Công dụng thuốc Sicaduse

Thuốc Sicaduse được sử dụng trong điều trị hạ huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp vô căn. Vậy thuốc có liều dùng như thế nào và cần những lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về thuốc trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Sicaduse có tác dụng gì?

Thuốc Sicaduse có chứa thành phần chính là Telmisartan 40mg. Đây là hoạt chất có ái lực rất mạnh với Angiotensin II receptor, cho khả năng gây ức chế phản ứng tạo ra Angiotensin II đồng thời giúp làm giảm bài tiết ra hormon Aldosteron. Từ đây, thuốc phát huy tốt hiệu quả trong việc giảm nồng độ các chất có tác dụng co mạch, giảm sự co mạch và sức cản ngoại vi để giúp hạ huyết áp hiệu quả.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Sicaduse

Sicaduse thuốc được chỉ định trong điều trị huyết áp cao nguyên phát. Bệnh nhân có thể dùng thuốc đơn lập hay đa trị liệu phối hợp với các thuốc điều trị cao huyết áp nhóm khác để phát huy hiệu quả điều trị tốt nhất.

Tuy nhiên, Sicaduse cũng chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn hay dị ứng với thành phần Telmisartan.
  • Những người mắc suy gan nặng, rối loạn tắc mật.
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Sicaduse

Thuốc Sicaduse được dùng qua đường uống và nên dùng nước lọc hay đun sôi để nguội khi uống thuốc. Người bệnh tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều dùng và thời gian sử dụng thuốc với liều dùng tham khảo như sau:

  • Người lớn: Sử dụng thuốc với liều dùng 40 mg x 1 lần/ngày, có thể tăng liều lên 80 mg x 1 lần/ngày khi cần thiết. Người cao tuổi có thể sử dụng thuốc với liều lượng tương đương với liều dùng cho người lớn, không cần chỉnh liều như một số loại thuốc khác.
  • Người bệnh mắc suy gan nhẹ và vừa: Sử dụng thuốc với liều dùng tối đa 40 mg/ngày.

4. Tác dụng phụ thuốc Sicaduse

Trong quá trình sử dụng Sicaduse, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Viêm xoang, viêm họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Có cảm giác đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, đau lưng, rối loạn thị giác.
  • Một số trường hợp xuất hiện cảm giác lo lắng, bồn chồn, chóng mặt.
  • Đôi khi xuất hiện dấu hiệu đau khớp, đau chân, đau cơ.
  • Rối loạn nhịp tim, tăng bài tiết mồ hôi....

5. Tương tác thuốc Sicaduse

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của Sicaduse hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ ở các loại thuốc, cụ thể:

  • Sicaduse có thể làm tăng tác dụng phụ khi dùng chung các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Nồng độ đáy Digoxin trong huyết tương tăng 20% (có 1 trường hợp tăng đến 39%). Do đó, người bệnh cần được theo dõi nồng độ huyết tương khi dùng chung với Sicaduse.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Sicaduse

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân rối loạn dung nạp Fructose.
  • Nếu đang dùng thuốc Sicaduse mà phát hiện có thai, người bệnh cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức.
  • Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên dùng thuốc, chỉ sử dụng Sicaduse nếu được bác sĩ chỉ định.
  • Đối với người lái xe và vận hành máy móc, việc dùng thuốc có thể gây hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực nên người bệnh cần thận trọng khi sử dụng.

7. Xử trí khi quên liều hoặc quá liều Sicaduse

Nếu phát hiện quên một liều Sicaduse, bạn có thể bỏ qua và tiếp tục sử dụng liều tiếp đó, tuyệt đối không dùng hai liều chung thời điểm.

Nếu dùng thuốc quá liều, người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như choáng váng, ngất xỉu, rối loạn nhịp tim. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu tại các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin mang tính tham khảo về thuốc điều trị cao huyết áp Sicaduse mà bạn cần biết. Nếu có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình dùng thuốc, hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc sẽ dễ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe