Công dụng thuốc Romapen

Romapen được điều chế với thành phần chính Meropenem - là một loại kháng sinh nhóm β-lactam được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng trong ổ bụng và bệnh than hoặc viêm phổi.

1. Thuốc Romapen là gì?

Romapen 1g có thành phần chính là Meropenem Trihydrate với hàm lượng 1g. Romapen nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới và thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Thuốc chuyên sử dụng trong việc điều trị các nhiễm khuẩn ở người lớn và trẻ em gây ra bởi một hay nhiều vi khuẩn nhạy cảm với meropenem bao gồm có:

Cơ chế hoạt động:

Thành phần Meropenem là 1 loại kháng sinh Carbapenem phổ rộng. Nó có khả năng chống lại các loại vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Meropenem phát huy công dụng của thuốc bằng cách thâm nhập vào tế bào vi khuẩn gây bệnh và can thiệp vào quá trình tổng hợp các thành phần quan trọng của thành tế bào và sau đó là tiêu diệt tế bào.

2. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm và sử dụng để tiêm tĩnh mạch.

Liều lượng: Liều lượng thuốc Romapen không cố định và thời gian điều trị dài hay ngắn sẽ tùy thuộc mức độ và loại nhiễm khuẩn cũng như tình trạng bệnh nhân. Dưới đây là liều thuốc tham khảo.

Đối với người lớn:

  • Dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường niệu, viêm phổi, các nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da sử dụng liều 500mg Meropenem tiêm tĩnh mạch, chu kỳ 8 giờ.
  • Dùng trong điều trị nhiễm nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm phúc mạc, các nghi ngờ nhiễm khuẩn ở bệnh nhân giảm bạch cầu dùng liều 1g Meropenem tiêm đường tĩnh mạch.
  • Dùng trong điều trị bệnh xơ nang áp dụng liều lượng thuốc là 2g mỗi 8 giờ.
  • Dùng trong điều trị bệnh màng não, liều khuyến cáo là 2g mỗi 8 giờ.

Đối với bệnh nhân bị suy thận: Cần điều chỉnh liều lượng thuốc theo tình trạng bệnh (mức độ thanh thải creatinin). Liều dùng (tính theo đơn vị liều 500mg, 1g và 2g)

  • Độ thanh thải creatinin từ 26-50 ClCr (ml/ phút) dùng một đơn vị liều, mỗi 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin từ 10-25 ClCr (ml/phút) dùng 1 đơn vị liều, mỗi 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin < 10 ClCr (ml/phút) dùng liều 1g, mỗi 24 giờ.

Liều dùng cho bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc, áp dụng như liều thông thường.

Liều dùng cho bệnh nhân cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân cao tuổi có chức năng thận bình thường hay độ thanh thải creatinin > 50ml/phút.

Đối với trẻ em:

  • Với trẻ em cân nặng trên 50kg: Có thể sử dụng liều thuốc như ở người lớn
  • Với trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: Liều thuốc áp dụng là từ 10-20mg/ kg mỗi 8 giờ tùy thuộc tình trạng bệnh nhân, mức độ và loại nhiễm khuẩn.
  • Trong điều trị viêm màng não liều khuyến cáo là 40 mg/kg mỗi 8 giờ.

Chống chỉ định:

  • Không sử dụng Romapen cho bệnh nhân mẫn cảm với thành phần của thuốc.
  • Thuốc không dùng cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm hay thường gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi điều trị bằng thuốc thuộc nhóm beta-lactam như penicillin hoặc cephalosporin.

Quá liều và cách xử lý:

  • Khi sử dụng thuốc Romapen quá liều thì người bệnh có thể gặp các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, nôn, hồng ban đa dạng, co giật và viêm gan cấp, đặc biệt thường gặp ở các bệnh nhân bị mắc bệnh suy thận.
  • Cách xử lý: Điều trị theo triệu chứng gặp phải. Đối với người mắc bệnh suy thận, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng phương pháp thẩm phân máu để loại trừ độc tố meropenem ra khỏi cơ thể.

3. Phản ứng phụ

Một số tác dụng phụ không mong muốn người bệnh có thể gặp trong quá trình điều trị bằng thuốc Romapen bao gồm:

  • Các phản ứng tại vị trí tiêm: Viêm, đau tại nơi tiêm, nghiêm trọng hơn là viêm tĩnh mạch huyết khối.
  • Phản ứng thường gặp trên da gồm ngứa, mề đay, phát ban. Phản ứng da nghiêm trọng hơn thì có thể xuất hiện hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc da (phản ứng này hiếm gặp hơn).
  • Phản ứng dị ứng toàn thân: Phản ứng quá mẫn với biểu hiện phù mạch và các biểu hiện phản vệ.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nặng hơn là bị viêm đại tràng giả mạc.
  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương: Dị cảm, nhức đầu và co giật.
  • Tác dụng phụ trên hệ huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, tăng tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và bạch cầu đa nhân trung tính, thiếu máu tán huyết.
  • Ảnh hưởng đến chức năng gan: Tăng nồng độ bilirubin, transaminase, phosphatase kiềm và lactic dehydrogenase.
  • Phản ứng phụ khác như nhiễm Candida miệng và âm đạo.

Hướng dẫn xử lý tác dụng phụ:

Nếu xảy ra các phản ứng nghiêm trọng, người bệnh nên ngừng dùng thuốc Romapen và áp dụng các biện pháp điều trị khác thích hợp hơn.

Khi bệnh nhân gặp tình trạng co giật hoặc gặp các phản ứng bất lợi trên thần kinh trung ương thì nên cần giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc.

Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy trong hoặc sau khi điều trị bằng thuốc, cần theo dõi sức khỏe và có phương pháp điều trị phù hợp.

4. Thận trọng

Để đảm bảo chất lượng, không trộn lẫn các loại thuốc tiêm khác với Meropenem trong cùng một ống tiêm tĩnh mạch. Không sử dụng nếu thuốc đã thay đổi màu sắc hoặc có biểu hiện không đảm bảo chất lượng.

Thận trọng sử dụng thuốc với trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng do các vi khuẩn Staphylococus đề kháng với thuốc Methicilin.

Cần thận trọng khi kê toa các thuốc kháng sinh cho bệnh nhân có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt là bệnh viêm đại tràng.

Với bệnh nhân bị bệnh gan: Khi sử dụng cho các bệnh nhân bị bệnh gan cần theo dõi chặt chẽ nồng độ transaminase và bilirubin trong máu.

Người bệnh cần thận trọng khi sử dụng đồng thời Romapen với các thuốc có khả năng gây độc trên thận khác.

Sử dụng cho trẻ em: Hiệu quả và sự dung nạp của thuốc đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa được kiểm chứng. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng Meronem cho trẻ dưới 3 tháng tuổi, tránh gặp phải các phản ứng nghiêm trọng.

Phụ nữ mang thai: Đã có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không ghi nhận tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên nghiên cứu lâm sàng chưa đủ dữ liệu chứng minh mức độ an toàn của thuốc đối với con người. Vậy nên, người bệnh không nên sử dụng Meropenem trong thai kỳ, trường hợp cần thiết thì nên có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ.

Phụ nữ cho con bú: Thành phần Meropenem có khả năng bài tiết vào trong sữa mẹ, tuy nhiên với tỷ lệ nồng độ thuốc khá thấp. Cần cân nhắc việc sử dụng thuốc cho các trường hợp này nếu lợi ích mang lại cao hơn rủi ro.

5. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc khi dùng chung với Romapen có thể gây ra tương tác thuốc làm giảm công dụng điều trị hoặc làm tăng phản ứng phụ của Romapen như:

  • Probenecid: Khi dùng chung với Romapen sẽ ức chế sự bài tiết của thuốc qua thận, làm tăng thời gian bán thải và nồng độ meropenem trong huyết tương.
  • Abacavir: Meropenem có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Abacavir, điều này có thể dẫn đến nồng độ huyết thanh trong cơ thể cao hơn.
  • Acenocoumarol: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của chảy máu có thể tăng lên khi Meropenem được kết hợp với Acenocoumarol.
  • Acetazolamide: Acetazolamide có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Meropenem, dẫn đến làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Amiloride: Amiloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết Meropenem, điều này có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Romapen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Romapen là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe