Công dụng thuốc Raxnazole

Thuốc Raxnazole được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Itraconazol. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, nấm,...

1. Công dụng của thuốc Raxnazole

Raxnazole là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là Itraconazol 100mg. Itraconazol là thuốc kháng nấm đường uống, là dẫn xuất triazole với phổ kháng nấm rộng. Các nghiên cứu xác nhận rằng Itraconazol ức chế sự phát triển của nhiều loại vi nấm gây bệnh cho người ở nồng độ từ 0,025-0,8 mcg/ml. Về cơ chế điều trị, Itraconazol gây rối loạn việc tổng hợp Ergosterol - thành phần thiết yếu của màng tế bào nấm. Sự rối loạn quá trình tổng hợp chất này dẫn đến tác dụng kháng nấm của thuốc.

Chỉ định sử dụng thuốc Raxnazole:

  • Điều trị nhiễm nấm Candida ở miệng và họng;
  • Điều trị lang ben, nhiễm nấm ngoài da (nấm da bẹn, da chân, da thân và da kẽ tay);
  • Điều trị nấm móng tay, móng chân;
  • Điều trị nhiễm nấm nội tạng do nấm Cryptococcus, Aspergillus và Candida, Sporothrix, Histoplasma, Paracoccidioides, Blastomyces;
  • Điều trị duy trì ở người bệnh AIDS để phòng ngừa nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát;
  • Đề phòng nhiễm nấm trong thời gian giảm bạch cầu trung tính kéo dài.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Raxnazole:

  • Người quá mẫn với thuốc hoặc thành phần có trong thuốc;
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú (chỉ sử dụng nếu nhiễm nấm nội tạng đe dọa tới tính mạng, lợi ích cao hơn so với nguy cơ);
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc astemizol, cisapride, terfenadin, triazolam và midazolam uống.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Raxnazole

Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc ngay sau khi ăn no, uống trọn viên thuốc 1 lần.

Liều dùng (tính theo viên 100mg):

  • Nhiễm nấm Candida âm hộ - âm đạo: Dùng liều 2 viên/lần x 2 lần/ngày điều trị trong 1 ngày hoặc 2 viên/lần/ngày điều trị trong 3 ngày;
  • Lang ben: Dùng liều 2 viên/lần/ngày, điều trị trong 7 ngày;
  • Nấm ngoài da:
    • Dùng 2 viên/lần/ngày điều trị trong 7 ngày hoặc 1 viên/lần/ngày điều trị trong 15 ngày;
    • Các vùng sừng hóa cao như ở những trường hợp bị nhiễm nấm ở lòng bàn chân, lòng bàn tay thì dùng 2 viên/lần x 2 lần/ngày điều trị trong 7 ngày hoặc 1 viên/lần/ngày điều trị trong 30 ngày;
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng - họng: Dùng liều 1 viên/lần/ngày, điều trị trong 15 ngày;
  • Ở bệnh nhân AIDS, cấy ghép các cơ quan hoặc giảm bạch cầu trung tính: Dùng liều 2 viên/lần/ngày, điều trị trong 15 ngày;
  • Nấm móng: Uống thành 2 - 3 đợt, mỗi đợt 7 ngày, ngày uống 4 viên (sáng 2 viên, chiều 2 viên). Các đợt điều trị cách nhau bằng 3 tuần không dùng thuốc. Hoặc người bệnh có thể điều trị liên tục 2 viên/lần/ngày dùng trong 3 tháng;
  • Nhiễm nấm nội tạng:
    • Nhiễm Aspergillus: Dùng liều 2 viên/lần/ngày, điều trị trong 2 - 5 tháng. Nếu bệnh lan tỏa có thể tăng liều lên thành 2 viên/lần x 2 lần/ngày;
    • Nhiễm nấm Candida: Dùng liều 1 - 2 viên/lần/ngày, điều trị từ 3 tuần tới 7 tháng;
    • Nhiễm nấm Cryptococcus ngoài màng não: Dùng liều 2 viên/lần/ngày, điều trị trong 2 tháng đến 1 năm;
    • Viêm màng não do Cryptococcus: Dùng liều 2 viên/lần x 2 lần/ngày. Nếu điều trị duy trì thì dùng liều 2 viên/lần/ngày;
    • Nhiễm Histoplasma: Dùng liều 2 viên x 1 - 2 lần/ngày, thời gian điều trị trung bình là 8 tháng;
    • Nhiễm Sporothrix schenckii: Dùng liều 1 viên/lần/ngày, điều trị trong 3 tháng;
    • Nhiễm Paracoccidioides brasiliensis: Dùng liều 1 viên/lần/ngày, điều trị trong 6 tháng;
    • Nhiễm Chromomycosis (Cladosporium, Fonsecaea): Dùng liều 1 - 2 viên/lần/ngày, điều trị trong 6 tháng;
    • Nhiễm Blastomyces dermatitidis: Dùng liều 1 viên/lần/ngày hoặc 2 viên/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong 6 tháng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Raxnazole

Một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi dùng thuốc Raxnazole gồm:

  • Thường gặp: Buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu;
  • Ít gặp: Ngứa, nổi mày đay, ngoại ban, phù mạch, rối loạn kinh nguyệt, hội chứng Stevens-Johnson, tăng men gan có hồi phục;
  • Rất hiếm gặp: Giảm kali huyết, quá mẫn và phản ứng dị ứng, bệnh lý thần kinh ngoại biên, choáng váng, suy tim sung huyết, phù phổi.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Raxnazole, người bệnh nên ngay lập tức báo cho bác sĩ để được can thiệp điều trị sớm, hiệu quả.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Raxnazole

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Raxnazole:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Raxnazole ở bệnh nhân có tiền sử bệnh gan hoặc gan bị nhiễm độc bởi thuốc khác;
  • Thận trọng ngừa thai đầy đủ trong suốt chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ đang dùng thuốc Raxnazole;
  • Người có tiền sử bệnh gan hoặc gan bị nhiễm độc bởi thuốc khác: Nên kiểm tra chức năng gan định kỳ khi dùng thuốc Raxnazole dài ngày;
  • Không dùng thuốc Raxnazole ở bệnh nhân suy tim sung huyết hoặc có tiền sử suy tim sung huyết (trừ trường hợp lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ có thể gặp phải). Những người có yếu tố nguy cơ cao là: Mắc bệnh tim, thiếu máu cục bộ, bệnh van tim, bệnh phổi nặng (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), suy thận và các rối loạn phù nề khác. Cần thông báo trước về triệu chứng suy tim sung huyết cho nhóm đối tượng này trong suốt quá trình điều trị với thuốc Raxnazole;
  • Thành phần Itraconazol của thuốc Raxnazole có thể ức chế sự chuyển hóa của thuốc chẹn kênh canxi nên cần thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Raxnazole và thuốc chẹn kênh canxi;
  • Chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về việc dùng thuốc Raxnazole ở bệnh nhi. Không nên dùng thuốc ở trẻ em trừ khi lợi ích cao hơn nguy cơ có thể xảy ra;
  • Nên kiểm tra nồng độ Itraconazol ở huyết tương và điều chỉnh liều dùng thuốc Raxnazole thích hợp ở bệnh nhân suy thận;
  • Ở một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (ghép tạng, AIDS hoặc bệnh bạch cầu), tính khả dụng sinh học của thuốc Raxnazole có thể tăng;
  • Tùy theo tính chất, viên uống Itraconazol không được khuyến nghị điều trị khởi đầu cho bệnh nhân nhiễm nấm nội tạng đang đe dọa tính mạng;
  • Điều trị nhiễm nấm nội tạng ở bệnh nhân AIDS và những bệnh nhân có nguy cơ tái phát: Bác sĩ nên cân nhắc để điều trị duy trì;
  • Thận trọng khi kê đơn thuốc Raxnazole ở người bệnh nhạy cảm với các thuốc thuộc nhóm azole khác;
  • Nếu xảy ra bệnh lý thần kinh có liên quan tới Itraconazol thì nên ngừng dùng thuốc Raxnazole;
  • Nên cân nhắc khi dùng thuốc Raxnazole ở phụ nữ đang cho con bú (tham khảo ý kiến bác sĩ);

5. Tương tác thuốc Raxnazole

Một số tương tác thuốc của Raxnazole gồm:

  • Sự hấp thu của Itraconazol (thành phần chính của thuốc Raxnazole) sẽ giảm đi khi sử dụng đồng thời với các thuốc làm giảm tính acid của dạ dày;
  • Các chất ức chế mạnh enzyme CYP3A4 như ritonavir, indinavir, clarithromycin và erythromycin có thể làm tăng sinh khả dụng của Itraconazol;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời Itraconazol và thuốc chẹn kênh canxi;
  • Nếu điều trị phối hợp với Itraconazol, cần giảm liều các thuốc sau (nếu cần thiết): Thuốc chống đông đường uống, thuốc ức chế protease HIV (ritonavir, indinavir, saquinavir), một số thuốc điều trị ung thư (vinca alkaloids, busulfan, docetaxel và trimetrexate), một số thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, tacrolimus, rapamycin), thuốc ức chế canxi chuyển hóa bởi CYP3A4 (dihydropyridines và verapamil),...

Khi sử dụng thuốc Raxnazole, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh cao nhất và giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe