Thuốc Phulora được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Loratadin. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số triệu chứng bệnh lý của viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng,...
1. Phulora là thuốc gì?
1 viên thuốc Phulora có chứa 10mg Loratadin và các tá dược khác. Loratadin là thuốc kháng histamin 3 vòng mạnh với tác dụng kéo dài, có hoạt tính đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ở ngoại biên, không có tác dụng làm dịu trên thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, Loratadin còn có tác dụng chống ngứa và nổi mề đay liên quan tới histamin. Tuy nhiên, Loratadin không có tác dụng bảo vệ hoặc trợ giúp lâm sàng đối với những trường hợp giải phóng histamin nặng (như choáng phản vệ).
Thuốc Loratadin không có tác dụng an thần (ngược với tác dụng phụ an thần của các loại thuốc kháng histamin thế hệ 1).
Chỉ định sử dụng thuốc Phulora: Điều trị triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Viêm mũi dị ứng: Các triệu chứng phổ biến gồm ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi;
- Viêm kết mạc dị ứng: Các triệu chứng phổ biến gồm ngứa mắt và nóng mắt;
- Triệu chứng mề đay và các rối loạn dị ứng da.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Phulora:
- Người bị quá mẫn cảm hoặc dị ứng với thành phần, hoạt chất của thuốc;
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Phulora
Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc với nước, không nên nhai hoặc nghiền nát viên thuốc.
Liều dùng:
- Người từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 1 viên/lần/ngày;
- Trẻ em từ 6 - 12 tuổi:
- Cân nặng từ 30kg trở lên: Dùng liều 1 viên/lần/ngày;
- Cân nặng dưới 30kg: Dùng liều 1⁄2 viên/lần/ngày;
- Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Dùng liều 1⁄2 viên/ngày hoặc 1 viên/lần mỗi 2 ngày.
Quên liều, quá liều: Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đủ liều. Nếu quá liều hoặc quên liều, bệnh nhân nên xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc bù liều.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Phulora
Khi sử dụng thuốc Phulora, người dùng cần lưu ý tới một số vấn đề sau:
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, mạch nhanh, ngất xỉu, tăng cảm giác thèm ăn và rối loạn tiêu hóa. Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để được tư vấn về biện pháp can thiệp xử trí phù hợp nhất;
- Thận trọng: Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Phulora ở người bệnh suy gan hoặc suy thận. Tốt nhất không nên dùng thuốc ở bà mẹ mang thai và đang cho con bú;
- Tương tác thuốc: Khi sử dụng đồng thời với Phulora, các thuốc Cimetidine, erythromycin, fluconazole, ketoconazole, quinidine, fluoxetine có thể làm tăng nồng độ loratadine trong máu.
Trong quá trình sử dụng thuốc Phulora, người bệnh nên tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn và chỉ định chi tiết của bác sĩ nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao, hạn chế các tác dụng phụ bất lợi.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.