Thuốc Suroate được chỉ định trong điều trị các bệnh đường hô hấp do tăng tiết và khó long đờm. Việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị bệnh.
1. Suroate là thuốc gì?
Suroate thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, được bào chế dưới dạng viên nén, quy cách đóng gói: Chai 100 viên và 500 viên.
Thành phần Bromhexine trong thuốc Suroate có tác dụng phân hủy chất nhầy tại đường dẫn khí, giúp long đờm và giảm ho dễ dàng.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Suroate
Thuốc Suroate được chỉ định điều trị các bệnh đường hô hấp do tăng tiết đờm như:
- Viêm phế quản;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính;
- Viêm hô hấp mãn tính;
- Bụi phổi;
- Giãn phế quản.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Suroate:
- Người bệnh quá mẫn với thành phần của thuốc Suroate;
- Thuốc Suroate chống chỉ định tương đối ở phụ nữ có thai.
3. Liều dùng thuốc Suroate
Dưới đây là liều dùng tham khảo của thuốc Suroate:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống liều 8mg x 3 lần/ ngày;
- Trẻ em 6 - 12 tuổi: Uống liều 4mg x 3 lần/ ngày;
- Trẻ em 2 - 6 tuổi: Uống liều 4mg x 2 lần/ ngày.
Thuốc Suroate nên được uống ngay sau khi ăn. Trong trường hợp bạn quên một liều thì hãy dùng bù càng sớm càng tốt (có thể uống thuốc cách 1-2 giờ so với thời gian được bác sĩ yêu cầu). Tuy nhiên, nếu thời gian đã gần với liều Suroate kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều Suroate kế tiếp vào thời điểm đã quy định. Lưu ý không dùng gấp đôi liều Suroate đã được quy định.
Trong trường hợp dùng quá liều thuốc Suroate, bạn có thể sẽ gặp các biểu hiện nguy hiểm. Vì vậy hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Tác dụng phụ của thuốc Suroate
Thuốc Suroate có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Đau dạ dày;
- Buồn nôn và nôn;
- Rối loạn tiêu hóa;
- Khô miệng.
Thông báo cho bác sĩ về những tác dụng phụ mà bạn gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Suroate để có phương pháp xử trí phù hợp.
5. Tương tác thuốc
Dùng phối hợp Bromhexin với kháng sinh sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Vì vậy chỉ dùng Suroate phối hợp với kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp.
Tránh kết hợp Suroate với các thuốc chống ho hoặc thuốc giảm tiết dịch phế quản Atropin.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Suroate
Thuốc Suroate cần thận trong sử dụng trong các trường hợp sau:
- Trong khi dùng Suroate cần tránh phối hợp với thuốc ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm tại đường hô hấp;
- Thận trọng sử dụng thuốc Suroate cho người bệnh hen, vì hoạt chất Bromhexin có thể gây co thắt phế quản ở một số người mẫn cảm;
- Đối với bệnh nhân suy nhược, thể trạng yếu không có khả năng khạc đờm cần thận trọng và lưu ý khi sử dụng Suroate;
- Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày.
- Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú.
- Người lái xe và vận hành máy móc.
Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Suroate. Nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Suroate theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hay tính toán liều dùng để sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.