Công dụng thuốc Midotamol

Midotamol thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, được chỉ định điều trị trong các trường hợp giảm đau mức độ từ nhẹ đến vừa. Vậy cách sử dụng thuốc Midotamol như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Midotamol qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Midotamol là thuốc gì?

Thuốc Midotamol có chứa thành phần Paracetamol hàm lượng 325mg, Tramadol hàm lượng 37,5mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc bào chế ở dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp 5 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.

2. Thuốc Midotamol có tác dụng gì?

Thuốc Midotamol được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị triệu chứng cảm – sốt như viêm mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, chảy nước mắt.
  • Hỗ trợ giảm đau mức độ từ nhẹ đến vừa như đau răng, đau đầu, đau bụng, đau nhức cơ.

Thuốc Midotamol chống chỉ định ở bệnh nhân có một trong các tình trạng sau:

  • Dị ứng với các hoạt chất Paracetamol và Tramadol hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Phụ nữ cho con bú.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Midotamol

Thuốc Midotamol bào chế ở dạng viên nén bao phim, dùng bằng đường uống với nước lọc hay nước sôi để nguội. Thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Midotamol:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng với liều tối đa là 1 đến 2 viên mỗi 4 đến 6 giờ và không quá 8 viên trong 1 ngày.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được nghiên cứu ở nhóm đối tượng này.
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Dùng với liều tương tự như của người bình thường.

Biểu hiện lâm sàng của việc dùng thuốc quá liều có thể là các dấu hiệu hay triệu chứng ngộ độc hoạt chất Tramadol, Paracetamol hay cả hai, cụ thể:

  • Tramadol: Suy hô hấp, hôn mê, co giật, ngừng tim và tử vong.
  • Paracetamol: Dùng với liều cao có thể gây ngộ độc cho gan trên một số bệnh nhân. Các triệu chứng sớm có thể xảy ra khi gan bị tổn thương do quá liều Paracetamol gồm: Kích ứng đường tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu, nhợt nhạt, toát mồ hôi. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau 48 đến 72 giờ khi uống thuốc.

Liều dùng này chỉ là liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất. Tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân để bác sĩ chỉ định liều dùng phù hợp. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều dùng hoặc đưa thuốc cho người khác khi có các triệu chứng tương tự.

4. Tác dụng phụ của thuốc Midotamol

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Midotamol đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ nhằm hạn chế xảy ra các tác dụng không mong muốn. Thuốc Midotamol nói chung được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc như sau:

  • Thường gặp: Thường xảy ra trên hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ.
  • Ít gặp: Suy nhược, mệt mỏi, dễ kích thích, đau đầu, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, khô miệng, nôn mửa, chán ăn, lo lắng, nhầm lẫn, kích thích, mất ngủ, bồn chồn, ngứa, phát ban, tăng tiết mồ hôi, nổi mề đay.
  • Hiếm gặp: Lo lắng, mất ngủ, khô miệng, rét run, tụt huyết áp, chóng mặt, phân đen do xuất huyết tiêu hóa, phù lưỡi.

Trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc có xảy ra bất kỳ tác dụng nào kể trên hãy báo ngay cho bác sĩ điều trị để tham khảo ý kiến.

5. Tương tác thuốc Midotamol

Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc người bệnh đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược... để hạn chế xảy ra tương tác khi dùng kết hợp các thuốc trong quá trình điều trị.

Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp Midotamol với các thuốc khác dưới đây:

  • Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế MAO hay thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ, gồm chứng co giật và hội chứng Serotonin.
  • Dùng kết hợp với các thuốc Carbamazepine làm tăng đáng kể sự chuyển hóa của thuốc Midotamol. Tác dụng giảm đau của thuốc này có thể bị giảm sút khi bệnh nhân uống cùng với Carbamazepine.
  • Dùng phối hợp với Quinidin sẽ làm tăng hàm lượng của thuốc Midotamol.
  • Khi dùng đồng thời với các chất thuộc nhóm Warfarin có nguy cơ rối loạn thời gian đông máu ngoại lại, do đó cần phải định kỳ đánh giá các chỉ số đông máu ở một số bệnh nhân.

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Midotamol

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Midotamol như sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ, sau khi đã xem xét giữa lợi ích của thuốc mang lại và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trên thai nhi cũng như trẻ bú mẹ.
  • Thận trọng sử dụng thuốc Midotamol cho người cao tuổi, bởi vì đối tượng này thường suy giảm chức năng gan và thận nên nguy cơ tích lũy thuốc khá cao. Người bệnh cần được kiểm tra các chức năng gan và thận trước khi bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Midotamol.
  • Ở những người lái xe hay vận hành máy móc cần chú ý đến các tác dụng phụ có thể gặp phải như nhức đầu, chóng mặt do thuốc gây ra. Vì vậy, có thể tạm ngưng công việc cho đến khi xác định chắc chắn khả năng thuốc ảnh hưởng trên người bệnh.
  • Nguy cơ xảy ra co giật khi dùng đồng thời Midotamol với các thuốc SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin), TCA (các hợp chất 3 vòng), các Opioid, IMAO, thuốc an thần hay làm giảm ngưỡng co giật hoặc trên các bệnh nhân bị động kinh, nguy cơ và tiền sử co giật.
  • Thận trọng khi sử dụng Midotamol trên những bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp hay dùng liều cao thuốc Midotamol với thuốc tê, thuốc mê, rượu.
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như rượu, Opioid, thuốc tê, thuốc mê, thuốc ngủ và thuốc an thần.
  • Thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ hay chấn thương vùng đầu.
  • Nguy cơ tái nghiện có thể xảy ra khi dùng thuốc Midotamol cho những bệnh nhân nghiện thuốc phiện.
  • Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân nghiện rượu mãn tính vì có nguy cơ gây độc tính trên gan.
  • Thận trong khi bệnh nhân quá liều thuốc Midotamol dùng thuốc Naloxon để xử trí, có thể có nguy cơ tăng tình trạng co giật.
  • Với những bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút được khuyến cáo dùng liều không quá 2 viên mỗi 12 giờ.
  • Thận trọng với những bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng.
  • Không dùng kết hợp với các thuốc khác có chứa thành phần Paracetamol và Tramadol, do không kiểm soát được liều lượng chính xác.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Midotamol. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Midotamol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe