Metolazone là thuốc lợi tiểu thuộc nhóm Quinazoline với các đặc tính tương tự thuốc lợi tiểu Thiazide. Ngoài hỗ trợ tăng lượng nước tiểu và đào thải nước ra khỏi cơ thể, thuốc còn có công dụng điều trị tăng huyết áp (đơn trị hoặc phối hợp với các thuốc khác).
1. Metolazone thuốc lợi tiểu và điều trị tăng huyết áp
Metolazone là thuốc lợi tiểu giúp tăng lượng nước tiểu và hỗ trợ giải phóng lượng nước dư ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thuốc còn có các công dụng khác như:
- Điều trị tăng huyết áp (đơn trị), hoặc dùng kết hợp với các nhóm thuốc huyết áp khác;
- Giảm sưng tấy, giữ nước (phù) trong suy tim sung huyết;
- Giảm phù trong bệnh lý thận, bao gồm hội chứng thận hư và các trạng thái suy giảm chức năng thận;
- Giảm phù khi mang thai;
- Cải thiện các triệu chứng khó thở.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Metolazone
2.1. Cách dùng
Thuốc Metolazone nên được dùng bằng đường uống 1 lần/ngày, kèm hoặc không kèm thức ăn. Liều dùng nên được chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị của bạn.
Lưu ý:
- Nếu dùng thuốc quá sát giờ đi ngủ, bạn có thể sẽ phải thức dậy để đi tiểu. Do vậy, tốt nhất nên uống thuốc ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ;
- Đối với điều trị tăng huyết áp, nên tiếp tục dùng thuốc kể cả khi đã cảm thấy khá hơn. Hầu hết những người bị tăng huyết áp không cảm thấy sự thay đổi của bệnh. Do vậy, không tự ý ngưng dùng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Có thể cần từ 3-6 tuần để thấy hiệu quả giảm huyết áp rõ rệt.
2.2. Liều dùng
Liều dùng cho người lớn:
- Điều trị tăng huyết áp: Khởi đầu với liều từ 1,25 - 2,5mg x 1 lần/ngày. Duy trì với liều 2,5 - 5mg/lần/ngày. Thường xuyên theo dõi để chỉnh liều đáp ứng với tiến trình điều trị. Cân nhắc dùng liều thấp nhất (nếu có thể) để duy trì đáp ứng điều trị mong muốn. Không dùng quá 5mg/ngày;
- Điều trị phù trong suy tim & bệnh lý thận: Khởi đầu với liều từ 5-20mg x 1 lần/ngày. Những bệnh nhân bị khó thở kịch phát về đêm có thể dùng liều lớn hơn để đảm bảo bài niệu & bài tiết nước bọt trong suốt 24 giờ. Không dùng quá 20mg/ngày;
Liều dùng cho trẻ em: Điều trị phù do suy tim & bệnh thận, uống 0,05 - 0,1mg/kg x 1 lần/ngày. Không khuyến khích dùng thuốc này kéo dài.
3. Tác dụng phụ của thuốc Metolazone
Trong quá trình điều trị, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ của Metolazone. Cụ thể như:
- Tác dụng phụ thường gặp: Chóng mặt, cảm giác quay cuồng, mệt mỏi, buồn ngủ, tâm trạng chán nản, đau dạ dày, chán ăn,...
- Tác dụng phụ ít gặp: Chân tay lạnh, phù nề, đánh trống ngực, hạ huyết áp thế đứng, lo lắng, trầm cảm...
- Ngừng dùng thuốc Metolazone và gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng như:
- Khô miệng, khát nước;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Tim đập nhanh, nhịp tim không đều;
- Cảm giác suy nhược, buồn ngủ, bồn chồn, hay mê sảng;
- Đau cơ hoặc suy nhược;
- Đau ngực;
- Đi tiểu ít hơn thông thường hoặc vô niệu;
- Tê bì hoặc có cảm giác ngứa ngáy, nóng ran.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Metolazone
Chống chỉ định dùng thuốc Metolazone cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang bị vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang);
- Hôn mê gan (não gan);
- Tiền sản giật;
- Dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần của Metolazone.
Các trường hợp cần thận trọng khi dùng Metolazone:
- Người dị ứng với các thuốc có nguồn gốc Thiazide, Sulfonamide hoặc Tuinethazone (nguy cơ xảy ra dị ứng chéo);
- Phụ nữ đang cho con bú (cân nhắc ngừng cho con bú hay ngừng dùng thuốc);
- Bệnh nhân đái tháo đường (có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu, tăng đường huyết, đường niệu);
- Bệnh nhân gout (có thể làm tăng nồng độ axit uric huyết thanh, đôi khi làm xuất hiện cơn gout).
Nên ngừng thuốc trước khi thực hiện các xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
5. Tương tác của thuốc Metolazone
Trong quá trình sử dụng, thuốc Metolazone có thể có phản ứng tương tác với các sản phẩm thuốc sau, nên cân nhắc khi dùng đồng thời:
- Thuốc chống đông máu như Warfarin (Coumadin) ;
- Thuốc chống đái tháo đường (Sulfonylurea, Insulin);
- Thuốc hạ huyết áp;
- Thuốc loại Glycosid (glycosid trợ tim);
- Các chất ngăn chặn thần kinh cơ (Tubocurarine);
- Corticosteroid, Corticotropin (hormon vỏ thượng thận, ACTH);
- Thuốc Methenamine (Hiprex, Urex, Mandelamine);
- Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs);
- Thuốc lợi tiểu quai;
- Muối Lithium;
- Vitamin D;
- Các salicylate như aspirin, Disalcid, Pills Doan, Dolobid, Salflex, Tricosal, và những thuốc khác.
Để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn do tương tác thuốc, người dùng nên chia sẻ với bác sĩ tất cả những loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ có thể hỗ trợ bạn sắp xếp lịch dùng thuốc phù hợp hoặc đưa ra các hướng dẫn điều chỉnh liều dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.