Công dụng thuốc Soditax

Thuốc Soditax là kháng sinh được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn nặng gây bởi các tác nhân nhạy cảm, bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục, nhiễm khuẩn huyết... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Soditax qua bài viết dưới đây.

1. Soditax là thuốc gì?

Thuốc Soditax chứa hoạt chất Cefotaxim, được bào chế dưới dạng bột pha tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Cefotaxim là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 tác động theo cơ chế ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Phổ kháng khuẩn của Cefotaxim bao gồm vi khuẩn gram dương và gram âm, thuốc khá bền với enzyme Beta – lactamase.

Thuốc Soditax được chỉ định ở người bệnh nhiễm khuẩn nặng bởi các tác nhân gây bệnh nhạy cảm với Cefotaxim như sau:

2. Liều dùng của thuốc Soditax

Liều dùng thuốc Soditax được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào độ tuổi và tình trạng người bệnh. Một số khuyến cáo về liều thuốc Soditax như sau:

Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Điều trị nhiễm khuẩn không biến chứng dùng 1g/lần, lặp lại liều thuốc tiêm sau 12 giờ, tối đa không quá 2g/ngày dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị nhiễm khuẩn trung bình đến nặng dùng liều 1 – 2g/lần, lặp lại liều thuốc sau 8 giờ, tối đa không quá 3 – 6g/ngày dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh liều cao như nhiễm khuẩn huyết dùng liều 2g/lần, lặp lại liều thuốc sau 6 – 8 giờ, tối đa không quá 6 – 8g/ngày dùng đường tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng dùng liều 2g/lần, lặp lại liều sau 4 giờ, tối đa không quá 12g/ngày dùng đường tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị bệnh lậu dùng liều duy nhất 1g đường tiêm bắp. Trước khi điều trị người bệnh cần được kiểm tra bệnh giang mai.

Nhũ nhi và trẻ em dưới 12 tuổi: Phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn, liều Soditax khuyến cáo là 50 – 100mg/kg cân nặng/ngày chia làm 2 – 4 lần dùng đường tiêm tĩnh mạch. Liều thuốc cao hơn 150 – 200mg/kg cân nặng/ngày dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng. Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng không dùng quá liều 50mg/kg cân nặng/ngày.

Người bệnh suy thận: Liều thuốc Soditax cần được giảm ở người bệnh suy thận. Khuyến cáo giảm 1⁄2 liều thuốc ở người bệnh có độ thanh thải Creatinin nhỏ hơn 10ml/phút, tối đa 2g/ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Soditax

Thuốc Soditax có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Hiếm khi xảy ra sốc phản vệ;
  • Quá mẫn: Ngứa, nổi mày đay, sốt;
  • Huyết học: Thiếu máu tán huyết, tăng bạch cầu hạt, thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt có thể xảy ra;
  • Thận: Viêm thận kẽ, suy giảm chức năng thận, suy thận cấp hiếm khi xảy ra;
  • Gan: Vàng da, thỉnh thoảng có thể tăng GOT, GPT, LDH, ALP;
  • Dạ dày – ruột: Triệu chứng viêm ruột kết mạc giả có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị bằng kháng sinh, viêm kết tràng, tiêu chảy, buồn nôn;
  • Hô hấp: Viêm phổi mô kẽ gây ho, khó thở, sốt, tăng bạch cầu ái toan, hội chứng PIE;
  • Thiếu hụt vitamin: Chứng thiếu hụt vitamin K hiếm khi xảy ra, thiếu hụt vitamin nhóm B với triệu chứng biếng ăn, viêm dây thần kinh, viêm miệng, viêm lưỡi;
  • Các phản ứng không mong muốn khác: Đau đầu, khó thở, mệt mỏi toàn thân, bệnh lý do bội nhiễm Candida, rối loạn thị giác, co khớp xương bàn tay – bàn chân.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi gặp các tác dụng phụ gây ra bởi thuốc Soditax.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Soditax

Chống chỉ định sử dụng thuốc Soditax ở người bệnh quá mẫn với Cefotaxim, kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Soditax như sau:

  • Trước khi điều trị bằng thuốc Soditax, người bệnh cần được khai thác kỹ nguy cơ phản ứng quá mẫn trước đó với Cefotaxim, kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc Penicillin. Nếu có triệu chứng dị ứng cần ngưng sử dụng thuốc;
  • Viêm kết tràng màng giả đã được ghi nhận khi điều trị bằng Cephalosporin nên bác sĩ cần nghĩ đến chẩn đoán này ở người bệnh bị tiêu chảy trong thời gian điều trị bằng kháng sinh;
  • Nồng độ thuốc trong huyết thanh có thể tăng cao và kéo dài khi điều trị bằng liều thông thường ở người bệnh suy thận có thiểu niệu thoáng qua hoặc kéo dài. Vì vậy cần xem xét giảm liều Soditax ở những người bệnh này;
  • Dung dịch thuốc Soditax nên được dùng ngay sau khi pha, nếu không thuốc cần được dùng trong vòng 24 giờ sau khi pha nếu bảo quản ở 2 – 8oC trong tủ lạnh hoặc trong vòng 8 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Độ an toàn khi sử dụng Soditax ở phụ nữ đang mang thai chưa được thiết lập, vì vậy khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai khi thực sự cần thiết;
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Cefotaxim bài tiết được vào sữa mẹ với nồng độ thấp, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

  • Sử dụng đồng thời kháng sinh Aminoglycosid và Cefotaxim làm tăng độc tính trên thận.
  • Nồng độ và thời gian tác dụng của Cefotaxim tăng lên khi sử dụng đồng thời với Probenecid.
  • Thuốc Soditax có thể dẫn đến phản ứng dương tính giả đối với glucose niệu khi dùng thuốc thử là dung dịch Benedic, Clinitest, Fehling...

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Soditax, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Soditax.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe