Optafein là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid NSAID. Để biết thêm thông tin chi tiết về công dụng và chỉ định dùng thuốc Optafein, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Thành phần và dạng bào chế thuốc Optafein
Thành phần trong thuốc bao gồm:
- Acetaminophen;
- Caffeine;
- Tá dược vừa đủ khác.
Dạng bào chế: Thuốc Optafein được bào chế dưới dạng viên bao phim.
2. Chỉ định dùng thuốc Optafein
Thuốc Optafein được dùng để điều trị làm giảm các cơn đau từ nhẹ cho đến đau trung bình như:
- Đau đầu;
- Đau nhức răng;
- Viêm xoang;
- Đau nhức các khớp;
- Đau bụng kinh;
- Cảm lạnh.
3. Cơ chế tác dụng thuốc Optafein
Optafein được hình thành bởi 2 thành phần chính là Acetaminophen và caffeine. Do đó, cơ chế tác dụng của optafein là cơ chế của 2 thành phần này:
- Acetaminophen hay N - acetyl - p - aminophenol:
Là chất chuyển hoá có hoạt tính của Phenacetin, thuốc giảm đau, hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế Aspirin. Tuy vậy, khác với Aspirin, Acetaminophen không có hiệu quả điều trị viêm. Với liều ngang nhau tính theo gam, Acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như Aspirin. Acetaminophen với liều điều trị ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid - base, không gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng Salicylat, vì thuốc không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương.
Là hoạt chất thuộc dẫn xuất xanthin được chiết từ cà phê, ca cao hoặc tổng hợp từ acid uric. Caffeine có tác dụng rõ trên thần kinh trung ương. Hoạt chất caffeine hấp nhanh qua đường uống và đường tiêm, sinh khả dụng qua đường uống đạt trên 90%. Thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau khi uống khoảng 1 giờ. Thuốc có thời gian bán thải từ 3 - 7 giờ và được thải trừ qua nước tiểu. Caffeine kích thích ưu tiên trên vỏ não làm giảm các cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, tăng hưng phấn vỏ não, tăng cảm nhận các giác quan nên khả năng làm việc minh mẫn hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng caffein liên tục và kéo dài thì sau giai đoạn hưng phấn là ức chế, nặng hơn là gây cơn giật rung.
Dược chất caffeine giúp kích thích tim đập nhanh, tăng lưu lượng tim và mạch vành nhưng tác dụng kém hơn Theophylin.
Ngoài ra, caffeine còn kích thích trung tâm hô hấp, làm giãn phế quản và mạch phổi. Tác dụng này càng rõ khi trung tâm hô hấp bị ức chế. Đồng thời cũng làm giảm nhu động ruột, gây táo bón; tăng tiết dịch vị; giãn cơ trơn mạch máu, mạch vành, cơ trơn phế quản và cơ trơn tiêu hoá; giãn mạch thận, tăng sức lọc cầu thận; giảm tái hấp thu Na+ nên có tác dụng lợi tiểu; tăng hoạt động của cơ vân, tăng chuyển hoá.
4. Liều lượng - Cách dùng thuốc Optafein
Liều dùng Optafein:
- Liều dùng cho người lớn: Uống từ 1 - 2 viên/ lần, mỗi 6 giờ khi còn triệu chứng đau. Bệnh nhân tuyệt đối không dùng quá 8 viên/ ngày.
- Liều dùng cho trẻ dưới 12 tuổi: Thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ và nên dùng các dược phẩm chứa hàm lượng Acetaminophen nhỏ hơn, dạng bột pha hoặc hỗn dịch uống,...
Cách dùng Optafein:
- Uống thuốc Optafein với một cốc nước đầy. Vì thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể dùng cùng bữa ăn hoặc trước hay sau bữa ăn.
Lưu ý:
- Không được dùng thuốc Optafein quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ em. Trong trường hợp dùng thuốc Optafein mà bệnh không thuyên giảm thì cần khám với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Khi dùng thuốc Optafein quá liều cần nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời: Bệnh nhân cần được uống than hoạt liều 50g đối với người lớn, 1g/ kg cân nặng đối với trẻ nhỏ hoặc tiến hành rửa dạ dày ngay khi có thể, thời điểm tốt nhất là trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc. Bệnh nhân cần được nhanh chóng kiểm tra nồng độ Acetaminophen trong huyết tương. Nếu nồng độ cao quá mức thì tiêm tĩnh mạch hoặc uống N-acetylcystein trong vòng 36 giờ kể từ khi uống Paracetamol. Trong trường hợp không có thuốc N-acetylcystein có thể dùng Methionin. Trường hợp nặng hơn bệnh nhân cần được lọc máu, đồng thời điều trị triệu chứng, biến chứng nếu có.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Optafein
Thuốc Optafein không dùng cho các trường hợp sau:
- Với đối tượng là phụ nữ có thai hay đang cho con bú, tuyệt đối không dùng thuốc quá 10 ngày để giảm đau hoặc nhiều hơn 3 ngày để hạ sốt trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân có dị ứng hay mẫn cảm với Acetaminophen hoặc bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Người bệnh bị thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase.
- Thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa của gan nên không dùng với đối tượng có suy gan nặng.
6. Tương tác Optafein với thuốc khác
- Thuốc chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion khi dùng cùng Optafein sẽ làm tăng tác dụng của thuốc chống đông.
- Chất kích thích, cồn, rượu khi dùng đồng thời với Optafein làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
- Thuốc chống co giật Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin có thể làm tăng tác hại của Acetaminophen đối với gan.
- Thuốc Phenothiazine hoặc liệu pháp hạ nhiệt khác khi dùng kết hợp với Optafein làm tăng tác dụng hạ sốt quá mức.
7. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Optafein
Khi dùng thuốc Optafein kéo dài, liều cao có thể làm suy tế bào gan, nổi mẩn da và các phản ứng dị ứng khác.
Các triệu chứng phụ hay gặp khác có thể kể đến như:
- Mất ngủ;
- Mệt mỏi;
- Bồn chồn;
- Nôn;
- Kích ứng dạ dày.
Optafein là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid để điều trị các chứng đau từ nhẹ đến trung bình. Vì Optafein là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.