Công dụng thuốc Sipantoz 20

Thuốc Sipantoz 20 có hoạt chất chính là Pantoprazol với hàm lượng 20mg. Thuốc được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày - tá tràng, dự phòng loét hoặc phối hợp với thuốc kháng sinh trong phác đồ tiệt trừ Hp.

1. Thuốc Sipantoz 20 là thuốc gì?

Thuốc Sipantoz 20 có hoạt chất chính là Pantoprazol, một chất ức chế bơm proton (PPI). Sau khi được hấp thu, thuốc được chuyển thành dạng sulfenamid có hoạt tính, dạng này liên kết không thuận nghịch với bơm H+/K+ - ATPase (còn gọi là bơm proton) có trên bề mặt tế bào thành dạ dày, dẫn tới ức chế bơm này và ngăn cản sự bài tiết acid vào lòng dạ dày. Do vậy, thuốc Sipantoz 20 có tác dụng ức chế tiết acid cơ bản và tiết acid do dạ dày bị kích thích bởi bất kỳ tác nhân kích thích nào.

Tác dụng của thuốc Sipantoz 20 phụ thuộc vào liều dùng, thời gian ức chế bài tiết acid dịch vị thường kéo dài hơn 24 giờ. Quá trình bài tiết acid dạ dày trở lại bình thường trong vòng 1 tuần sau khi ngừng thuốc Pantoprazol và không có hiện tượng tăng tiết acid trở lại. Ngoài ra, Sipantoz 20 còn được sử dụng trong phác đồ diệt trừ Helicobacter pylori ở dạ dày.

2. Thuốc Sipantoz 20 công dụng là gì?

Thuốc Sipantoz 20 được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:

Thuốc Sipantoz 20 chống chỉ định ở bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Sipantoz 20

Cách dùng: Thuốc Sipantoz 20 được dùng theo đường uống. Bệnh nhân nên dùng thuốc Sipantoz 20 mỗi ngày một lần vào buổi sáng, trước bữa ăn khoảng 30 phút. Vì hoạt chất Pantoprazol bị phá hủy ở môi trường acid nên phải dùng dưới dạng viên bao tan trong ruột, khi uống bệnh nhân phải nuốt cả viên, không được bẻ, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc.

Liều dùng:

Liều lượng thuốc Sipantoz 20 có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân. Sau đây là liều tham khảo thuốc Sipantoz 20 trong một số trường hợp:

  • Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thuốc Sipantoz 20 khuyến cáo là 20 - 40mg/lần x 1 lần/ngày, vào buổi sáng trong 4 tuần, có thể dùng tới 8 tuần nếu cần thiết. Ở những bệnh nhân có vết loét thực quản không lành sau 8 tuần điều trị, có thể kéo dài đợt điều trị tới 16 tuần. Điều trị duy trì: 20 - 40mg mỗi ngày.
  • Loét dạ dày lành tính: Liều thuốc Sipantoz 20 là 40mg/lần x 1 lần/ngày, trong 4 - 8 tuần.
  • Loét tá tràng: Liều thuốc Sipantoz 20 khuyến cáo là 40mg/lần x 1 lần/ngày, trong 2 - 4 tuần.
  • Phác đồ tiệt trừ Helicobacter pylori: Khi sử dụng thuốc Sipantoz 20 trong điều trị Hp, cần phối hợp với các loại kháng sinh theo đúng khuyến cáo. Liều thuốc Sipantoz 20 trong phác đồ Hp là 40mg, ngày 2 lần (vào buổi sáng và buổi tối).
  • Dự phòng loét tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid: Khuyến cáo uống mỗi ngày một lần 20mg.
  • Điều trị tình trạng tăng tiết acid bệnh lý (hội chứng Zollinger - Ellison): Liều thuốc Sipantoz 20 khởi đầu là 80mg mỗi ngày một lần, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh. Có thể tăng liều Sipantoz đến 240mg mỗi ngày. Nếu bệnh nhân dùng liều hàng ngày lớn hơn 80 mg thì nên chia làm 2 lần trong ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Sipantoz 20

Bệnh nhân sử dụng thuốc Sipantoz 20 có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Thường gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nổi ban da, mày đay, khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, đau cơ, đau khớp.
  • Ít gặp: Suy nhược, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, ngứa, tăng men gan.
  • Hiếm gặp: Toát mồ hôi, phù ngoại biên, sốc phản vệ, ban dát sần, trứng cá, rụng tóc, viêm da tróc vẩy, viêm miệng, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa, nhìn mờ, chứng sợ ánh sáng, phù mạch, hồng ban đa dạng, ngủ gà, tình trạng kích động hoặc ức chế, ù tai, ảo giác, dị cảm, tiểu máu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu và tiểu cầu,...

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Sipantoz 20 là gì?

  • Trước khi dùng thuốc Sipantoz cũng như các thuốc ức chế bơm proton khác cho bệnh nhân loét dạ dày, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày vì thuốc có thể che lấp triệu chứng hoặc trì hoãn quá trình chẩn đoán ung thư.
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Sipantoz ở người bị bệnh gan. Nồng độ huyết thanh của thuốc Sipantoz có thể tăng nhẹ, nhưng nhìn chung không cần điều chỉnh liều. Tránh dùng thuốc Sipantoz khi bị xơ gan hoặc suy gan nặng. Nếu bắt buộc phải dùng, nên giảm liều hoặc dùng cách ngày và theo dõi chức năng gan đều đặn.
  • Dùng thuốc Sipantoz thận trọng ở người suy thận, người cao tuổi.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn: Điều trị bằng các thuốc giảm acid có thể dẫn đến tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do Salmonella, Campylobacter, Clostridium difficile.
  • Các thuốc ức chế bơm proton có nguy cơ gây ra các trường hợp lupus ban đỏ da bán cấp rất hiếm gặp. Nếu các tổn thương xảy ra, đặc biệt là ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, và nếu kèm theo đau khớp, bệnh nhân nên đi khám ở các cơ sở y tế.
  • Thời kỳ mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng Pantoprazol ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Do đó, chỉ nên dùng thuốc Sipantoz 20 khi thật cần thiết trong khi mang thai.
  • Thời kỳ cho con bú: Chưa biết Pantoprazol có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Tuy nhiên, hoạt chất Pantoprazol và các chất chuyển hóa của nó bài tiết qua sữa ở chuột cống. Dựa trên nguy cơ gây ung thư ở chuột của Pantoprazol, cần cân nhắc ngừng cho con bú hay ngừng thuốc Sipantoz, tùy theo lợi ích của thuốc đối với người mẹ.

6. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Sipantoz 20 với một số thuốc có thể gây tương tác, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và/ hoặc gia tăng tác dụng bất lợi. Sau đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Sipantoz:

  • Về mặt lý thuyết, thuốc Sipantoz 20 khả năng tương tác dược động học khi dùng đồng thời với các thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày (như muối sắt, ketoconazol).
  • Vì hoạt chất Pantoprazol chuyển hóa ở gan, chủ yếu qua cytochrom P450 nên có nguy cơ tương tác với các thuốc cảm ứng hay ức chế hệ enzym này. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng giữa Pantoprazol và các thuốc khác chuyển hóa qua cùng enzym.
  • Warfarin: Sử dụng thuốc Sipantoz 20 có khả năng làm tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng đồng thời Warfarin. Do đó cần theo dõi chặt chẽ sự tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi Sipantoz được dùng đồng thời với Warfarin.
  • Sucralfat: Có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của các thuốc ức chế bơm proton. Do đó nên uống thuốc ức chế bơm proton khoảng 1 -2 giờ trước khi dùng Sucralfat.

Trên đây là những thông tin tổng quan về thuốc Sipantoz 20. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả tối ưu và tránh các tác dụng không mong muốn. Lưu ý, Sipantoz 20 là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe