Thuốc Midpam chứa hai thành phần chính là Amoxicilin và Bromhexin được chỉ định điều trị các bệnh lý đường hô hấp tăng tiết đờm, khó long đờm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về cách dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Midpam.
1. Thuốc Midpam có tác dụng gì?
Thuốc Midpam có 2 hoạt chất chính là Amoxicilin hàm lượng 500mg và Bromhexine hàm lượng 8mg, được bào chế dưới dạng viên nang cứng.
Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm β-lactam có phổ diệt khuẩn rộng. Amoxicilin ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn và dẫn đến sự ly giải của vi khuẩn.
Bromhexin là chất điều hòa và tiêu nhầy đường hô hấp. Bromhexine hoạt hóa sự tổng hợp sialomucin, phá vỡ sợi mucopolysaccharid acid, do đó thuốc làm đàm lỏng hơn và ít quánh hơn. Nó làm loãng và lỏng chất nhầy và giúp tăng khả năng thâm nhập của kháng sinh. Chất nhầy ít nhớt hơn nên làm thoát ra ngoài từ phế quản hiệu quả hơn.
Chỉ định của thuốc Midpam 500/8:
- Thuốc Midpam được chỉ định điều trị các bệnh lý đường hô hấp tăng tiết đờm và khó long đờm như giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản cấp và mãn tĩnh, viêm hô hấp mãn, bụi phổi.
Chống chỉ định của thuốc Midpam 500/8:
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Midpam ở bệnh nhân có có phản ứng mẫn cảm với Amoxicilin, Bromhexin, kháng sinh nhóm penicillin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Không sử dụng thuốc Midpam ở phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
2. Các tác dụng không mong muốn của thuốc Midpam 500/8
Khi sử dụng thuốc Midpam, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn nghiêm trọng sau: Phản vệ, viêm đại tràng giả mạc, viêm gan cấp và hội chứng Stevens-Johnson.
Một số tác dụng phụ khác như: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ban dát sẩn, mày đay, tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu.
Khi gặp bất kỳ tác dụng bất lợi nào, cần ngưng sử dụng thuốc Midpam và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
3. Thận trọng khi sử dụng thuốc Midpam 500/8
- Trong khi sử dụng Bromhexin cần tránh phối hợp với thuốc giảm ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
- Bệnh nhân hen phế quản cần thận trọng khi sử dụng Bromhexin do thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số bệnh nhân mẫn cảm.
- Thận trọng khi dùng thuốc Midpam ở bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, tiền sử loét dạ dày, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Bệnh nhân suy nhược, thể trạng yếu không có khả năng khác đờm cần chú ý khi dùng Bromhexin.
- Không sử dụng thuốc Midpam ở phụ nữ đang cho con bú. Thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ mang thai. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc ở đối tượng này.
4. Tương tác thuốc
- Không nên sử dụng vacxin thương hàn 3 ngày trước hoặc 3 ngày sau khi dùng Amoxicilin do đáp ứng miễn dịch có thể bị giảm.
- Các dẫn xuất coumarin: Amoxicilin có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của các thuốc này.
- Methotrexate: Amoxicilin làm giảm độ thanh thải của thuốc ở thận khi dùng đồng thời.
- Bromhexin tăng cường sự xâm nhập của Amoxicilin vào mô phổi và phế quản.
- Thuốc Midpam có thể làm tăng kết quả xét nghiệm men ALT và AST.
- Không dùng đồng thời thuốc Midpam và thuốc chống ho hoặc thuốc làm giảm tiết dịch phế quản kiểu Atropin.
Thuốc Midpam được chỉ định điều trị các bệnh lý đường hô hấp tăng tiết đờm và khó long đờm. Bromhexin có tác dụng làm loãng và lỏng chất nhầy, giúp tăng khả năng thâm nhập của Amoxicilin vào mô phổi và phế quản. Để sử dụng Midpam an toàn và hiệu quả, bạn cần có chỉ định kê đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.