Quadrocef được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, thành phần chính là cefepim 1g. Thuốc được sử dụng trong điều trị các loại nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, tiết niệu, da-cấu trúc da, khoang bụng, đường mật, phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, sốt giảm bạch cầu, viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em.
1. Quadrocef là thuốc gì?
Quadrocef là thuốc gì? Quadrocef được đóng dưới dạng bột pha tiêm, có thành phần chính là cefepim 1g, nằm trong nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm.
Thuốc Quadrocef được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, đường tiểu, da-cấu trúc da, khoang bụng, đường mật, phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, nó còn được dùng trong điều trị chứng sốt giảm bạch cầu và viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em.
2. Liều lượng - Cách dùng thuốc Quadrocef
Thời gian điều trị bằng Quandrocef thường kéo dài từ 7-10 ngày, Liều dùng được chia như sau:
- Người lớn và trẻ > 40kg: Nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình dùng liều 0.5-1g/12 giờ, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Nhiễm khuẩn nặng dùng liều 2g/12 giờ, tiêm tĩnh mạch; nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng dùng liều 2g/8 giờ, tiêm tĩnh mạch.
- Với trẻ từ 40kg trở xuống dùng liều 50mg/kg, mỗi 8-12 giờ
- Trẻ < 2 tháng tuổi dùng liều 30mg/kg, mỗi 8-12 giờ
Lưu ý: Liều dùng của trẻ em không được vượt quá liều khuyến cáo cho người lớn. Và cần điều chỉnh liều với bệnh nhân suy thận có ClCr < 50ml/phút.
3. Chống chỉ định của thuốc Quadrocef
Quadrocef được chống chỉ định với người bị quá mẫn với cefepime hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin, penicillin hay b-lactam khác. Người suy thận, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ < 2 tháng tuổi cũng không được dùng thuốc.
4. Tác dụng phụ thuốc Quadrocef
Thuốc Quadrocef có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị gồm:
- Dị ứng gồm nổi mẩn, ngứa, mề đay, ban đỏ
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, táo bón
- Nhiễm candida miệng
- Viêm đại tràng giả mạc
- Viêm tại chỗ tiêm truyền
- Nhức đầu, sốt
- Giãn mạch
- Khó thở, choáng váng
- Dị cảm, ngứa ở đường sinh dục
- Rối loạn vị giác
Lạnh run, sốc phản vệ và co giật là những tác dụng phụ rất hiếm gặp khi dùng Quandrocef.
5. Tương tác thuốc Quandrocef
Quadrocef có thể gây ra một số tương tác thuốc sau khi kết hợp với các loại thuốc khác:
- Làm tăng độc tính trên tai và thận khi dùng với aminoglycosid liều cao
- Làm tăng độc tính trên thận khi dùng với thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid
- Nguy cơ xảy ra tương tác thuốc khi dùng với metronidazol, vancomycin, gentamicin, tobramycin sulfat, netilmicin sulfat, aminophylin. Nếu có chỉ định dùng chung, cần phải tách thời gian riêng biệt.
6. Quá liều thuốc Quandrocef xử trí như thế nào?
Triệu chứng quá liều Quandrocef có thể bao gồm lú lẫn, ảo giác, hôn mê, giật rung cơ, động kinh, kích thích thần kinh cơ, động kinh không co giật. Quá liều thường xảy ra với người suy thận dùng liều cao. Khi người bệnh dùng thuốc quá liều cần được theo dõi cẩn thận, thẩm tách máu có thể được sử dụng để loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể.
Thuốc Quadrocef được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, thành phần chính là cefepim 1g. Thuốc được sử dụng trong điều trị các loại nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, tiết niệu, da-cấu trúc da, khoang bụng, đường mật, phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, sốt giảm bạch cầu, viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và các nhân viên y tế.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.