Teicoplanin là một kháng sinh glycopeptide có hoạt tính diệt khuẩn Gram dương hiếu khí lẫn yếm khí. Thuốc ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn nhạy cảm thông qua việc cản trở sinh tổng hợp thành tế bào ở một vị trí khác với vị trí tác động của kháng sinh họ beta-lactams. Đây là hoạt chất chính có mặt trong thuốc Targocid.
1. Thuốc Targocid là thuốc gì?
Thuốc Targocid được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm (1 lọ bột + 1 ống nước cất pha tiêm 3ml) với thành phần hoạt chất chính là Teicoplanin với các nồng độ sau:
- Targocid 200mg/3ml: 1 lọ (thể tích 10ml) chứa bột đông khô Teicoplanin 200mg kèm một ống dung dịch 3ml.
- Targocid 400mg/3ml: 1 lọ (thể tích 20ml) chứa bột đông khô Teicoplanin 400mg kèm một ống dung môi 3ml.
Thuốc Targocid có bản chất là một kháng sinh glycopeptide, đây là sản phẩm của Sanofi-Aventis.
2. Thuốc Targocid có tác dụng gì?
- Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram dương, đặc biệt là nhiễm Staphylococcus aureus đề kháng Methicillin và Cephalosporin.
- Thuốc Targocid được dùng để đề phòng tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn Gram dương trong các cuộc phẫu thuật nha khoa cho người mắc bệnh tim có nguy cơ, đặc biệt là các bệnh nhân dị ứng với kháng sinh thuộc họ Beta-lactams.
- Thuốc Targocid điều trị viêm phúc mạc bằng cách sử dụng qua đường tiêm trong phúc mạc trên những bệnh nhân đang điều trị bằng thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục.
Thuốc Targocid chống chỉ định với bệnh nhân quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Targocid
Thuốc Targocid được bơm ống dung môi vào trong lọ thuốc Targocid chứa hoạt chất, xoa nhẹ lọ thuốc giữa 2 bàn tay cho đến khi bột thuốc tan hoàn toàn, chú ý tránh tạo bọt, lúc này ta thu được một dung dịch đẳng trương có nồng độ Teicoplanin khoảng 133,3 mg/ml với độ pH là 7,2-7,8.
Thuốc Targocid có thể dùng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch (tiêm liều nạp hoặc truyền nhỏ giọt), tiêm bắp hoặc tiêm trong phúc mạc. Thuốc Targocid được dùng mỗi ngày 1 lần, sau 1 hoặc nhiều liều tải.
Liều thuốc Targocid cho người lớn có chức năng thận bình thường được điều chỉnh dựa trên độ nặng của nhiễm khuẩn:
- Ngày thứ nhất, khuyên dùng tiêm truyền tĩnh mạch một liều 6 mg/kg (thường là 400mg);
- Ngày tiếp theo, liều thuốc Targocid có thể là 6mg/kg/ngày (thường là 400mg) tiêm truyền tĩnh mạch hoặc 3mg/kg/ngày (thường là 200mg) tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, mỗi ngày 1 lần. Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn, nên dùng thuốc Targocid liều cao hơn và dùng theo đường truyền tĩnh mạch.
- Trong nhiễm khuẩn có tiềm năng tử vong, phải bắt đầu điều trị với thuốc Targocid liều 6mg/kg (thường là 400mg) mỗi ngày 2 lần trong 1 - 4 ngày (liều tải) và tiếp tục điều trị thuốc Targocid với liều 6mg/kg/ngày, tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Targocid trong những ngày kế tiếp (liều duy trì).
Nên dùng kháng sinh Teicoplanin phối hợp với một kháng sinh diệt khuẩn thích hợp khác để có hoạt tính diệt khuẩn tối đa (viêm nội tâm mạc do tụ cầu khuẩn), hoặc kết hợp thuốc trong các tình huống không thể loại trừ sự hiện diện của vi khuẩn Gram âm (theo kinh nghiệm của thầy thuốc đối với tình trạng sốt ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính).
Trên đa số bệnh nhân, có thể thấy tác dụng của thuốc Targocid trong vòng 48 - 72 giờ sau khi bắt đầu điều trị, tuy nhiên tổng thời gian điều trị được xác định dựa trên thể loại và độ nặng của nhiễm khuẩn cùng với sự đáp ứng của bệnh nhân với điều trị. Trong viêm nội tâm mạc và viêm xương - tủy, thời gian điều trị thuốc Targocid được khuyến nghị ít nhất là 3 tuần.
Người lớn và người già bị suy thận điều chỉnh liều dùng thuốc Targocid sẽ được thực hiện từ ngày điều trị thứ 4 như sau:
- Suy thận ở mức trung bình (thanh thải creatinin từ 40 - 60 ml/phút), liều thuốc Targocid dùng hàng ngày phải giảm còn một nửa hoặc sử dụng cách nhật (2 ngày một lần);
- Suy thận nặng (thanh thải creatinin < 40 ml/phút) và đối với bệnh nhân lọc máu, liều thuốc Targocid dùng hàng ngày phải giảm còn 1/3, hoặc dùng mỗi 3 ngày 1 lần;
- Thanh thải creatinin bằng hoặc thấp hơn 20 ml/phút, chỉ điều trị thuốc Targocid nếu bảo đảm được việc theo dõi nồng độ thuốc trong máu.
Liều thuốc Targocid dùng cho trẻ em có chức năng thận bình thường dựa trên thể loại và độ nặng của nhiễm khuẩn cùng với sự đáp ứng của trẻ với điều trị:
- Nên bắt đầu điều trị thuốc Targocid với liều 10mg/kg mỗi 12 giờ, tất cả là 3 liều thuốc Targocid, sau đó tiếp tục điều trị với thuốc Targocid liều 6 - 10mg/kg/ngày, liều thuốc Targocid cao nhất được sử dụng cho nhiễm khuẩn nặng nhất hoặc cho trẻ em bị giảm bạch cầu trung tính;
- Ở trẻ sơ sinh, nên bắt đầu điều trị với thuốc Targocid liều 16 mg/kg vào ngày thứ nhất, tiếp theo duy trì 8mg/kg/ngày bằng cách truyền tĩnh mạch chậm thuốc Targocid (kéo dài khoảng 30 phút).
Liều thuốc Targocid dùng cho trẻ em suy thận nên điều chỉnh như trường hợp ở người lớn (xem phần trên).
Có thể đo nồng độ của kháng sinh Teicoplanin trong huyết thanh để tối ưu hóa việc điều trị thuốc Targocid. Trong nhiễm khuẩn nặng, nồng độ đáy của teicoplanin không được thấp hơn 10mg/l.
- Phòng viêm nội tâm mạc trong phẫu thuật nha khoa: Tiêm truyền tĩnh mạch một liều thuốc Targocid 400mg khi bắt đầu gây mê, đối với bệnh nhân có van tim nhân tạo nên phối hợp thêm 1 aminoglycoside.
- Tiêm thuốc Targocid trong phúc mạc: ở bệnh nhân suy thận và viêm phúc mạc thứ phát do thường xuyên thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục, liều thuốc Targocid được khuyên dùng là 20mg Teicoplanin cho mỗi lít dịch thẩm phân, sau khi đã tiêm tĩnh mạch 1 liều tải thuốc Targocid 400mg khi bệnh nhân có sốt. Có thể điều trị thuốc Targocid trong hơn 7 ngày, nhưng liều thuốc Targocid tiêm trong phúc mạc phải giảm còn 1/2 vào tuần thứ 2 (20mg/l trong các túi dịch thẩm phân xen kẽ) và giảm còn 1⁄4 tư vào tuần thứ 3 (20mg/l trong túi dịch lưu qua đêm).
Teicoplanin có khả năng ổn định trong dung dịch thẩm phân phúc mạc (dung dịch dextrose 1,36% hoặc 3,86%) đến 24 giờ nếu được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C. Dung dịch thuốc Targocid có thể dùng tiêm tĩnh mạch trực tiếp hoặc pha loãng với các dung dịch sau:
- Sodium chloride 0,9%;
- Sodium lactate (Ringer's lactate, dung dịch Hartmann's);
- Dextrose 5%;
- Sodium chloride 0.18% và Dextrose 4%.
Thuốc Targocid có thể tiêm bắp cùng với lidocaine hydrochloride 0,5 hoặc 1%, dung dịch này phải được dùng ngay.
4. Thận trọng đặc biệt khi thao tác với thuốc Targocid
Từ từ bơm dung môi trong ống vào lọ chứa hoạt chất và xoa nhẹ lọ thuốc giữa 2 bàn tay cho đến khi bột tan hoàn toàn, tránh tạo bọt và bảo đảm rằng tất cả lượng bột thuốc Targocid đều tan hết, kể cả bột ở chung quanh nắp lọ.
Nếu lắc dung dịch có bọt sẽ khó rút ra đủ thể tích cần dùng. Trong mọi trường hợp, nếu thuốc Targocid hòa tan hoàn toàn, sự hiện diện của bọt không ảnh hưởng đến nồng độ, vẫn là 400 mg trong 3,0 ml, tuy nhiên nếu có bọt nên để yên dung dịch trong 15 phút.
Từ từ rút dung dịch thuốc Targocid ra khỏi lọ, để lấy hết dung dịch nên đâm kim ngay chính giữa nắp cao su. Dung dịch đã pha sẽ chứa 400 mg teicoplanin trong 3,0 ml, nếu pha chế không cẩn thận có thể làm cho lượng thuốc thấp hơn liều cần dùng. Dung dịch thuốc Targocid sau cùng có tính đẳng trương với huyết tương và có độ pH từ 7,2 - 7,8.
5. Tương tác thuốc của thuốc Targocid
Do tiềm năng tăng các tác dụng phụ, nên thận trọng khi dùng thuốc Targocid trên bệnh nhân đang dùng những thuốc khác có độc tính tai và độc tính thận, như:
- Kháng sinh họ Aminoglycosides;
- Amphotericin B;
- Cyclosporine;
- Ethacrynic acid;
- Cephaloridine
- Polymyxin B;
- Colistin;
- Furosemide.
6. Tác dụng phụ của thuốc Targocid
- Phản ứng tại chỗ của thuốc Targocid: ban, đau khu trú, viêm tĩnh mạch huyết khối, áp-xe chỗ tiêm khi tiêm bắp.
- Phản ứng dị ứng thuốc Targocid: nổi mẩn, ngứa, sốt, run, co thắt phế quản, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, mề đay, phù mạch, viêm tróc da, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng gồm cả hội chứng Stevens-Johnson.Ngoài ra, phản ứng liên quan đến truyền tĩnh mạch thuốc Targocid như hồng ban hoặc đỏ ửng nửa thân trên rất hiếm gặp ở bệnh nhân trước đây chưa từng dùng Teicoplanin. Những phản ứng này không tái xuất hiện khi khởi trị lại nếu giảm tốc độ truyền thuốc Targocid và/hoặc giảm nồng độ thuốc Targocid. Những phản ứng này không liên quan đến tốc độ truyền dịch hoặc nồng độ cụ thể nào.
- Phản ứng ở hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy;
- Tác dụng phụ trên huyết học: một số hiếm trường hợp mất bạch cầu hạt có thể hồi phục được, giảm số lượng bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan, hiện diện kháng thể kháng yếu tố VIII kèm xuất huyết;
- Thay đổi chức năng gan: thuốc Targocid gây tăng men transaminase và/hoặc alkaline phosphatase huyết thanh.
- Thay đổi chức năng thận: thuốc Targocid gây tăng creatinin máu, suy thận.
- Phản ứng phụ của thuốc Targocid lên hệ thần kinh trung ương: yếu sức, chóng mặt, đau đầu, co giật sau khi tiêm thuốc Targocid trong não thất.
- Phản ứng phụ của thuốc Targocid ở bộ máy tiền đình-tai: mất thính lực, ù tai, rối loạn tiền đình.
- Bội nhiễm (tăng sinh vi khuẩn kháng thuốc);
- Cảm giác khó chịu trong ngực, nhịp tim nhanh, tăng nồng độ uric acid và amylase máu.
- Thận trọng khi dùng Teicoplanin như thuốc Targocid trên bệnh nhân quá mẫn với Vancomycin vì có thể xảy ra dị ứng chéo.
- Đã có những trường hợp độc tính tai, máu, gan và thận được báo cáo vì thế cần theo dõi chức năng thính giác, thận, gan và các thông số huyết học, đặc biệt trên bệnh nhân suy thận, người đang điều trị kéo dài hoặc đang dùng đồng thời với thuốc khác có độc tính tai và thận.
- Bội nhiễm: sử dụng thuốc Targocid có thể dẫn đến sự phát triển các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc, đặc biệt là khi điều trị kéo dài, do đó cần theo dõi kỹ tình trạng của bệnh nhân, nếu xảy ra bội nhiễm cần áp dụng các biện pháp thích hợp.
7. Sử dụng thuốc Targocid ở phụ nữ có thai và cho con bú
Tuy các nghiên cứu sinh sản trên động vật không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng có hại nào của thuốc Targocid trên khả năng sinh sản hoặc bào thai, nhưng không nên dùng kháng sinh Teicoplanin trong các trường hợp xác định hoặc nghi có thai, trừ khi bác sĩ đã cân nhắc giữa lợi ích vượt trội tất cả các nguy cơ có thể có. Hiện không có số liệu về khả năng thuốc Targocid được tiết vào sữa mẹ, do đó để đề phòng không nên dùng Teicoplanin trong thời gian bệnh nhân nuôi con bằng sữa mẹ, trừ khi lợi ích tiềm năng vượt trội nguy cơ có thể có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.