Thuốc Rabe-g là một loại thuốc có tác dụng làm giảm bài tiết acid dịch vị, giúp làm giảm các triệu chứng ở đường tiêu hoá do tăng acid dịch vị và mau chóng lành vết loét trong đường tiêu hoá.
1. Thuốc Rabe-g là thuốc gì?
Thuốc Rabe-g có thành phần chính là Rabeprazol natri 20mg, bào chế dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột. Rabeprazole là thuốc nhóm ức chế H+, K+ - ATPase( ức chế bơm proton). Thuốc Rabeprazole sodium ức chế bài tiết acid dạ dày sau khi được kích thích bởi các tác nhân như dibutyl cyclic AMP trong các tuyến dạ dày, histamine hoặc pentagastrin trên động vật. Sự đảo ngược hoạt động chống bài tiết của Rabeprazole sodium đáp ứng nhanh hơn và sự tăng mức gastrin trong máu của Rabeprazole sodium thấp hơn các chất ức chế bơm proton khác. Rabeprazole sodium đã chứng tỏ có tác dụng chống loét mạnh đối với nhiều loại vết loét và giúp cải thiện các vết thương trên niêm mạc dạ dày thực nghiệm (stress do nhiễm lạnh, stress do bị nhúng trong nước, co thắt môn vị, dùng cysteamine hoặc ethanol-HCl).
2. Thuốc Rabe-g có tác dụng gì?
Nhờ tác dụng giảm bài tiết dịch vị và chống loét mà thuốc Rabe-g được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Loét dạ dày, loét tá tràng, loét miệng nối.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
Chống chỉ định: Không dùng cho người quá mẫn với thành phần của thuốc hay các dẫn xuất của benzimidazole.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Rabe-g
Cách dùng: Thuốc được uống với nước. Viên nén bao phim tan trong ruột khi dùng nên người bệnh cần được nuốt nguyên viên. Cần chú ý, người bệnh không được nhai, nghiền hoặc bẻ viên thuốc. Thuốc Rabe-g có thể được dùng kèm hoặc không kèm với thức ăn. Tốt nhất nên dùng thuốc trước ăn hay trước khi đi ngủ để giảm tiết acid dịch vị do bữa ăn hay ban đêm.
Liều dùng:
Đối với người lớn:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Uống 1 viên 20 mg ngày 1 lần, trong vòng 4-8 tuần, có thể dùng thêm sau khi uống 8 tuần khi cần.
- Loét tá tràng hay loét dạ dày 1 viên 20 mg ngày 1 lần uống trong vòng 4 tuần. Phần lớn bệnh nhân lành vết loét tá tràng trong vòng 4 tuần sử dụng thuốc. Một vài bệnh nhân có thể cần thêm một đợt điều trị nữa để làm lành vết loét.
- Hội chứng Zollinger-Ellison khởi đầu với liều 60mg ngày 1 lần, chỉnh liều theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm Helicobacter pylori: Tùy từng phác đồ mà có sự phối hợp liều dùng khác nhau.
Trẻ em: Không dùng thuốc này cho trẻ em, vì chưa có kinh nghiệm và chưa biết mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
Bệnh nhân suy gan: cần chỉnh liều phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Rabe-g
Khi dùng thuốc Rabe-g bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm:
- Suy nhược, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi;
- Phản ứng dị ứng như nổi mẩn, nổi mày đay, ngứa...
- Đau ngực vùng dưới xương ức, cứng cổ, nhạy cảm ánh sáng;
- Rối loạn tiêu hóa, khô miệng, ợ hơi, xuất huyết trực tràng, đại tiện phân đen, bụng chướng, chán ăn, sỏi mật, viêm loét miệng lợi, viêm lưỡi, viêm túi mật;
- Tăng cảm giác ngon miệng;
- Viêm đại tràng, viêm thực quản, viêm tụy cũng có thể gặp;
- Thay đổi các chỉ số huyết học, ảnh hưởng đến chức năng gan.
Khi dùng thuốc nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ, hãy theo dõi và báo ngay với bác sĩ nếu tác dụng phụ kéo dài hay nghiêm trọng.
5. Chú ý khi dùng thuốc Rabe-g
Trước khi dùng thuốc bạn cần hiểu rõ về công dụng, thành phần, đồng thời báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng và các bệnh lý đi kèm.
Do thuốc khi uống có thể làm giảm các triệu chứng, chậm thời gian chẩn đoán bệnh lý ác tính. Cho nên, trước khi dùng thuốc bạn cần phải loại trừ khả năng mắc bệnh lý ác tính tại dạ dày.
Thận trọng khi dùng thuốc:
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Do chưa rõ ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi hay trẻ bú mẹ, cho nên người bệnh mang thai hay cho con bú chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ và đã được cân nhắc kỹ yếu tố có lợi và nguy cơ cho thai nhi hay trẻ bú mẹ.
- Người mắc bệnh suy gan: Đối với những người suy gan do thuốc chuyển hoá qua gan nên hết sức thận trọng khi dùng.
Điều trị với các thuốc ức chế bơm proton, bao gồm cả rabeprazole có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do giảm độ pH dạ dày, tăng nhiễm các loại vi khuẩn như Salmonella, Campylobacter và Clostridium difficile. Chú ý đến chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Tương tác thuốc Rabe-g với các thuốc khác:
- Thận trọng khi dùng đồng thời Rabeprazole với những thuốc như Digoxin. Khi dùng thuốc Rabeprazole cơ thể giảm sản xuất acid dịch vị nên độ pH dạ dày tăng lên. Vì nồng độ trong máu của digoxin có thể tăng lên do mức độ hấp thu của digoxin tăng và khi độ pH dạ dày tăng. Từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc Digoxin cho người bệnh, cho nên cần chú ý sự phối hợp này.
- Phenytoin: Đã có báo cáo ghi nhận việc sử dụng hợp chất đồng đẳng với Rabeprazole (omeprazole) đã làm kéo dài chuyển hóa và bài tiết của phenytoin.
- Dùng chung thuốc Rabe-g với ketoconazole hoặc itraconazole: Có thể giảm sự hấp thu thuốc ketoconazole hoặc itraconazole. Vì vậy, nếu dùng chung có thể cần giám sát điều chỉnh liều ketoconazole hoặc itraconazole.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng có thể xảy ra tương tác với các thuốc khác. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất hay thông báo với bác sĩ về các thuốc bạn đang dùng
Bảo quản: Thuốc nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 25 độ C. Tránh xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng, với những thông tin trên bạn đã biết công dụng của thuốc Rabe-g, liều dùng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi dùng thuốc. Đây là một loại thuốc kê đơn và được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Bạn cần tuân thủ việc điều trị đúng hướng dẫn và không tự ý sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.