Thuốc Oramep được chỉ định kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập trong điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Oramep qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Oramep
Thuốc Oramep bào chế dưới dạng viên nén chứa hoạt chất Glimepiride 2mg. Tác dụng thuốc Oramep là phối hợp với chế độ ăn uống và luyện tập trong điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
2. Cơ chế tác dụng
Hoạt chất Glimepiride thuộc nhóm Sulfonylurea, được chỉ định trong điều trị đái tháo đường tuýp 2. Cơ chế tác dụng của Glimepiride là kích thích giải phóng Insulin từ các tế bào bêta của đảo Langerhans ở tụy tạng. Tương tự như các thuốc thuộc nhóm Sulfonylurea khác, Glimepiride có hiệu lực tăng lên đối với tác nhân kích thích là glucose. Ngoài ra, Glimepiride còn có tác dụng ngoài tuyến tụy hay còn được gọi là cơ chế tác động kép.
Tác dụng trên sự giải phóng Insulin của Glimepiride và các thuốc nhóm Sulfonylurea: Tác dụng điều hòa sự bài tiết Insulin thông qua cơ chế đóng kênh Kali lệ thuộc ATP ở các màng tế bào Bêta. Kênh Kali bị đóng sẽ gây khử cực màng, tăng di chuyển Calci vào trong tế bào (do mở kênh Calci), từ đó kích thích sự giải phóng Insulin ra khỏi tế bào. Glimepiride liên kết và phóng thích nhanh với protein ở màng tế bào bêta.
Tác dụng ngoài tuyến tụy: Các tác dụng ngoài tuyến tụy của Glimepiride như cải thiện sự nhạy cảm của tế bào mô ngoại biên với Insulin, làm giảm sự thu hồi Insulin ở gan. Quá trình thu hồi glucose trong máu bởi các tế bào cơ, tế bào mỡ được thực hiện thông qua trung gian các protein chuyên chở của màng tế bào. Glimepiride làm tăng số lượng chất chuyên chở chủ động trong màng tế bào cơ và tế bào mỡ, tăng hoạt động của phospholipase C chuyên biệt của glucosylphosphatidylinositol. Glimepiride ức chế tạo glucose tại gan thông qua cơ chế làm tăng nồng độ trong tế bào của fructose 2,6 – diphosphat (hoạt chất có tác dụng ức chế sự tân tạo glucose).
Tác dụng chung: Ở người khỏe mạnh, liều thuốc Glimepiride có hiệu quả là 0,6mg. Hiệu lực của thuốc phụ thuộc vào liều dùng, đáp ứng sinh lý với tăng vận động đột ngột có thể xảy ra khi điều trị bằng Glimepiride.
3. Liều dùng của thuốc Oramep
Oramep thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng và khả năng đáp ứng của người bệnh.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Oramep ở người trưởng thành như sau:
- Liều thuốc khởi đầu ở người bệnh chưa được điều trị trước đó là 1 – 2mg/ngày. Đối với người bệnh suy dinh dưỡng, suy nhược hoặc người cao tuổi, suy thận, suy gan liều thuốc khuyến cáo là 1mg/ngày. Đối với người bệnh đã từng được điều trị bằng thuốc điều trị đái tháo đường trước đó, liều dùng Oramep khuyến cáo là 1 – 2mg/ngày, liều tối đa không quá 2mg/ngày;
- Liều thuốc duy trì: 1 – 4mg/ngày. Liều thuốc nên được tăng từ từ, mỗi lần tăng liều dùng không quá 2mg/ngày, cách quãng 1 – 2 tuần. Liều dùng duy trì tối đa không quá 8mg/ngày.
Thuốc Oramep được dùng bằng đường uống, nên uống thuốc trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày.
Người bệnh cần lưu ý liều dùng Oramep trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều thuốc cụ thể cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng chỉ định bởi bác sĩ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Oramep
Thuốc Oramep có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Hạ đường huyết với các triệu chứng đói cồn cào, nhức đầu, nôn, buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bứt rứt, giảm linh hoạt, trầm cảm, rối loạn lời nói, mất ngôn ngữ, giảm phản ứng, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn cảm giác, liệt nhẹ, chóng mặt, mất tự chủ, mất tri giác dẫn đến hôn mê, thở cạn và nhịp tim chậm;
- Ít gặp: Triệu chứng điều hòa đối giao cảm như da ẩm lạnh, toát mồ hôi, nhịp tim nhanh, lo lắng, huyết áp tăng, đau thắt ngực, hồi hộp, loạn nhịp tim;
- Trên mắt: Thường xảy ra trong thời gian đầu điều trị, rối loạn thị giác tạm thời do thay đổi đường huyết;
- Trên đường tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, tức hoặc đầy vùng thượng vị, tiêu chảy, đau bụng, tăng men gan, suy giảm chức năng gan;
- Trên huyết học: Giảm tiểu cầu nhẹ hoặc trung bình.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian điều trị bằng thuốc Oramep.
5. Chống chỉ định của thuốc Oramep
Chống chỉ định sử dụng thuốc Oramep trong những trường hợp sau:
- Người bệnh quá mẫn với Glimepiride, thuốc thuộc nhóm Sulfonylure hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Oramep;
- Người bệnh đái tháo đường tuýp 1 (phụ thuộc insulin), nhiễm toan ceton và hôn mê do đái tháo đường;
- Người bệnh suy thận, suy gan nặng;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Phụ nữ đang cho con bú.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Oramep
- Lưu ý triệu chứng hạ đường huyết khi điều trị bằng Oramep.
- Mất kiểm soát glucose có thể xảy ra ở người bệnh đã điều trị ổn định bằng chế độ đái tháo đường nhưng có các yếu tố gây stress như chấn thương, sốt, nhiễm trùng, phẫu thuật..
- Đã có báo cáo về phản ứng dị ứng khi điều trị bằng Glimepiride bao gồm phù mạch, quá mẫn, hội chứng Stevens – Johnson. Người bệnh cần ngưng sử dụng Glimepiride ngay khi nghi ngờ có phản ứng dị ứng.
- Đã có báo cáo về nguy cơ thiếu máu tan máu ở người bệnh thiếu hụt hoặc không thiếu hụt glucose – 6 phosphat dehydrogenase (G6PD).
- Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch tăng lên khi điều trị bằng thuốc hạ glucose máu đường uống so với chế độ ăn kiêng đơn thuần hoặc chế độ ăn kiêng kết hợp với Insulin.
- Không nên điều trị bằng Glimepiride ở người bệnh có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp glalactose, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu hụt enzyme lactase toàn phần.
7. Tương tác thuốc
Tác dụng hạ đường huyết của Oramep tăng lên khi sử dụng phối hợp với các thuốc sau: Chloramphenicol, Insulin, thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống, dẫn xuất Coumarin, Miconazol, thuốc ức chế men MAO, Phenylbutazol, thuốc chẹn Beta – blocker.
Tác dụng hạ đường huyết của Oramep giảm đi khi sử dụng phối hợp với các thuốc sau: Thuốc lợi tiểu, Acetazolamide, Phenytoin, Barbiturat, glucagons.
Reserpin, Clonidine, thuốc kháng histamin H2, rượu làm thay đổi tác dụng điều trị của Glimepiride.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Oramep, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Oramep.