Công dụng thuốc Menthol là gì?

Thuốc Menthol thường được tổng hợp từ dầu của bạc hà hoặc những loại thực vật thuộc họ bạc hà khác. Menthol có hoạt tính gây tê cục bộ nhẹ trên cổ họng và niêm mạc mũi, được sử dụng rộng rãi để làm giảm kích ứng họng, mũi.

1. Thuốc Menthol là gì?

Menthol là thuốc có nguồn gốc thảo dược. Menthol thường được tổng hợp từ dầu của bạc hà hoặc những loại thực vật thuộc họ bạc hà khác. Menthol thường được bào chế dưới dạng thuốc mỡ dùng ngoài da, viên ngậm, viên nén ngậm, ống hít hoặc nước súc miệng.

2. Thuốc Menthol có tác dụng gì?

Menthol có hoạt tính gây tê cục bộ nhẹ trên cổ họng và niêm mạc mũi, được sử dụng rộng rãi để làm giảm kích ứng họng, mũi.

Dạng thuốc kem Menthol được sử dụng để giúp giảm đau nhẹ cho các bệnh như:

  • Viêm khớp, viêm gân;
  • Bong gân, viêm bao hoạt dịch;
  • Bầm tím, đau lưng và chuột rút.

Thuốc Menthol có thể được sử dụng cho bệnh khác theo chỉ định của bác sĩ.

Dạng dung dịch dùng để hít giúp giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi do cảm cúm gây ra.

Chống chỉ định sử dụng Menthol ở bệnh nhân dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần của thuốc. Dạng dùng tại chỗ chống chỉ định bôi lên vùng da có nhạy cảm, sưng tấy hoặc vết thương hở, bỏng nặng.

3. Cách dùng thuốc Menthol

Liều dùng thuốc Menthol:

  • Nghẹt mũi: Dùng Menthol dạng dung dịch với nồng độ 2% để xông hơi, thêm 5ml vào một lít nước nóng (không đun sôi) sau đó hít hơi, có thể lặp lại 4 giờ một lần nếu cần.
  • Ho: Người lớn ngậm đến hòa tan 1 viên ngậm (chứa 7,6mg levomenthol) trong miệng mỗi 2 giờ khi cần thiết. Sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên với liều tương tự như người lớn.
  • Đau họng: Người lớn ngậm đến hòa tan 1 viên ngậm (chứa 7,6mg Levomenthol) trong miệng mỗi 2 giờ khi cần thiết. Sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên với liều tương tự như người lớn.
  • Đau cơ xương khớp:
    • Người lớn: Đối với dạng thuốc gel bôi ngoài da với nồng độ 2% hoặc 2,5%; gel dùng ngoài da 7%; miếng dán ngoài da 5%, 1,4% và 1,25%; bôi tại chỗ lên vùng da bị đau 3-4 lần mỗi ngày. Đối với dạng phun tại chỗ với nồng độ 6% và 10%, phun tại chỗ lên vùng da bị đau khi cần thiết, nhưng không được quá 4 lần/ngày.
    • Trẻ em: Miếng dán ngoài da 1,4%, 1,25%, hoặc gel bôi ngoài da với nồng độ 7% sử dụng cho trẻ 12 tuổi trở lên: bôi tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng 3-4 lần/ngày. Miếng dán 5% sử dụng cho trẻ 10 tuổi trở lên: bôi tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng 3-4 lần/ngày. Dạng phun tại chỗ 6% sử dụng cho trẻ từ 13 tuổi trở lên phun tại chỗ lên khu vực bị ảnh hưởng khi cần thiết, không quá 4 lần/ngày. Gel dùng ngoài da 2% sử dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên: bôi tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng 3-4 lần/ngày.

4. Quá liều Menthol và xử trí

Triệu chứng quá liều thuốc Menthol khi dùng thuốc bằng đường miệng bao gồm rối loạn tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy) và các triệu chứng thần kinh trung ương (buồn ngủ, chóng mặt, mất điều hoà).

Triệu chứng quá liều Menthol khi dùng đường hít như lú lẫn, mất điều hoà, nhìn đôi và rung giật nhãn cầu.

Xử trí khi quá liều thuốc Menthol chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Menthol

Sử dụng Menthol thường gặp tác dụng không mong muốn như phản ứng quá mẫn, nhức đầu, kích ứng da. Dùng Menthol dạng bôi ngoài da có thể xuất hiện cảm giác bỏng rát tại chỗ bôi thuốc.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Menthol

Thận trọng khi sử dụng Menthol ở bệnh nhân bị ho dai dẳng, ho lâu ngày liên quan đến hút thuốc lá, bệnh nhân hen phế quản, khí phế thũng, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Menthol nguyên chất có thể làm nổi mẩn, sưng phù thậm chí bỏng rát, ửng đỏ. Tránh bôi trực tiếp Menthol hoặc tinh dầu bạc hà nguyên chất lên bề mặt da, phải pha loãng để bảo đảm an toàn.

Menthol có hoạt tính gây tê cục bộ nhẹ trên cổ họng và niêm mạc mũi, được sử dụng rộng rãi để làm giảm kích ứng họng, mũi. Ngoài ra, Menthol còn có tác dụng giảm đau trong các bệnh lý cơ xương khớp. Thuốc được bào chế với nhiều dạng và hàm lượng khác nhau. Trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe