Qtern là thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 kết hợp 2 hoạt chất là Dapagliflozin và Saxagliptin. Quá trình sử dụng thuốc Qtern cần tuân thủ nhiều vấn đề khác nhau. Vậy quá trình điều trị đái tháo đường bằng thuốc Qtern cần lưu ý những gì?
1. Qtern là thuốc gì?
Qtern là sản phẩm kết hợp 2 hoạt chất là Dapagliflozin và Saxagliptin. Dapagliflozin và Saxagliptin trong là thuốc Qtern đều có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Trong đó, Dapagliflozin hỗ trợ đào thải glucose qua thận còn Saxagliptin sẽ hỗ trợ điều chỉnh mức insulin mà cơ thể bài tiết sau bữa ăn.
Thuốc Qtern được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu ở người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Bên cạnh đó, thuốc Qtern cũng được sử dụng để giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc suy tim ở người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Chú ý: thuốc Qtern không dùng để điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc tình trạng nhiễm toan ceton do tăng đường huyết quá mức.
2. Những cảnh báo trước khi sử dụng thuốc Qtern
Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc Qtern nếu có những vấn đề sau:
- Bệnh thận nặng (hoặc nếu đang chạy thận nhân tạo);
- Tiền sử dị ứng nghiêm trọng hoặc phản ứng da sau khi dùng Dapagliflozin hoặc Saxagliptin.
Để đảm bảo sử dụng thuốc Qtern an toàn, bệnh nhân sĩ trao đổi nói với bác sĩ về những tiền sử sau:
- Bệnh lý thận;
- Nhiễm toan đái tháo đường;
- Bệnh lý gan;
- Ung thư bàng quang;
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc các vấn đề tiết niệu khác;
- Bệnh lý tuyến tụy, bao gồm cả tiền sử phẫu thuật;
- Sỏi mật;
- Tăng cao nồng độ triglyceride máu;
- Nghiện rượu;
- Chế độ ăn hạn chế muối;
- Tuổi từ 65 trở lên.
Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc Qtern nếu đang mang thai. Kiểm soát đường huyết là vấn đề rất quan trọng trong thai kỳ và nhu cầu về liều dùng của bà bầu có thể khác nhau trong mỗi tam cá nguyệt. Trong đó, bà bầu không nên sử dụng thuốc Qtern trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.
Người bệnh không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc Qtern. Ngoài ra, Qtern không được khuyến cáo sử dụng cho người dưới 18 tuổi.
Một số cảnh báo quan trọng:
- Sử dụng thuốc Qtern có thể khiến bệnh nhân mất nước, qua đó dẫn đến mệt mỏi hoặc chóng mặt (đặc biệt là khi thay đổi tư thế);
- Ngừng sử dụng thuốc Qtern và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu có các dấu hiệu viêm tụy như đau thượng vị dữ dội lan ra sau lưng, có hoặc không kèm theo nôn ói;
- Dapagliflozin trong thuốc Qtern có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở dương vật hoặc âm đạo. Bệnh nhân cần được trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có triệu chứng bỏng, ngứa, có mùi, tiết dịch, đau, nhạy cảm, đỏ hoặc sưng bộ phận sinh dục hoặc trực tràng, sốt hoặc cảm thấy không khỏe.
3. Cách sử dụng thuốc Qtern
- Qtern thường được khuyến cáo sử dụng một lần duy nhất mỗi ngày vào buổi sáng. Người bệnh cần tuân thủ tất cả các hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm và chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ điều trị có thể thay đổi liều dùng của bệnh nhân tùy trường hợp cụ thể.
- Chức năng thận của bệnh nhân có thể cần được kiểm tra trước và trong khi điều trị bằng thuốc Qtern.
- Khi sử dụng, người bệnh lưu ý cần nuốt cả viên thuốc Qtern, tuyệt đối không nghiền nát, nhai hoặc bẻ viên thuốc.
- Liên hệ với bác sĩ nếu bị nôn ói hoặc tiêu chảy, lượng thức ăn và nước ít hơn bình thường, hoặc có những tình trạng gây đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
- Nồng độ đường trong máu của bệnh nhân sẽ được kiểm tra thường xuyên hơn và đôi khi cần kiểm tra cả nồng độ ceton trong nước tiểu. Dapagliflozin trong thuốc Qtern có thể gây nhiễm toan ceton và đe dọa tính mạng, do đó ngay cả khi đường huyết bình thường thì bệnh nhân vẫn phải liên hệ với bác sĩ nếu xét nghiệm nước tiểu cho kết quả có ceton.
- Bệnh nhân dùng thuốc Qtern có thể bị hạ đường huyết và cảm thấy rất đói, chóng mặt, cáu kỉnh, bối rối, lo lắng hoặc run rẩy. Để nhanh chóng điều trị hạ đường huyết, người bệnh hãy ăn hoặc uống nước đường có tác dụng nhanh (như nước ép trái cây, kẹo...).
- Bác sĩ có thể chỉ định tiêm Glucagon trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng. Do đó, người bệnh hãy đảm bảo gia đình hoặc bản thân biết cách tiêm thuốc trong trường hợp khẩn cấp.
- Trong quá trình dùng thuốc Qtern, bệnh nhân cần theo dõi các dấu hiệu của tăng cao đường huyết chẳng hạn như khát nước hoặc đi tiểu nhiều. Tăng đường huyết có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, bệnh tật, phẫu thuật, tập thể dục, uống rượu hoặc bỏ bữa ăn.
- Thuốc Qtern có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm, vì vậy người bệnh hãy thông báo với bác sĩ bản thân đang sử dụng Qtern trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Liều khuyến cáo của thuốc Qtern, cụ thể là 10mg Dapagliflozin và 5mg Saxagliptin, là uống 1 viên x 1 lần/ngày vào buổi sáng.
Lưu ý:
- Bệnh nhân cần được điều chỉnh tình trạng suy giảm thể tích máu trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Qtern:
- Qtern chỉ nên được sử dụng ở những bệnh nhân dung nạp với Dapagliflozin liều 10mg mỗi ngày.
4. Tác dụng phụ của thuốc Qtern
Liên hệ với bệnh viện để nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bệnh nhân dùng thuốc Qtern có dấu hiệu phản ứng dị ứng như nổi mày đay, ngứa kèm bong tróc da, khó nuốt, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng...
Bệnh nhân cần tìm đến các biện pháp chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có dấu hiệu nhiễm trùng bộ phận sinh dục (dương vật hoặc âm đạo) như nóng rát, ngứa, có mùi, tiết dịch, đau, nhạy cảm, đỏ hoặc sưng kèm theo sốt và cảm thấy không khỏe. Những triệu chứng nhiễm trùng này có thể nghiêm trọng hơn một cách nhanh chóng.
Ngừng dùng thuốc Qtern và gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu có những biểu hiện sau:
- Đau khớp dữ dội hoặc liên tục;
- Phản ứng da nghiêm trọng, như ngứa, phồng rộp và vỡ bóng nước ngoài da;
- Nhiễm toan ceton với các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đau dạ dày, lú lẫn, buồn ngủ bất thường hoặc khó thở;
- Viêm tụy: đau dữ dội ở thượng vị lan ra lưng, buồn nôn và nôn ói, nhịp tim nhanh;
- Các biểu hiện mất nước như chóng mặt, suy nhược, cảm thấy lâng lâng (giống như có thể bất tỉnh);
- Dấu hiệu nhiễm trùng bàng quang như đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều, tiểu ra máu, đau vùng xương chậu hoặc lưng. Một số người dùng dapagliflozin đã tiến triển đến ung thư bàng quang nhưng vẫn không rõ liệu thuốc Qtern có phải là nguyên nhân thực sự hay không.
Một số tác dụng phụ thường gặp khác của thuốc Qtern có thể bao gồm:
- Các vấn đề về tiểu tiện;
- Tăng nồng độ cholesterol hoặc triglyceride máu bất thường;
- Sổ mũi, nghẹt mũi, viêm xoang.
5. Tương tác thuốc của Qtern
- Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến việc đào thải Saxagliptin khỏi cơ thể bạn, qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả của Saxagliptin nên cần thận trọng khi phối hợp với thuốc Qtern. Các ví dụ bao gồm thuốc chống nấm azole (như Itraconazole, Ketoconazole), thuốc ức chế protease HIV (như Ritonavir, Saquinavir), Nefazodone, Telithromycin và một số loại khác.
- Thuốc chẹn beta (chẳng hạn như Metoprolol, Propranolol, thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp như Timolol) có thể làm mất đi triệu chứng nhịp tim đập nhanh/hồi hộp khi hạ đường huyết quá mức. Các triệu chứng khác của hạ đường huyết bao gồm chóng mặt, cảm thấy đói hoặc vã mồ hôi.
- Nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, và khiến bệnh nhân khó kiểm soát hơn bằng thuốc Qtern. Do đó trước khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều dùng của bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về các thuốc có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Bệnh nhân cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Khi đó bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều thuốc Qtern, thay đổi chương trình tập thể dục hoặc chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Nước tiểu của bệnh nhân dùng thuốc Qtern sẽ cho kết quả dương tính với glucose. Vì vậy hãy chắc chắn rằng nhân viên phòng thí nghiệm và tất cả các bác sĩ biết bệnh nhân đang sử dụng thuốc Qtern khi có chỉ định xét nghiệm nước tiểu.
Thuốc Qtern là thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 kết hợp 2 hoạt chất là Dapagliflozin và Saxagliptin. Quá trình sử dụng thuốc Qtern cần tuân thủ nhiều vấn đề khác nhau. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn để nâng cao hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn
Nguồn tham khảo: drugs.com, webmd.com, ema.europa.eu