Thuốc Salbules chứa hoạt chất Salbutamol, bào chế dưới dạng dung dịch khí dung, được chỉ định trong điều trị hen phế quản cấp tính nặng, co thắt phế quản mãn tính không đáp ứng với liệu pháp điều trị thông thường... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Salbules qua bài viết dưới đây.
1. Salbules là thuốc gì?
Thuốc Salbules chứa hoạt chất Salbutamol, bào chế dưới dạng dung dịch khí dung. Mỗi ống thuốc Salbules chứa 2.5mg Salbutamol dưới dạng Salbutamol Sulfate.
Hoạt chất Salbutamol thuộc nhóm thuốc tác dụng chọn lọc trên thụ thể β2 ở cơ trơn phế quản, cơ trơn mạch máu, tử cung và ít tác dụng trên thụ thể β1 của cơ tim nên có tác dụng giãn phế quản, giảm co thắt cơ trơn tử cung.
Thuốc Salbules được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Hen phế quản cấp tính nặng;
- Co thắt phế quản mãn tính không đáp ứng với các liệu pháp điều trị thông thường.
2. Liều dùng của thuốc Salbules
Salbules thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng bệnh. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Salbules khi chưa có đơn của bác sĩ.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Salbules như sau:
- Người trưởng thành: Dùng 1 ống thuốc (tương đương 2,5mg Salbutamol) hít qua đường miệng thông qua máy xông khí dung thích hợp, hít đến khi các hạt khí dung trong ống thuốc (trung bình mất khoảng 10 phút). Trong một số trường hợp, liều thuốc có thể phải tăng lên phụ thuộc vào tình trạng bệnh;
- Trẻ em: Liều thuốc Salbules khởi đầu ở trẻ em dưới 12 tuổi là 2.5ml (tương đương 2.5mg Salbutamol). Liều thuốc sau đó được điều chỉnh phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Đối với trẻ em trên 12 tuổi dùng liều như người trưởng thành. Trẻ sơ sinh dưới 18 tháng chưa chứng minh được hiệu quả lâm sàng khi dùng Salbutamol dạng khí dung.
Người bệnh cần lưu ý thuốc Salbules chỉ được dùng bằng đường hít khí dung qua miệng dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tiêm hoặc nuốt dung dịch thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Salbules
Thuốc Salbules có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn thường gặp bao gồm run, bứt rứt, tim đập nhanh, đau đầu, vọp bẻ, hồi hộp, buồn nôn, mất ngủ, chóng mặt, suy nhược, phù mạch, nổi mày đay, phù hầu họng, giảm Kali huyết và huyết áp. Ở một số người bệnh, Salbules có thể gây một số biến đổi về tim mạch như đánh trống ngực, giãn mạch ngoại vi.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Salbules.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Salbules
Chống chỉ định sử dụng thuốc Salbules ở người bệnh có tiền sử mẫn cảm với Salbutamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Salbules như sau:
- Không sử dụng Salbules như là thuốc điều trị duy nhất hoặc phác đồ điều trị chính ở người bệnh bị hen suyễn nặng và không ổn định, cần có đánh giá y khoa thường xuyên về mức độ tiến triển bệnh;
- Người bệnh đang điều trị bằng Salbules tại nhà cần thông báo cho bác sĩ nếu hiệu quả dùng thuốc không đáp ứng. Phản ứng có hại có thể xảy ra khi dùng quá liều thuốc, vì vậy việc hiệu chỉnh và tăng liều dùng Salbules phải theo chỉ định của bác sĩ;
- Người bệnh đang điều trị bằng Salbutamol có thể dùng đồng thời thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để giảm triệu chứng bệnh. Tình trạng hen có thể giảm ngay và cũng có thể kéo dài lâu hơn. Trường hợp người bệnh cần dùng liều thuốc cao hơn so với bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của tình trạng hen, cần đánh giá lại phác đồ điều trị và cân nhắc dùng thêm thuốc kháng viêm như Corticosteroid...;
- Giống như các thuốc đồng vận β adrenergic khác, Salbutamol có thể gây ra các thay đổi đảo ngược quá trình chuyển hóa như tăng đường huyết... Người bệnh đái tháo đường điều trị bằng Salbules có thể dẫn đến tăng đường huyết không hồi phục, kèm nhiễm toan Ceton acid đái tháo đường. Sử dụng đồng thời với thuốc kháng viêm Corticosteroid làm nặng thêm tình trạng này;
- Thận trọng khi dùng thuốc Salbules ở người bệnh tim mạch (loạn nhịp tim, suy động mạch vành, tăng huyết áp), người bệnh cường giáp, người bệnh có phản ứng với các amin giống giao cảm;
- Điều trị bằng Salbutamol dạng hít qua miệng có thể dẫn đến phản ứng quá mẫn tức thì như phù nề, nổi mày đay, phát ban, co thắt phế quản, sốc phản vệ, phát ban, phù nề hầu họng;
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Chưa có bằng chứng gây quái thai, tuy nhiên việc sử dụng thuốc Salbules ở đối tượng này cần được chỉ định và giám sát bởi bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ;
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa rõ khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Salbutamol, tuy nhiên các nghiên cứu trên động vật cho thấy khả năng sinh khối u của Salbutamol khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy cần ngưng cho con bú trong thời gian điều trị bằng Salbules hoặc ngưng điều trị bằng Salbules trong thời gian cho con bú.
5. Tương tác thuốc
Không sử dụng đồng thời Salbules với các thuốc chống giao cảm vì nguy cơ gây độc trên tim mạch.
Thận trọng khi dùng Salbules ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế men MAO, thuốc chống trầm cảm ba vòng vì ảnh hưởng đến tác dụng của Salbutamol lên hệ thống mạch máu.
Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của Salbules, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc và thực phẩm bổ sung đang dùng trước khi điều trị bằng thuốc Salbules.