Thuốc Tanamaloxy thường được sử dụng chủ yếu để điều trị cho các tình trạng như tăng acid dạ dày, loét đường tiêu hoá, viêm thực quản, viêm dạ dày,... Trước và trong quá trình điều trị các vấn đề tiêu hoá bằng thuốc Tanamaloxy, bạn cần đảm bảo thực hiện theo những hướng dẫn sử dụng mà thầy thuốc đã khuyến cáo.
1. Thuốc Tanamaloxy là thuốc gì?
Tanamaloxy thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá. Thuốc Tanamaloxy có chứa 2 thành phần hoạt chất chính là Nhôm hydroxyd gel khô (200mg) và Magnesi hydroxyd (200mg), giúp đem lại tác dụng điều trị hiệu quả cho các trường hợp loét đường tiêu hoá hoặc tăng acid dạ dày,...
Hiện nay, thuốc Tanamaloxy được bào chế dưới dạng viên nang nhai, đóng gọi ở dạng hộp gồm 10 vỉ x 8 viên. Mặc dù Tanamaloxy là thuốc không kê đơn (OTC), tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi đưa ra quyết định sử dụng.
2. Thuốc Tanamaloxy chữa bệnh gì?
Hiện nay, thuốc Tanamaloxy thường được bác sĩ khuyến cáo sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh dưới đây:
- Điều trị ngắn và dài hạn cho bệnh nhân mắc chứng loét đường tiêu hoá.
- Điều trị tình các tình trạng xảy ra do tăng tiết acid dạ dày, chẳng hạn như đầy bụng khó tiêu, trào ngược dạ dày – thực quản, ợ chua hoặc ợ nóng.
- Điều trị tình trạng tăng vận động dạ dày, ruột bị co thắt hoặc kích thích.
- Điều trị viêm dạ dày, viêm thực quản, viêm tá tràng.
- Điều trị hiện tượng thoát vị khe.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Tanamaloxy
Không nên sử dụng thuốc Tanamaloxy cho những đối tượng dưới đây:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với các thành phần như Magnesi hydroxyd hoặc Gel nhôm hydroxyd khô trong thuốc.
- Bệnh nhân bị giảm phosphat máu.
- Người bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng và có nguy cơ tăng magnesi máu.
- Không dùng thuốc Tanamaloxy cho trẻ nhỏ tuổi bởi nguy cơ tăng magnesi huyết, nhiễm độc nhôm.
- Không dùng thuốc Tanamaloxy cho trẻ bị suy thận hoặc mất nước.
- Chống chỉ định thuốc Tanamaloxy cho người bị glaucoma góc đóng, hẹp môn vị và tắc liệt ruột.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tanamaloxy
3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Tanamaloxy
Bạn có thể tham khảo liều dùng thuốc Tanamaloxy theo khuyến cáo chung dưới đây:
- Điều trị loét đường tiêu hoá và viêm dạ dày: Dùng từ 1 – 2 viên mỗi 4 giờ.
- Điều trị tăng tiết acid dạ dày: Dùng từ 1 – 2 viên sau khi ăn hoặc theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
Bệnh nhân cần dùng đúng liều thuốc Tanamaloxy theo tờ hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý tính toán, điều chỉnh hoặc ngừng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
3.2 Cách sử dụng hiệu quả thuốc Tanamaloxy
Thuốc Tanamaloxy được dùng bằng đường uống, bệnh nhân cần nhai kỹ thuốc càng lâu càng tốt trước khi nuốt. Người lớn và trẻ em trên 16 tuổi chỉ nên dùng thuốc Tanamaloxy tối đa 6 lần / ngày và không quá 12 viên / ngày.
Trong thời gian sử dụng thuốc Tanamaloxy, bạn cần theo dõi các phản ứng của cơ thể để sớm phát hiện những điều bất thường. Ngoài ra, tác dụng điều trị viêm loét đường tiêu hoá của thuốc Tanamaloxy sẽ nhanh chóng đạt hiệu quả khi kết hợp cùng một lối sống và ăn uống lành mạnh, tránh tiêu thụ các thực phẩm gây hại cho dạ dày và các cơ quan tiêu hoá khác.
4. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Tanamaloxy
4.1 Tác dụng phụ liên quan đến nhôm hydroxyd
- Bệnh não, nhuyễn xương, thiếu máu hồng cầu nhỏ hoặc sa sút trí tuệ có nguy cơ xảy ra ở những bệnh nhân bị suy thận mãn tính sử dụng nhôm hydroxyd dẫn đến tình trạng dính kết phosphat.
- Hiện tượng giảm phosphat máu có nguy cơ xảy ra khi bệnh nhân dùng nhôm hydroxyd kéo dài hoặc với liều lượng cao.
- Bệnh nhân mắc hội chứng urê máu cao có thể bị nhuyễn xương hoặc ngộ độc nhôm khi dùng thuốc chứa nhôm hydroxyd.
- Một số tác dụng phụ thường gặp của nhôm hydroxyd như cứng bụng, táo bón, chát miệng, buồn nôn, ói mửa hoặc đi ngoài phân trắng.
- Một số tác dụng phụ ít gặp của nhôm hydroxyd như giảm magnesi máu hoặc giảm phosphat máu.
4.2 Tác dụng phụ liên quan đến Magnesi hydroxyd
- Tác dụng phụ thường gặp như tiêu chảy hoặc miệng đắng chát nếu dùng quá liều lượng quy định.
- Tác dụng phụ ít gặp như cứng bụng, nôn hoặc có cảm giác buồn nôn.
Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng khác thường nào nghi ngờ liên quan đến việc dùng thuốc Tanamaloxy, bệnh nhân cần nhanh chóng báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn để nhận lời khuyên khắc phục.
5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Tanamaloxy
Trong thời gian điều trị bằng thuốc Tanamaloxy, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo dùng thuốc hiệu quả và ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý:
- Thận trọng khi dùng Tanamaloxy cho người bị suy thận, suy tim xung huyết, xơ gan, mới bị chảy máu đường tiêu hoá và có chế độ ăn uống ít natri.
- Cần cân nhắc về liều lượng dùng thuốc cho người cao tuổi đang có vấn đề về sức khỏe hoặc đang điều trị bằng thuốc khác, bởi những đối tượng này có nguy cơ bị táo bón và đi ngoài phân rắn.
- Thường xuyên kiểm tra nồng độ phosphat trong suốt thời gian dùng thuốc Tanamaloxy.
- Các thuốc kháng acid thường chứa magnesi và dễ gây ra tác dụng nhuận tràng.
- Không sử dụng Tanamaloxy cho người bị suy thận nặng có triệu chứng tăng magnesi huyết gây suy giảm tâm thần, hạ huyết áp và hôn mê.
- Có thể dùng thuốc Tanamaloxy cho phụ nữ có thai, tuy nhiên cần tránh dùng liều cao kéo dài.
- Một lượng nhỏ thuốc Tanamaloxy bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên không gây hại cho trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ.
6. Thuốc Tanamaloxy tương tác với các thuộc nào khác?
Việc dùng nhôm hydroxyd có thể làm thay đổi sự hấp thu của những loại thuốc khác khi dùng cùng lúc với nhau, bao gồm:
- Thuốc Digoxin.
- Thuốc Tetracycline.
- Thuốc Indomethacin.
- Thuốc Isoniazid.
- Muối sắt.
- Thuốc Benzodiazepin.
- Thuốc Allopurinol.
- Thuốc Corticosteroid.
- Thuốc Phenothiazin.
- Thuốc Penicillamine.
- Thuốc Ketoconazol.
- Thuốc Ranitidin.. .
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác bất lợi giữa các loại thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ những dược phẩm và các chất đang được sử dụng trong thời điểm hiện tại. Sau khi đánh giá tỷ lệ rủi ro xảy ra tương tác giữa các thuốc, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều chỉnh thời gian dùng thuốc hoặc thay thế thuốc khác cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.