Công dụng thuốc Rapiclav-375

Rapiclav-375 là một thuốc kết hợp giữa 2 kháng sinh Amoxicillin và Clavulanic acid. Điều này làm tăng khả năng kháng khuẩn và mở rộng phổ kháng khuẩn của thuốc. Thuốc Rapiclav-375 dùng được cho cả người lớn và trẻ em.

1. Thành phần thuốc Rapiclav-375

Rapiclav-375 là một thuốc kháng sinh dùng để điều trị ký sinh trùng. Thuốc có tác dụng chống nhiễm khuẩn, đồng thời kháng virus và kháng nấm rất tốt.

Rapiclav-375 là sự kết hợp hoàn hảo giữa Amoxicillin và Acid clavulanic:

  • Amoxicillin tổn tại ở dạng Amoxicillin trihydrate với hàm lượng 250mg.
  • Acid clavulanic tồn tại ở dạng Kali clavulanat hàm lượng 125mg.

1.1. Hoạt chất Amoxicillin

Amoxicillin là một kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, thuộc nhóm Aminopenicillin.

Amoxicillin tương đối bền vững trong môi trường acid của dịch vị dạ dày. Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sự hấp thu của thuốc trong cơ thể không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Amoxicillin phân bố rất nhanh vào hầu hết các dịch trong cơ thể. Nhờ vậy mà thuốc được ứng dụng trong điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị.

Sau khi uống thuốc khoảng từ 6 đến 8 giờ thì sẽ có 60% liều sử dụng được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu.

So với Benzylpenicillin thì Amoxicillin có phổ tác dụng rộng hơn, thuốc có tác dụng tốt trên cả các trực khuẩn gram âm. Amoxicillin có khả năng ức chế sinh tổng hợp các mucopeptid của thành tế bào vi khuẩn, nhờ đó mà tiêu diệt được các vi khuẩn gây bệnh.

Điều đáng lưu ý ở đây là Amoxicillin không có hoạt tính với tụ cầu kháng Methicillin và những vi khuẩn có tiết penicillinase khác.

Amoxicillin được chỉ định trong điều trị các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bao gồm cả hô hấp trên và hô hấp dưới, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu sinh dục và còn được dùng để điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc...

1.2. Hoạt chất Clavulanic acid

Clavulanic acid cũng là một thuốc kháng sinh thường được dùng kết hợp với Amoxicillin để làm tăng tác dụng diệt khuẩn của thuốc.

Clavulanic Kali hấp thu tốt qua đường uống và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thuốc nên được uống trước bữa ăn sẽ tốt hơn với người bệnh.

Clavulanic acid được đào thải chủ yếu qua nước tiểu ở dạng có hoạt động.

Tác dụng của Clavulanic acid:

  • Ức chế beta-lactamase được sinh ra bởi các vi khuẩn gram âm và Staphylococcus, nhất là các beta-lactamase có truyền qua plasmid để gây nên tình trạng kháng kháng sinh nhóm Cephalosporin và Penicillin.
  • Acid clavulanic kháng khuẩn rất kém. Mục đích kết hợp Acid clavulanic với Amoxicillin trong cùng một thuốc để nhằm mục đích giúp cho Amoxcillin không bị phá hủy bởi các beta-lactamase của vi khuẩn, mặt khác giúp tăng hiệu quả điều trị, mở rộng phổ kháng khuẩn của Amoxicillin.
  • Acid clavulanic có tác dụng trên các vi khuẩn gram dương, vi khuẩn hiếu khí và yếm khí.

Thuốc được dùng trong điều trị một số bệnh lý như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn nặng hệ tiết niệu sinh dục có liên quan đến E Coli, Enterobacter...

2. Thuốc rapiclav 375 có tác dụng gì?

Nhờ sự kết hợp giữa Acid clavulanic và Amoxicillin nên thuốc Rapiclav-375 có khả năng kháng khuẩn rất tốt với phổ kháng khuẩn tương đối rộng.

Thuốc Rapiclav-375 được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm amidan, viêm tai giữa không đáp ứng với các kháng sinh khác, viêm xoang, viêm phế quản phổi có liên quan đến chủng H.influenzae, Branhamella...
  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng ở đường tiết niệu sinh dục do E.coli, Enterobacter như viêm bể thận, viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
  • Chữa viêm nhiễm khuẩn mô mềm và nhiễm khuẩn da gồm mụn nhọt, nhiễm khuẩn các vết thương ngoài da, bị áp xe...
  • Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong các trường hợp bị viêm nhiễm sản phụ khoa, viêm nhiễm trong ổ bụng hay áp xe ổ răng, viêm tủy xương...

Chống chỉ định dùng Rapiclav-375 với:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng thuốc trên bệnh nhân bị mẫn cảm với nhóm Beta-lactam.
  • Người có tiền sử vàng da, rối loạn chức năng gan mật có liên quan đến việc sử dụng thuốc Penicillin, Amoxicillin hay Clavulanate.

3. Tác dụng phụ của thuốc Rapiclav-375

Những tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng Rapiclav-375:

  • Thuốc thường gây triệu chứng tiêu chảy, ngứa và ngoại ban.
  • Các tác dụng phụ ít gặp như buồn nôn, nôn, tăng bạch cầu ái toan, bị vàng da ứ mật, viêm gan hay tăng transaminase.
  • Ngoài ra, khi uống Rapiclav-375 có thể bị phản ứng sốc phản vệ, phù Quincke, thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu hay tiểu cầu, hội chứng Stevens-Johnson, viêm da có bong tróc, hoại tử biểu bì, hay viêm thận kẽ...

4. Liều sử dụng và cách dùng thuốc Rapiclav-375

Liều lượng thuốc:

Rapiclav-375 được sản xuất dưới dạng viên nén bao phim. Khác với các loại thuốc khác, Rapiclav-375 được nhà sản xuất đóng hộp 7 vỉ thuốc, mỗi vỉ chứa 3 viên nén.

Liều dùng của thuốc Rapiclav-375 được quyết định bởi hàm lượng của Amoxicillin có trong thuốc.

Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Điều trị nhiễm khuẩn mức độ nhẹ và vừa: uống Rapiclav-375 2 viên/lần tương đương với 500mg Amoxicillin, mỗi lần cách nhau 12 giờ.
  • Điều trị các nhiễm khuẩn nặng: dùng Rapiclav-375 2 viên/lần tương đương 500mg Amoxicillin, mỗi lần cách nhau 8 giờ.

Với trẻ dưới 6 tuổi có cân nặng dưới 25kg, nên cho trẻ dùng thuốc dạng gói bột pha hoặc hỗn dịch để trẻ có thể dễ sử dụng hơn.

Cách sử dụng thuốc Rapiclav-375:

  • Thuốc dùng dạng đường uống để tăng khả năng hấp thu. Tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh lý để chỉ định dùng thuốc dạng viên, gói hay hỗn dịch.
  • Uống thuốc nên uống đầu bữa ăn để tránh hiện tượng thuốc không dung nạp ở dạ dày.

Để hạn chế những nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn của thuốc, khi dùng Rapiclav-375 cần lưu ý:

  • Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi tăng giảm liều lượng khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa hay những người có chuyên môn về y dược.
  • Thuốc Rapiclav-375 có thể gây tình trạng kéo dài thời gian chảy máu cũng như thời gian Prothrombin nên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng trên những bệnh nhân đang được điều trị bằng các thuốc chống đông.
  • Một vài kết quả nghiên cứu cho thấy Rapiclav-375 làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai nên cần tư vấn kỹ cho bệnh nhân trước khi dùng.
  • Thời gian đào thải của Amoxicillin sẽ bị kéo dài nếu dùng chung với Probenecid nhưng thuốc này lại không gây ảnh hưởng đến Clavulanic.
  • Thận trọng dùng thuốc với người bệnh suy thận, rối loạn chức năng gan.
  • Không dùng thuốc với phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú vẫn có thể dùng thuốc do thuốc không gây hại với trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, do thuốc vẫn có thể tiết qua sữa một lượng nhỏ nên nguy cơ mẫn cảm vẫn có thể xảy ra. Hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng để được tư vấn cụ thể hơn về cách sử dụng thuốc khi cần.
  • Không nên dùng thuốc quá 14 ngày mà không có tái khám và không có hướng dẫn tư vấn từ phía bác sĩ.
  • Nếu bị quên liều, uống ngay khi nhớ ra. Trường hợp sát giờ liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều cũ, không uống liều sau gấp đôi để bù lại liều đã bị quên.
  • Khi bị quá liều thuốc, theo dõi những dấu hiệu bất thường của cơ thể, liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc các trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Các chuyên gia kết luận rằng thuốc có thể được dung nạp tốt ngay cả khi sử dụng vớ liều cao nên ít gây tai biến, tuy nhiên vẫn cần thận trọng với các trường hợp bị quá liều.
  • Bảo quản thuốc đúng theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng thuốc khi đã quá hạn sử dụng.

Hiện nay trên lâm sàng xảy ra tình trạng kháng kháng sinh tương đối nhiều, gây không ít khó khăn cho việc điều trị. Việc tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất không chỉ là điều cần thiết với bệnh nhân mà còn giúp ích rất nhiều cho y, bác sĩ. Vậy nên, bạn không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của các bác sĩ hay những người có chuyên môn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi bạn hay người thân có các vấn đề về sức khỏe để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe