Molukat được bào chế dưới dạng viên nén nhai, hoạt chất là Montelukast 4mg. Thuốc được sử dụng trong điều trị hen mức nhẹ đến trung bình, liệu pháp thay thế corticoid hít liều thấp, dự phòng hen suyễn cho trẻ từ 2-5 tuổi. Ngoài ra, Molukat còn được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng cho người lớn và trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
1. Molukat là thuốc gì?
Molukat được bào chế dưới dạng viên nén nhai, thành phần chính là Montelukast 4mg. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp:
- Liệu pháp bổ sung trong điều trị bệnh hen mức nhẹ-trung bình, không kiểm soát được bằng corticoid hít hoặc không kiểm soát được khi dùng thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn để kiểm soát cơn hen lúc cần thiết cho trẻ từ 2-5 tuổi
- Liệu pháp thay thế cho corticoid hít liều thấp ở trẻ 2-5 tuổi mắc hen nhẹ, chưa bị cơn hen nặng cần sử dụng corticoid đường uống bao giờ, hoặc dùng cho trẻ không dung nạp corticoid hít.
- Dự phòng hen suyễn cho trẻ từ 2 tuổi trở lên bị co thắt phế quản khi vận động thể lực.
- Giảm các triệu chứng ban ngày và ban đêm của viêm mũi dị ứng theo mùa cho người lớn, trẻ em từ 2 tuổi trở lên và viêm mũi dị ứng quanh năm cho người lớn, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
2. Cách sử dụng, liều dùng Molukat
Molukat có thể nhai hoặc uống với lượng nước vừa phải. Liều dùng được chia như sau:
- Trẻ 6 tháng-2 tuổi: Mỗi ngày uống 1 gói 4mg cốm hạt;
- Trẻ 2-5 tuổi: Mỗi ngày nhai 1 viên 4mg;
- 6-14 tuổi: Mỗi ngày nhai 1 viên 5mg;
- Người từ 15 tuổi trở lên: Mỗi ngày nhai 2 viên 5mg.
Nếu bị bệnh hen thì dùng thuốc vào buổi tối. Viêm mũi dị ứng thì thời gian dùng thuốc tùy vào nhu cầu của từng người. Vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng thì nên dùng 1 liều/ngày vào buổi tối. Thuốc nên được uống hoặc nhai 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn.
Thuốc thường đạt hiệu quả trong 1 ngày sau khi uống. Bệnh nhân được khuyên nên tiếp tục dùng kể cả khi cơn hen đã được khống chế. Không cần điều chỉnh liều cho người cao tuổi, người suy thận, người suy gan nhẹ và trung bình, không có dữ liệu sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy gan nặng.
Phối hợp với các thuốc điều trị khác:
- Thuốc giãn phế quản: Molukat có thể được thêm vào điều trị với người chưa được kiểm soát tốt bằng thuốc giãn phế quản. Khi có đáp ứng lâm sàng tốt, đa số là sau liều đầu tiên thì có thể giảm liều thuốc giãn phế quản xuống nếu dung nạp được.
- Corticosteroid dạng hít: Kết hợp Molukat với corticosteroid dạng hít làm tăng hiệu quả điều trị. Liều corticosteroid có thể giảm xuống nếu dung nạp được. Tuy nhiên, giảm liều phải dần dần dưới sự giám sát của bác sĩ, không nên thay thế đột ngột corticosteroid dạng hít bằng Montelukast.
3. Chống chỉ định dùng thuốc Molukat
Molukat được chống chỉ định với các trường hợp mẫn cảm bất kỳ thành phần nào của thuốc.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Molukat
Một số lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc gồm:
- Hiệu lực điều trị các cơn hen cấp khi dùng Molukat chưa được xác định, vậy nên không nên dùng Molukat dạng uống để điều trị cơn hen cấp;
- Không được thay thế đột ngột corticoid dạng uống hoặc hít bằng montelukast, mà phải giảm dần dưới sự giám sát của bác sĩ;
- Tác dụng phụ trên hệ thần kinh đã được báo cáo, vậy nên bác sĩ nên giải thích trước về triệu chứng để người chăm sóc hoặc bệnh nhân thông báo kịp thời khi có xảy ra;
- Giảm liều corticosteroid đường toàn thân khi đang dùng thuốc chống hen, bao gồm thuốc đối kháng thụ thể leukotrien có thể gây ra một số tác dụng hiếm gặp như tăng bạch cầu ưa eosin, phát ban, thở ngắn, biến chứng tim và/ hoặc bệnh thần kinh có khi chẩn đoán là hội chứng Churg-Strauss;
- Molukat có chứa aspartam, nên người bị phenylceton - niệu không nên dùng thuốc này;
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú vì chưa có nghiên cứu nào rõ ràng về tác dụng phụ của thuốc trên các đối tượng này.
5. Tương tác thuốc
Một số tương tác có thể gặp phải khi sử dụng Molukat với các loại thuốc khác:
- Liều khuyến cáo trong điều trị của montelukast không có ảnh hưởng đáng kể tới dược động học của các thuốc Theophyllin, Prednisolon, thuốc uống ngừa thai (Ethinyl estradiol/ Norethindrone 35/1), Terfenadin, Digoxin và Warfarin.
- Montelukast được chuyển hóa bởi CYP 3A4, nên cần thận trọng, đặc biệt là ở trẻ em khi dùng với thuốc gây cảm ứng của CYP 3A4 như Phenytoin, Phenobarbital và Rifampicin.
- Các nghiên cứu đã chứng minh Molukat không ức chế CYP 2C8 trên lâm sàng. Do đó, không làm thay đổi hoạt động của các thuốc chuyển hóa qua enzym này như Paclitaxel, Rosiglitazon và Repaglinid.
6. Tác dụng phụ của Molukat
Tần suất các tác dụng phụ khác sau khi đưa thuốc ra thị trường thì chưa được ghi nhận theo tần suất và hệ cơ quan.
- Rất thường gặp: Viêm đường hô hấp trên.
- Thường gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, phát ban, tăng nồng độ transaminase huyết thanh (ALT, AST), sốt.
- Ít gặp: Phản ứng quá mẫn, kích động bao gồm hành động hung hăng hoặc chống đối, lo âu, trầm cảm, mất phương hướng, ảo giác, mất ngủ, dễ kích động, chóng mặt, buồn ngủ, dị cảm, đau thắt ngực, khô miệng, chứng khó tiêu, bầm tím, nổi mày đay, ngứa, đau cơ, đau khớp, suy nhược, mệt mỏi, phù.
- Hiếm gặp: Tăng xu hướng chảy máu, suy giảm trí nhớ, kém tập trung, đánh trống ngực, phù mạch.
- Rất hiếm gặp: Gan thâm nhiễm bạch cầu ưa eosin, ảo giác, mất phương hướng, hành vi tự sát, hội chứng Churg-Strauss (CSS), tăng bạch cầu ái toan trong phổi, viêm gan, ban đỏ, hồng ban đa dạng.
7. Quá liều Molukat Xử trí
Phần lớn không có phản ứng nghiêm trọng khi xảy ra quá liều Molukat. Các triệu chứng thường gặp là buồn ngủ, đau bụng, khát, đau đầu, nôn và tăng kích động. Chưa rõ Molukat có được thẩm tách qua màng bụng hay lọc máu hay không.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Molukat. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Molukat theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.