Thuốc Ranitidin được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như viêm loét tá tràng - dạ dày lành tính, trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger - Ellison. Thuốc có mặt hầu hết ở các hệ thống quầy thuốc trên toàn quốc với những dạng viên nén/ viên nang Ranitidin 300mg, 150mg, 75mg, 25mg,...
1. Thuốc Ranitidin là thuốc gì?
Ranitidin thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, kháng acid, chống trào ngược và loét. Thuốc có thành phần chính là Ranitidine (dưới dạng Ranitidin hydroclorid) hàm lượng 50mg/ 2ml, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm đóng theo hộp 5 ống, hộp 10 ống, hộp 20 ống x 2ml.
Thuốc Ranitidin được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày, khó tiêu, loét dạ dày - tá tràng. Thuốc Ranitidin được sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc.
Ranitidin 50mg là dòng thuốc chỉ dùng theo đơn của bác sĩ, dược sĩ và được sử dụng cho đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên.
2. Chỉ định dùng thuốc Ranitidin
Thuốc Ranitidin được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Loét tá tràng - dạ dày lành tính.
- Rối loạn tiêu hóa từng cơn mãn tính.
- Viêm thực quản trào ngược.
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
- Loét sau phẫu thuật
- Phòng ngừa chảy máu dạ dày - ruột, loét do stress do ở người bệnh nặng;
- Phòng xuất huyết tái phát ở người bệnh đã bị loét dạ dày - tá tràng và dự phòng trước khi gây mê toàn thân ở những người bệnh có nguy cơ hít phải acid, điển hình là ở người mang thai đang chuyển dạ.
- Điều trị triệu chứng khó tiêu.
3. Cách dùng thuốc Ranitidin hiệu quả
Cách dùng:
- Thuốc Ranitidin thường được sử dụng theo đường uống, ngoài ra có thể dùng cho đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch/ truyền tĩnh mạch.
Liều dùng thuốc Ranitidin:
- Ðường uống: Dùng 150mg/ lần và dùng ngày 2 lần sáng và tối hoặc có thể dùng 1 liều duy nhất 300mg vào buổi tối. Người bệnh loét dạ dày lành tính và loét tá tràng uống Ranitidin từ 4 đến 8 tuần; với người bệnh viêm dạ dày mạn tính uống Ranitidin Tới 6 tuần; với người bệnh loét do dùng thuốc kháng viêm không steroid, uống thuốc Ranitidin 8 tuần; với người bệnh loét tá tràng, có thể uống thuốc 4 tuần với liều 300mg và ngày uống 2 lần.
- Trẻ em: điều trị loét dạ dày tá tràng, liều 2 - 4 mg Ranitidin/ kg thể trọng, uống 2 lần/ngày, tối đa uống 300mg Ranitidin/ngày.
- Liều dùng duy trì là 150 mg Ranitidin/ngày, uống vào đêm.
- Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng do dùng thuốc kháng viêm không steroid: Uống liều 150mg Ranitidin, ngày dùng 2 lần.
- Ðiều trị trào ngược dạ dày, thực quản: Uống 150mg Ranitidin, 2 lần 1 ngày hoặc 300mg Ranitidin 1 lần vào đêm, thời gian điều trị kéo dài từ 8 tới 12 tuần. Khi đã kiểm soát được bệnh có thể duy trì liều dùng dài ngày uống 150mg Ranitidin ngày 2 lần.
- Ðiều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Uống 150mg Ranitidin, ngày dùng 3 lần. Liều dùng tối đa đến 6g/ngày, chia làm nhiều lần.
- Ðể giảm acid dạ dày trong sản khoa: Sử dụng 150mg Ranitidin ngay lúc chuyển dạ, sau đó cứ cách 6 giờ dùng 1 lần; trong phẫu thuật: tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 1 liều 50mg Ranitidin, trước khi gây mê 45 - 60 phút hoặc cho uống liều 150mg Ranitidin trước khi gây mê 2 giờ và nếu có thể, uống 150mg Ranitidin cả vào tối hôm trước.
- Tiêm bắp thịt: Tiêm 50 mg Ranitidin cứ 6 - 8 giờ tiêm 1 lần.
- Tiêm tĩnh mạch chậm: Tiêm 50 mg Ranitidin, hòa tan thành 20 ml dung dịch, tiêm chậm trong tối thiểu 2 phút, cứ khoảng 6 đến 8 giờ tiêm nhắc lại 1 lần.
- Truyền tĩnh mạch: Liều 25mg Ranitidin/giờ, truyền trong 2 giờ; cứ 6 - 8 giờ, có thể truyền nhắc lại.
- Ðề phòng xuất huyết khi loét dạ dày do stress ở các người bệnh nặng: Ðầu tiên tiêm tĩnh mạch chậm liều 50mg Ranitidin Như trên, rồi truyền liên tục liều 125 - 250 microgam/kg/giờ. Sau đó có thể cho uống ngày 2 lần, mỗi lần 150mg Ranitidin khi người bệnh đã ăn được.
4. Làm gì khi dùng quá liều, quên liều thuốc?
Thuốc Ranitidin hấp thu khá tốt và hầu như không quá nguy hiểm khi dùng quá liều. Hiện tại, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu khi bị ngộ độc Ranitidin, trường hợp quá liều sẽ điều trị hỗ trợ và triệu chứng như sau:
- Co giật: Dùng diazepam.
- Chậm nhịp tim: Tiêm atropin.
- Loạn nhịp thất: Tiêm lidocain.
Người bệnh cần được theo dõi và khống chế các tác dụng phụ không mong muốn. Trường hợp cần thiết sẽ dùng phương pháp thẩm tách máu để loại thuốc khỏi huyết tương.
Thuốc chỉ sử dụng khi cần thiết và theo lịch trình dùng thuốc theo bác sĩ kê vì thế trường hợp quên liều gần như không xảy ra.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Ranitidin?
Không được sử dụng cho người bệnh quá mẫn với Ranitidine hoặc với bất cứ thành phần hoạt chất nào có trong thuốc.
6. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Ranitidin điều trị
Trong quá trình sử dụng thuốc Ranitidin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn xảy ra như:
- Viêm tụy cấp.
- Đau khớp, đau cơ.
- Quá mẫn cảm, lú lẫn.
- Toàn thân: Yếu mệt, đau đầu, chóng mặt.
- Tiêu hóa: Tiêu chảy.
- Da: Ban đỏ, nổi mẩn ngoài da, ngứa, đau ở chỗ tiêm, Ban đỏ đa dạng
- Giảm bạch cầu, huyết cầu và tiểu cầu; mất bạch cầu hạt.
- Gan: Tăng men transaminase, viêm gan hồi phục đôi khi có vàng da.
- Các phản ứng quá mẫn như co thắt phế quản, mề đay, sốt choáng phản vệ, đau khớp, phù mạch đau cơ.
- Tim mạch: Hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, blốc nhĩ thất, suy tâm thu sau khi tiêm nhanh.
- Nội tiết: To vú ở đàn ông.
- Mắt: Rối loạn điều tiết mắt.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Ranitidin, người bệnh cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
7. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Ranitidin
Người bệnh trước khi sử dụng thuốc Ranitidin cần tham khảo thật kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc chỉ định từ bác sĩ, dược sĩ. Ngoài ra có thể tham khảo thêm một số thận trọng khi dùng thuốc điều trị như sau:
- Thận trọng khi dùng Ranitidin trên những người bệnh bị suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp vì có nguy cơ tăng các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc.
- Người có bệnh tim có nguy cơ chậm nhịp tim nếu dùng Ranitidin.
- Điều trị với thuốc Ranitidin có thể che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày và làm chậm chẩn đoán bệnh này. Do đó, trước khi dùng thuốc người bệnh cần được loại trừ khả năng bị ung thư trước khi điều trị.
- Thận trọng dùng Ranitidin cho người bị suy thận, do đã có dữ liệu Ranitidin được đào thải qua thận. Vì thế để tránh nồng độ huyết tương tăng cao nên sử dụng liều dùng thấp nhất là 25mg vào các buổi tối và dùng duy trì 4 đến 8 tuần.
- Không dùng Ranitidin cho người có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Thuốc Ranitidin 50mg có thể gây đau đầu và chóng mặt. Vì thế không dùng thuốc khi gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn nào của thuốc nhất là khi đang lái xe và vận hành máy móc.
- Ranitidin tiết được qua nhau thai, nhưng trên thực tế thì liều điều trị không thấy tác hại đến thai nhi hay quá trình sinh đẻ. Tuy nhiên vẫn nên thật cẩn thận khi dùng Ranitidin trên phụ nữ mang thai.
- Đã có báo cáo Ranitidin bài tiết qua sữa mẹ vì thế không khuyến cáo sử dụng thuốc khi đang cho con bú, chỉ dùng khi cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ.
8. Tương tác thuốc Ranitidin
Ranitidin khi dùng chung với một số loại thuốc sau có thể gây tình trạng tương tác như:
- Thuốc Ranitidin dùng chung với Glipizid có thể làm hạ đường huyết hoặc Cimetidin cũng gây hạ đường huyết nhưng dường như không nhiều.
- Ranitidin kết hợp dùng chung với các thuốc chống đông máu như Propranolol, Cumarin, Diazepam, Theophylin gây ức chế rất ít sự chuyển hóa ở gan. Ái lực của Ranitidin với men cytochrom P450 vào khoảng 10% so với Cimetidin và mức độ ức chế men gan ít hơn cimetidin 2 - 4 lần.
- Khi dùng phối hợp các kháng sinh Quinolon với Ranitidin thì hầu hết các kháng sinh này không bị ảnh hưởng, riêng có Enoxacin bị giảm sinh khả dụng khi dùng cùng với Ranitidin, tuy nhiên không quan trọng về mặt lâm sàng.
- Khi dùng Fluconazol, Ketoconazol và Itraconazol với Ranitidin thì các thuốc trên bị giảm hấp thu do Ranitidin làm giảm tính acid trong dạ dày.
- Khi dùng Theophylin phối hợp với Ranitidin thì nồng độ Theophylin trong huyết thanh và độc tính tác dụng rất ít.
- Ranitidin dùng chung với Clarithromycin sẽ làm tăng nồng độ Ranitidin trong huyết tương khoảng 57%.
- Kết hợp với Propanthelin bromid làm tăng nồng độ đỉnh của Ranitidin trong huyết thanh và chậm hấp thu, có thể nguyên nhân do làm chậm sự chuyển vận thuốc qua dạ dày.
- Dùng kết hợp Ranitidin với thức ăn hoặc với một liều thấp các thuốc kháng acid không thấy giảm hấp thu hay nồng độ đỉnh trong huyết tương của Ranitidin.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Ranitidin. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Ranitidin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.