Samtricet là thuốc giảm đau cho các cơn đau từ vừa đến nặng. Thuốc có thành phần chính là Tramadol hydrochloride 37,5 mg; Acetaminophen 325mg. Cùng tìm hiểu cách sử dụng và những lưu ý khi dùng thuốc Samtricet trong bài viết sau đây.
1. Samtricet là thuốc gì?
Samtricet là thuốc giảm đau được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, thuốc có thành phần chính là Tramadol hydrochloride 37,5 mg; Acetaminophen 325mg.
- Tramadol là thuốc giảm đau tương tự như opioid và được phân loại là opioid tổng hợp. Tramadol hoạt động trong hệ thống thần kinh trung ương (CNS) để giảm đau. Thuốc được sử dụng để điều trị cơn đau vừa đến nặng ở người lớn.
- Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt, được sử dụng để điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình, kết hợp với thuốc nhóm opioid để điều trị cơn đau vừa đến nặng.
2. Công dụng thuốc Samtricet
Thuốc Samtricet có tác dụng làm giảm các cơn đau vừa đến nặng, do đó được chỉ định trong điều trị trong các bệnh lý sau đây:
- Đau nhức xương khớp: đau đầu gối, đau vai.
- Chấn thương, tai nạn.
- Đau đầu
- Đau răng, đau bụng kinh.
3. Cách dùng thuốc Samtricet
Thuốc Samtricet được dùng đường uống, không phụ thuộc bữa ăn.
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều tối đa là 1 đến 2 viên mỗi 4 đến 6 giờ và không quá 8 viên trong 1 ngày.
- Trẻ em (dưới 12 tuổi): Độ an toàn của thuốc chưa được nghiên cứu trên đối tượng này.
- Người già (trên 65 tuổi): Không có sự khác biệt nào về độ an toàn hay tính chất dược động học giữa các người dùng hơn 65 tuổi và người dùng ít tuổi hơn.
Một số triệu chứng khi dùng thuốc Samtricet quá liều bao gồm:
- Tramadol: việc dùng tramadol quá liều có thể gây ra suy hô hấp, hôn mê, co giật, ngừng tim và tử vong.
Acetaminophen: dùng liều cao Acetaminophen có thể gây độc cho gan trên một số bệnh nhân. Các triệu chứng sớm bao gồm: kích ứng đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn, chán ăn, khó chịu, nhợt nhạt, toát mồ hôi. Các triệu chứng nhiễm độc gan có thể xuất hiện sau 48 - 72 giờ sau khi uống thuốc quá liều.
4. Chống chỉ định của thuốc Samtricet
Thuốc Samtricet chống chỉ định trên các đối tượng sau:
- Người dị ứng với thành phần của thuốc.
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ cho con bú
5. Tác dụng phụ của thuốc Samtricet
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Samtricet như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, táo bón, khô miệng, tiêu chảy, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ khác như dị ứng, phát ban, lo lắng, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, bồn chồn, mất ngủ.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Samtricet
- Cần thận trọng khi dùng thuốc Samtricet đồng thời với các thuốc IMAO, thuốc an thần, chống trầm cảm ba vòng, vì có khả năng gây co giật.
- Thận trọng khi dùng thuốc Samtricet liều cao đồng thời với thuốc ngủ, thuốc gây tê, rượu bởi có khả năng gây suy hô hấp.
- Thận trọng khi dùng thuốc trên bệnh nhân tăng huyết áp.
- Thận trọng khi dùng thuốc trên bệnh nhân nghiện rượu, suy giảm chức năng gan, suy gan, vì thuốc Samtricet có thể gây độc cho gan.
- Thận trọng khi dùng thuốc trên các đối tượng đặc biệt: người cao tuổi, trẻ em, bệnh nhân suy gan, suy thận, người dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Lưu ý cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú: Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được mức độ an toàn của thuốc Samtricet trên phụ nữ có thai và cho con bú. Do đó, không nên sử dụng thuốc này cho hai đối tượng này.
Samtricet là thuốc giảm đau cho các cơn đau từ vừa đến nặng. Thuốc có thành phần chính là Tramadol hydrochloride 37,5 mg; Acetaminophen 325mg. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn và nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.