenadine, nồng độ thuốc trung bình trong huyết thanh là 209ng/ml. Nghiên cứu trên người tình nguyện khỏe mạnh uống 60mg Fexofenadine Hydrochloride lặp lại sau mỗi 12 giờ và uống 10 liều như vậy thì nồng độ thuốc trong huyết tương đạt đỉnh 286ng/ml. Nếu uống Fexofenadine liều 120mg mỗi lần, ngày uống 2 lần thì thuốc có dược động học tuyến tính.
  • Đối với người cao tuổi (≥65 tuổi) sử dụng Fexofenadine hydrochloride, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương cao hơn 99% ở người dưới 65 tuổi. Còn thời gian bán hủy trung bình thì tương tự người tình nguyện khỏe mạnh.
  • Đối với bệnh nhân suy thận mức độ nhẹ (độ thanh thải creatinin 41-80ml/phút) và suy thận mức độ nặng (độ thanh thải creatinin 11-40ml/phút), nồng độ đỉnh của Fexofenadine trong máu cao hơn, lần lượt là 87% và 111% so với người tình nguyện khỏe mạnh; thời gian bán hủy trung bình cũng dài hơn (59% và 72% so với người khỏe mạnh).
  • Dược động học của Fexofenadine HCl ở bệnh nhân suy gan không có nhiều khác biệt so với người khỏe mạnh.
  • Không có sự khác biệt về về dược động học của Fexofenadine HCl giữa nam và nữ.

2. Chỉ định của thuốc Tinifast

Tinifast 60, Tinifast 120, Tinifast 180 được chỉ định điều trị cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên trong các trường hợp:

  • Điều trị các triệu chứng do viêm mũi dị ứng như sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi, ngứa họng, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt.
  • Nổi mày đay, hay mày đay tự phát, vô căn mạn tính.

3. Liều lượng - Cách dùng thuốc Tinifast

Tinifast được dùng qua đường uống. Liều dùng của Tinifast tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân và tùy mục đích điều trị. Cụ thể như sau:

Đối với sử dụng Tinifast trong điều trị triệu chứng của viêm mũi dị ứng:

  • Người lớn và trẻ từ 12 tuổi: 60mg/lần, uống 2 lần/ngày hoặc có thể dùng 1 lần trong ngày với liều 120-180mg. Đối với bệnh nhân suy thận: bắt đầu với liều 60mg uống 1 lần trong ngày.
  • Trẻ từ 6 đến 11 tuổi: 30mg/lần, uống 2 lần/ngày. Trẻ suy thận chỉ nên bắt đầu dùng liều 30mg uống 1 lần trong ngày.

Để điều trị mày đay tự phát mạn tính với Tinifast, liều dùng như sau:

  • Người lớn và trẻ từ 12 tuổi: 60mg/lần, uống 2 lần/ngày. Bệnh nhân suy thận khởi đầu với liều 60mg uống 1 lần trong ngày.
  • Trẻ từ 6 đến 11 tuổi: 30mg/lần, uống 2 lần/ngày. Trẻ suy thận khởi đầu với liều 30mg uống 1 lần trong ngày.

Cần lưu ý: Không cần điều chỉnh liều Tinifast ở bệnh nhân suy gan. Liều dùng cụ thể còn tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và mức độ diễn tiến của bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chính xác nhất khi sử dụng Tinifast trong từng trường hợp cụ thể.

4. Chống chỉ định của thuốc Tinifast

Chống chỉ định dùng Tinifast cho các đối tượng mẫn cảm với các thành phần thuốc.

5. Tác dụng phụ khi sử dụng Tinifast

Các tác dụng phụ thường gặp của Tinifast (ADR >1/100) bao gồm:

  • Thần kinh: Mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, choáng váng, chóng mặt, buồn ngủ.
  • Tiêu hoá: Buồn nôn, khó tiêu.
  • Hô hấp: Triệu chứng nhiễm virus: cảm, cúm hay nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm xoang.
  • Cơ xương khớp: Đau bụng kinh.
  • Tai: Viêm tai giữa.

Một số tác dụng phụ ít gặp hơn khi sử dụng Fexofenadine (1/1000 < ADR < 1/100) gồm có:

  • Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, sợ hãi.
  • Tiêu hoá: Đau bụng, khô miệng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể biểu hiện một số triệu chứng khác nhưng hiếm gặp (ADR < 1/1000), đó là:

  • Da: Ban da, ngứa, mày đay.
  • Toàn thân: Đỏ bừng, phù mạch, đau ngực, khó thở, sốc phản vệ.

6. Tương tác thuốc Tinifast

Tương tác thuốc Tinifast có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Ketoconazol hay Erythromycin làm tăng nồng độ của Fexofenadine trong huyết tương gấp 2-3 lần khi phối hợp chúng với nhau. Tuy nhiên, sự tương tác này không ảnh hưởng đến khoảng QT và không ghi nhận tăng thêm bất kỳ phản ứng phụ nào.
  • Kết hợp Fexofenadine với các thuốc trung hòa acid chứa aluminium hay magnesium dưới dạng gel có thể dẫn đến giảm nồng độ của Fexofenadine trong huyết tương.
  • Fexofenadine không tương tác với những thuốc chuyển hóa qua gan, vì Fexofenadine không qua chuyển hóa ở gan.
  • Một số nước trái cây như nước cam, bưởi, táo có thể làm giảm tính sinh khả dụng của Fexofenadine.

7. Thận trọng khi dùng thuốc Tinifast

Chú ý đề phòng khi dùng Tinifast ở các đối tượng đặc biệt:

  • Người trên 65 tuổi.
  • Người có nguy cơ tim mạch, hay QT kéo dài từ trước.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Bệnh nhân suy thận: chỉnh liều Tinifast phù hợp với mức lọc cầu thận.
  • Phụ nữ có thai: chỉ sử dụng ở trong trường hợp thực sự cần thiết và có ý kiến của bác sĩ.
  • Phụ nữ cho con bú: Chưa có bằng chứng rõ ràng về việc Fexofenadine liệu có bài tiết qua sữa hay không. Vì thế, những bà mẹ đang cho con bú cần thêm ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
  • Người lái xe, vận hành máy móc: Fexofenadine ít khi gây buồn ngủ, tuy nhiên vẫn nên thận trọng đối với người lái xe hay vận hành máy móc.

Tóm lại, thuốc Tinifast là tên biệt dược chứa thành phần Fexofenadine, một loại thuốc chống dị ứng thế hệ mới được sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe