Meyerlecetam F là thuốc hướng tâm thần, có tác dụng tăng cường chức năng não, hỗ trợ điều trị các bệnh lý tổn thương não do chấn thương, đột quỵ, bệnh nhân suy giảm nhận thức, chứng khó học ở trẻ em,...
1. Meyerlecetam F là thuốc gì?
Meyerlecetam F có thành phần chính là Piracetam - là dẫn xuất vòng của acid gamma aminobutyric (GABA) có tác dụng cải thiện sự chuyển hóa của các tế bào thần kinh, tăng hưng phấn. Piracetam tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, acetylcholin, noradrenalin,... Meyerlecetam F làm thay đổi dẫn truyền thần kinh và góp phần cải thiện môi trường chuyển hoá để các tế bào thần kinh hoạt động tốt hơn.
Meyerlecetam F bảo vệ tế bào não chống lại những rối loạn chuyển hoá do thiếu máu cục bộ, tăng sử dụng huy động glucose trong tình trạng thiếu oxy, duy trì tổng hợp năng lượng ở não. Meyerlecetam F làm tăng giải phóng dopamine, giúp cải thiện sự hình thành trí nhớ nhưng không gây ngủ, không có tác dụng giảm đau.
Ngoài ra, thuốc làm giảm khả năng kết tụ tiểu cầu, hồi phục chức năng của hồng cầu trong các bệnh lý hồng cầu bị biến dạng; chống giật rung cơ.
Meyerlecetam F hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa sau khi uống, qua được hàng rào máu não, nhau thai và sữa mẹ. Cuối cùng thải trừ hoàn toàn qua đường nước tiểu.
2. Chỉ định của thuốc Meyerlecetam F
Thuốc Meyerlecetam F được chỉ định trong một số trường hợp bệnh lý sau
- Bệnh lý loạn tâm thần, thiếu máu cục bộ não.
- Sau các chấn thương não.
- Bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, di chứng liệt nửa người do đột quỵ.
- Rối loạn thần kinh ngoại biên và trung ương gây các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mê sảng.
- Lão suy, sa sút trí tuệ, rối loạn ý thức.
- Nhiễm độc carbon monoxide (CO) hoặc di chứng sau nhiễm độc CO.
- Chứng suy giảm trí nhớ, khó học ở trẻ em.
- Bệnh nhân nghiện rượu mãn tính gây triệu chứng kém minh mẫn, rung giật cơ có nguồn gốc từ vỏ não.
- Bệnh lý hồng cầu hình liềm.
3. Chống chỉ định của thuốc Meyerlecetam F
Thuốc Meyerlecetam F không được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau:
- Người bệnh dị ứng với Piracetam hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân đang điều trị bệnh múa giật Huntington không được dùng thuốc Meyerlecetam F.
- Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận dưới 20 ml/phút.
- Bệnh nhân suy gan nặng.
- Bệnh nhân xuất huyết não đang tiến triển.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Meyerlecetam F
- Kiểm tra chức năng gan, thận trước và trong khi dùng Meyerlecetam F cho bệnh nhân suy thận, suy gan, bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có tiền sử động kinh.
- Bệnh nhân đang điều trị rung giật cơ bằng Meyerlecetam F không được ngừng thuốc đột ngột.
- Người bệnh có tiền sử loét dạ dày tá tràng, xuất huyết não đang tiến triển khi dùng thuốc cần thận trọng do tăng nguy cơ chảy máu.
- Chưa có nghiên cứu được tính an toàn cho thai nhi và trẻ em, vì vậy phụ nữ có thai và đang cho con bú nên thận trọng khi dùng thuốc Meyerlecetam F.
4. Tương tác thuốc của Meyerlecetam F
- Không phối hợp thuốc Meyerlecetam F với các thuốc hướng thần kinh, thuốc kích thích thần kinh trung ương, các hormon giáp sẽ làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc.
- Các thuốc chống đông máu (Warfarin) làm tăng nguy cơ chảy máu.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng: Meyerlecetam F được bào chế dưới dạng dung dịch uống. Thuốc có thể dùng liên tục trong 6 tháng, sau đó có thể giảm liều hoặc ngừng điều trị.
Liều dùng
- Liều bắt đầu: 7,2g/ ngày. Sau đó tăng thêm 4,8g/ ngày sau 3-4 ngày.
- Liều tối đa: 24g/ ngày chia làm 2-3 lần uống.
- Bệnh nhân điều trị rung giật cơ nên giảm liều 1,2g mỗi 2 ngày.
6. Tác dụng phụ của thuốc Meyerlecetam F
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Meyerlecetam F
- Bồn chồn, bứt rứt, lo âu, kích thích.
- Mệt mỏi, ngủ gà, rối loạn giấc ngủ.
- Đau đầu, choáng váng.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
- Rối loạn đông máu, xuất huyết nặng.
- Phản ứng dị ứng, nổi mày đay.
Tóm lại, Meyerlecetam F là thuốc có tác dụng bảo vệ, tăng sự dẫn truyền thần kinh, giúp các tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả trong các bệnh lý thiếu máu cục bộ tế bào não, suy giảm trí nhớ, các tổn thương rung giật ở vỏ não,... Thuốc tương đối lành tính, ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh cũng không nên lạm dụng thuốc quá mức không theo chỉ dẫn của bác sĩ.