Thuốc Onglyza là một thuốc thuộc nhóm chống đái tháo đường mới, hoạt động dựa theo cơ chế làm ức chế men phân hủy hai hormon tự nhiên trong cơ thể, được tiết ra sau khi ăn, nhằm làm giảm lượng glucose mau. Dùng thuốc này làm kéo dài tác dụng hạ đường huyết sau ăn hay sau dùng đường.
1. Thuốc Onglyza có tác dụng gì?
Thuốc Onglyza có tác dụng gì? Thuốc Onglyza có thành phần là Saxagliptin, bào chế dạng viên nén bao phim 2,5 mg và 5mg.
Hoạt chất Saxagliptin thuộc nhóm thuốc ức chế enzym DPP. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường týp 2, khi sử dụng Onglyza sẽ ức chế hoạt tính enzym DPP - 4 trong 24 giờ. Sau khi sử dụng nghiệm pháp glucose qua đường uống hoặc sau bữa ăn, sự ức chế DPP - 4 sẽ làm tăng 2 - 3 lần nồng độ hormone GLP - 1 và GIP có hoạt tính trong máu, hai hormon này làm giảm nồng độ glucagon máu và tăng sự phóng thích insulin lệ thuộc glucose từ tế bào beta của tuyến tụy.
Sự tăng nồng độ insulin và giảm nồng độ glucagon có liên quan đến việc làm giảm nồng độ glucose lúc đói và giúp giảm glucose sau khi uống glucose hay sau một bữa ăn.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Onglyza
Chỉ định:
Thuốc Onglyza được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Đơn trị liệu để hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và luyện tập nhằm giúp kiểm soát glucose trong máu ở bệnh nhân độ tuổi trưởng thành bị đái tháo đường týp 2.
- Có thể dùng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát đường huyết bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Chống chỉ định:
Thuốc Onglyza chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với hoạt chất Saxagliptin hay bất kỳ thành phần tá dược nào.
- Không nên sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường týp 1 hoặc nhiễm keto - acid do đái tháo đường, vì thuốc không có hiệu quả trên những đối tượng này.
3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Onglyza
Cách dùng: Thuốc Onglyza được dùng đường uống, có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn. Người bệnh không được bẻ hoặc nghiền nhỏ viên thuốc Onglyza trước khi uống.
Trong khi dùng thuốc nên kết hợp với chế độ ăn kiêng để tăng hiệu quả của thuốc.
Liều dùng:
- Liều dùng khuyến cáo của Onglyza là 2,5 mg đến 5 mg uống 1 lần/ngày.
- Bệnh nhân suy thận:
- Không cần điều chỉnh liều thuốc Onglyza cho bệnh nhân suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin > 50 ml/phút).
- Sử dụng Onglyza ở liều 2,5 mg 1 lần/ngày cho những bệnh nhân suy thận ở mức trung bình hay suy thận nặng và cả suy thận ở giai đoạn cuối cần phải thẩm phân máu, nên sử dụng Onglyza sau khi thẩm phân máu.
- Do liều dùng của Onglyza cần hạn chế ở mức 2,5 mg/ngày dựa trên chức năng thận, cần phải đánh giá chức năng thận trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Onglyza và sau đó cần theo dõi chức năng thận định kỳ.
- Sử dụng cùng lúc với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4/5: Liều sử dụng của Onglyza thường dùng là 2,5 mg 1 lần/ngày khi sử dụng cùng lúc với các thuốc ức chế mạnh cytochrom P450 3A4/5 (CYP3A4/5) như Ketoconazol, itraconazol, atazanavir, clarithromycin, indinavir, nelfinavir, nefazodon, ritonavir, saquinavir và telithromycin.
- Sử dụng cùng lúc với các thuốc kích thích tiết insulin (như sulfonylurea) hoặc với insulin: Khi sử dụng thuốc Onglyza cùng lúc với các thuốc này cần bắt đầu sử dụng liều thấp thuốc kích thích tiết insulin hoặc insulin để có thể hạn chế tối đa nguy cơ hạ glucose trong máu.
Quá liều và quên liều:
- Quá liều: Trong các thử nghiệm lâm sàng cho người khoẻ mạnh chưa thấy hiện tượng quá liều. Trong trường hợp quá liều mà người bệnh có các dấu hiệu khẩn cấp cần áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ thích hợp dựa trên tình trạng lâm sàng cụ thể của bệnh nhân. Saxagliptin và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó thường có thể được loại trừ qua thẩm phân máu.
- Quên liều: Nếu quên một liều thuốc Onglyza, hãy dùng thuốc này càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu như gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều dùng đã quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không được dùng gấp đôi liều đã quy định.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Onglyza
Khi sử dụng thuốc Onglyza bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn, gồm:
- Chảy nước mũi, đau rát họng, đau đầu, đi tiểu đau, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi.
- Một số tác dụng phụ có thể nghiêm trọng gồm: Phát ban, nổi mày đay, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng, khó thở hoặc khó nuốt, khàn tiếng; Các phản ứng quá mẫn nặng như sốc phản vệ, phù mạch hoặc các tình trạng da tróc vảy; Viêm tụy cấp.
Khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc, bạn cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để có thể được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Onglyza
Trong quá trình sử dụng thuốc Onglyza , người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Trước khi sử dụng thuốc bạn cần nói với bác sĩ về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc.
- Viêm tụy cấp ở bệnh nhân sử dụng Onglyza đã được ghi nhận. Cho nên, sau khi bắt đầu sử dụng, bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận các dấu hiệu và triệu chứng viêm tụy như đau bụng, buồn nôn, xét nghiệm tăng men amylase máu... Nếu có nghi ngờ bị viêm tụy, người bệnh nên ngưng sử dụng Onglyza ngay và cần tiến hành biện pháp kiểm soát thích hợp. Hiện chưa rõ bệnh nhân có tiền sử viêm tụy khi sử dụng Onglyza có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tụy hay không, nhưng vẫn cần thận trọng.
- Khi dùng với các thuốc gây giảm glucose trong máu: Khi sử dụng Onglyza phối hợp với sulfonylurea hoặc với insulin, tần suất các trường hợp hạ glucose trong máu được chẩn đoán xác định cao hơn khi sử dụng giả dược phối hợp với sulfonylurea hoặc với insulin. Vì vậy, cần phải sử dụng liều thấp các thuốc kích thích tiết insulin để có thể hạn chế tối đa nguy cơ hạ glucose trong máu khi sử dụng phối hợp với Onglyza.
- Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng ở bệnh nhân sử dụng Onglyza đã được báo cáo sau khi thuốc lưu hành trên thị trường. Các phản ứng này bao gồm phản ứng phản vệ, phủ mạch, da tróc vảy. Các phản ứng này thường xảy ra trong vòng 3 tháng đầu điều trị với Onglyza, một số trường hợp xảy ra sau liều đầu tiên. Nếu nghi ngờ phản ứng quá mẫn nặng, bạn cần phải ngưng Onglyza, điều trị thích hợp và tìm phương pháp điều trị thay thế cho bệnh đái tháo đường.
- Sử dụng một cách thận trọng cho bệnh nhân có tiền sử phù mạch với các chất có tác dụng ức chế dipeptidy peptidase - 4 (DPP4) khác, vì vẫn chưa biết rõ các bệnh nhân này có thể bị phù mạch với Onglyza hay không.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Hiện chưa có nghiên cứu về tác động của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, khi lái xe hay cần phải vận hành máy, cần lưu ý rằng hiện tượng chóng mặt đã được ghi nhận khi điều trị với saxagliptin.
- Thời kỳ mang thai: Phân loại thuốc cho phụ nữ có thai là nhóm B. Hiện nay, chưa có đủ các nghiên cứu có đối chứng về việc sử dụng saxagliptin trên phụ nữ đang mang thai. Chính vì thế không nên sử dụng thuốc Onglyza và các thuốc trị đái tháo đường khác trong khi đang mang thai, mà nên dùng dạng để điều trị đã được kiểm chứng an toàn.
- Thời kỳ cho con bú: Saxagliptin được bài tiết trong sữa của chuột đang cho con bú với tỷ lệ khoảng 1:1 so với nồng độ thuốc trong huyết tương. Chưa xác định được saxagliptin có bài tiết trong sữa mẹ ở người hay không. Do rất nhiều thuốc bài tiết trong sữa mẹ, nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng Onglyza đối với phụ nữ đang cho con bú.
- Tương tác thuốc: Thuốc Onglyza có thể gây ra tương tác với các chất ức chế CYP3A4/5, tương tác này làm tăng nồng độ saxagliptin.
- Bảo quản: Bảo quản thuốc Onglyza trong bao bì kín, ở nhiệt độ dưới 30 độ C. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em. Không sử dụng khi thuốc đã hết hạn hay có dấu hiệu hư hỏng.
Thuốc Onglyza được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra, nên tham khảo ý kiến với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.