Thuốc Olopat có dạng bào chế dung dịch nhỏ mắt, quy cách đóng gói hộp 1 lọ 5ml. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Olopat sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Công dụng, chỉ định của thuốc Olopat
Thuốc Olopat có chứa thành phần chính là Olopatadine (dưới dạng Olopatadine Hydrochloride) 1mg/ ml. Thuốc được chỉ định để phòng ngừa và điều trị các triệu chứng và dấu hiệu ở mắt của bệnh viêm kết mạc dị ứng.
2. Chống chỉ định của thuốc Olopat
Olopat chống chỉ định trong trường hợp:
- Người bị mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc Olopat.
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Olopat
Thuốc Olopat dùng bằng đường nhỏ mắt. Người bệnh cần vệ sinh tay thật sạch và lau khô. Sau đó mở nắp lọ thuốc Olopat và nhỏ mỗi bên mắt 1 giọt, ngày từ 2 - 3 lần.
Lưu ý: Liều dùng Olopat trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng Olopat cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng Olopat phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
4. Tương tác thuốc Olopat
Olopat có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với các thuốc nhỏ mắt khác. Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Olopat thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Olopat phù hợp. Trường hợp bắt buộc phải kết hợp với các loại nhỏ mắt khác thì nên dùng mỗi loại cách nhau ít nhất là 5 phút.
5. Tác dụng phụ của thuốc Olopat
Thuốc Olopat có mức độ an toàn cao và ít xảy các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, dùng thuốc Olopat với liều cao hay kéo dài, có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như:
- Ở mắt: Nhìn mờ, nóng hoặc châm chích, quá mẫn cảm, nhiều nước mắt, viêm giác mạc, viêm kết mạc, khô mắt, cảm thấy có rặm, phù mi, đau và ngứa.
- Ngoài mắt: Mệt mỏi, đau lưng, viêm hầu họng, hội chứng cúm, hội chứng cảm lạnh, viêm kết mạc, quá mẫn cảm, ho nhiều, buồn nôn, nhiễm trùng, viêm mũi, viêm xoang và tăng chảy nước mắt.
Người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc Olopat ngay khi phát hiện những tác dụng phụ trên hoặc các triệu chứng bất thường khác. Đồng thời nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
6. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Olopat
- Thuốc Olopat chỉ được dùng để nhỏ mắt, không được tiêm hoặc uống.
- Trẻ < 3 tuổi muốn sử dụng thuốc Olopat thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Người bệnh cần tháo kính áp tròng trước khi nhỏ mắt.
- Khi sử dụng thi không để đầu nhỏ thuốc của lọ Olopat chạm mí mắt, vùng xung quanh mắt hoặc bất cứ bề mặt nào.
- Không dùng Olopat để điều trị kích ứng mắt liên quan đến kính áp tròng.
- Benzalkonium clorid trong Olopat có thể gây kích ứng mắt và làm đổi màu kính áp tròng mềm (tháo kính áp tròng trước khi dùng, chờ ít nhất 15 phút trước khi đeo kính trở lại). Không đeo kính áp tròng nếu mắt bị đỏ, gây viêm giác mạc chấm và/hoặc loét giác mạc do độc tố.
- Ngừng sử dụng Olopat khi xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng hoặc phản ứng quá mẫn.
- Sau khi nhỏ thuốc Olopat có thể gây nhìn mờ tạm thời hoặc rối loạn thị lực khác nên sẽ ảnh hưởng khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Olopat có dấu hiệu bị đổi màu, mốc, chảy nước hay hết hạn dùng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Olopat, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Olopat điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.