Mitotane là một loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tuyến thượng thận. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
1. Công dụng của thuốc Mitotane
Mitotane là thuốc gì? Đây là một loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tuyến thượng thận. Thuốc này có tác dụng gây độc đối với ty thể trong tế bào vỏ thượng thận, làm cho các tế bào này chết. Điều này cũng giúp làm giảm sản xuất cortisol và thay đổi sự trao đổi chất của steroid. Bạn có thể cần dùng steroid (chẳng hạn như hydrocortisone) bằng đường uống để bù đắp sự mất mát này.
Một số bệnh nhân ung thư làm cho tuyến thượng thận sản sinh ra quá nhiều cortisol và các hormone khác, gây ra hội chứng Cushing. Khi quá nhiều lượng hormone tuyến thượng thận có thể gây ra một số vấn đề như thay đổi huyết áp, thay đổi cân nặng, mỏng da và đái tháo đường, yếu cơ hoặc xương.
Mitotane có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị một số dạng khác của hội chứng Cushing không phải do bệnh ung thư tuyến thượng thận gây ra. Điển hình như khối u tương tự như khối u tuyến yên.
2. Cách sử dụng Mitotane
Thuốc Mitotane có dạng viên nén để uống. Nó thường được được dùng ba đến bốn lần một ngày. Liều dùng cho người mắc bệnh là:
- Liều ban đầu: Uống từ 2-6v/ngày, chia thành 3 đến 4 liều;
- Liều duy trì: Uống 9-10v/ngày, chia thành 3 đến 4 liều;
- Liều có thể tăng lên đến 16v/ngày nếu bệnh nhân chịu được. Liều lượng cao nhất từng được sử dụng là 18-19v/ngày.
Người bệnh nên uống mitotane vào khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày và nên nuốt toàn bộ viên thuốc với một cốc nước; không nghiền nát, nhai hoặc phá vỡ. Thuốc Mitotane nên được dùng trong các bữa ăn có thực phẩm giàu chất béo như sữa, sô cô la và dầu.
Các bác sĩ sẽ xác định liều lượng tùy vào thể trạng từng bệnh nhân, có thể thay đổi dựa trên nồng độ trong máu của từng người và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể đang gặp phải. Nếu bạn bỏ lỡ một liều, chỉ cần dùng liều tiếp theo theo lịch trình. Không tự ý tăng gấp đôi liều để bù liều đã bỏ quên.
Bạn có thể được yêu cầu dùng steroid trong khi bạn đang dùng mitotane. Bạn sẽ cần tạm ngừng sử dụng Mitotane nếu bạn bị sốc hoặc chấn thương nặng và steroid sẽ được tiêm cho đến khi tuyến thượng thận của bạn hoạt động trở lại.
Trong quá trình sử dụng Mitotane bạn cần tránh một số thuốc, bao gồm: thuốc chống động kinh, rifabutin, rifampicin, griseofulvin, St. John's wort, sunitinib, spironolactone, itraconzole, nimodipine, ranolazine, rivaroxaban, tofacitinib, aripiprazole, corticosteroid, linagliptin, quetiapine, trong số những loại khác. Thuốc này có thể ảnh hưởng đến nồng độ warfarin trong máu hoặc các chất chống đông máu khác được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa cục máu đông. Hãy báo với bác sĩ điều trị của bạn về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung bạn dùng.
3. Lưu trữ và xử lý
Bảo quản thuốc của bạn trong bao bì gốc, có dán nhãn ở nhiệt độ phòng và ở nơi khô ráo (trừ khi có chỉ dẫn khác của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc dược sĩ của bạn). Để hộp đựng xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Nếu người chăm sóc chuẩn bị liều thuốc cho bạn, họ nên cân nhắc đeo găng tay hoặc đổ thuốc trực tiếp từ hộp đựng của họ vào nắp, cốc nhỏ hoặc trực tiếp vào tay bạn. Họ nên tránh chạm vào viên thuốc và phải luôn rửa tay trước và sau khi cho bạn dùng thuốc.
4. Mua thuốc Mitotane ở đâu?
Thuốc Mitotane có sẵn thông qua các nhà thuốc bán lẻ. Thuốc này có thể được đài thọ theo chương trình thuốc theo toa cho bệnh nhân ung thư. Các cơ sở y tế hoặc nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn có thể giúp bạn tìm những nguồn này, nếu chúng có sẵn.
5. Tác dụng phụ có thể xảy ra của Mitotane
Khi sử dụng thuốc Mitotane, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến nhất:
Buồn nôn và / hoặc Nôn mửa
Hãy báo ngay với bác sĩ điều trị của bạn để họ có thể kê đơn thuốc giúp bạn kiểm soát buồn nôn và nôn. Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn tránh được tác dụng phụ này trong thời gian dùng thuốc. Tránh những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như thức ăn nhiều dầu mỡ/chất béo, gia vị hoặc axit (chanh, cà chua, cam). Bạn cũng có thể dùng nước muối hoặc bia gừng để giảm bớt các triệu chứng nhẹ.
Giảm cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi khẩu vị
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bạn và trong một số trường hợp, tác dụng phụ của việc điều trị có thể gây khó khăn cho việc ăn uống. Bạn có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng tại trung tâm điều trị của bạn để giúp lựa chọn thực phẩm.
- Cố gắng ăn năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ hoặc bữa ăn nhẹ trong ngày, thay vì 3 bữa ăn lớn hơn.
- Nếu bạn không ăn đủ, có thể bổ sung các loại thực phẩm chức năng sung dinh dưỡng.
- Tránh bất kỳ thực phẩm nào mà bạn cho rằng có mùi hoặc vị không ngon. Nếu có vấn đề với thịt đỏ, hãy ăn thịt gà, gà tây, trứng, các sản phẩm từ sữa và cá không có mùi nặng. Đôi khi thực phẩm lạnh có ít mùi hơn.
- Tăng thêm hương vị cho thịt hoặc cá bằng cách ướp với nước trái cây ngọt, nước sốt chua ngọt hoặc nước xốt. Sử dụng các loại gia vị như húng quế, rau oregano hoặc hương thảo để tăng thêm hương vị. Thịt xông khói, giăm bông và hành tây có thể tăng thêm hương vị cho rau.
Bạn có thể cảm thấy vị kim loại hoặc thấy thức ăn không có mùi vị gì cả. Bạn có thể không thích thực phẩm hoặc đồ uống mà bạn thích trước khi điều trị ung thư. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn sau khi điều trị kết thúc.
Bệnh tiêu chảy
Khi gặp tình trạng tiêu chảy kéo dài, hãy thông báo với bác sĩ điều trị của bạn để được chỉ định dùng thuốc. Ngoài ra, hãy thử ăn các loại thực phẩm ít chất xơ, nhạt nhẽo, chẳng hạn như cơm trắng và thịt gà luộc hoặc nướng. Tránh trái cây sống, rau, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và hạt. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và hấp thụ chất lỏng, có thể giúp giảm tiêu chảy.
Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm: nước sốt táo, chuối (chín), trái cây đóng hộp, phần cam, khoai tây luộc, gạo trắng, các sản phẩm làm từ bột mì trắng, bột yến mạch, kem gạo, kem lúa mì và khoai tây chiên. Uống 8-10 ly nước không cồn, không chứa cafein mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước.
Phát ban
Một số bệnh nhân có thể phát ban, da có vảy hoặc mẩn đỏ ngứa. Sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa cồn trên da và môi của bạn; tránh kem dưỡng ẩm có nước hoa hoặc mùi hương. Bác sĩ điều trị có thể đề nghị một loại thuốc bôi nếu ngứa gây khó chịu. Nếu da của bạn bị nứt hoặc chảy máu, hãy nhớ giữ vùng da đó sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Một số tác dụng phụ quan trọng khác có thể gặp bao gồm :
- Độc tính trên hệ thần kinh trung ương: Sử dụng mitotane kéo dài (hơn 2 năm) có thể dẫn đến các tác dụng phụ gây độc cho thần kinh bao gồm tổn thương não và suy giảm chức năng. Mức độ mitotane trong máu của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa những vấn đề này và tình trạng thần kinh của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ.
- U nang buồng trứng: Những u nang này đã được báo cáo ở phụ nữ tiền mãn kinh dùng mitotane. Báo cáo bất kỳ triệu chứng phụ khoa nào bao gồm chảy máu âm đạo hoặc đau vùng chậu cho bác sĩ điều trị của bạn.
- Mối quan tâm về sinh sản: Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy bạn không nên mang thai trong khi đang dùng thuốc này. Kiểm soát sinh sản hiệu quả là cần thiết trong quá trình điều trị và cho đến khi không phát hiện được mitotane trong máu của bạn. Bạn không nên cho con bú khi đang dùng thuốc này.
Mitotane là một loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tuyến thượng thận. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.