Thuốc Medixam được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống, với thành phần chính của thuốc là Cefpodoxime proxetil, hàm lượng 50mg/5ml Cefpodoxime. Vậy Medixam công dụng là gì? Cách sử dụng thuốc như thế nào?
1. Công dụng thuốc Medixam
Thành phần chính trong thuốc Medixam là Cefpodoxime proxetil, hoạt chất này thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3.
Tác dụng kháng khuẩn của Cefpodoxime có được thông qua khả năng ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn nhờ sự acyl hóa các enzyme transpeptidase gắn kết màng, qua đó ngăn cản sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết cho việc tạo ra độ mạnh và độ bền của thành tế bào vi khuẩn.
Cefpodoxime proxetil có tác dụng chống lại các chủng vi khuẩn Gram dương và Gram âm, hoạt động ổn định đối với cả β-lactamase. Phổ kháng khuẩn của Cefpodoxime bao gồm Staphylococcus aureus ngoại trừ Staphylococci đề kháng methicillin, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus agalactiae và Streptococcus spp. khác (Nhóm C, F, G).
Các loại vi khuẩn Gram âm nhạy cảm với Cefpodoxime gồm có các chủng vi khuẩn sinh β-lactamase và không sinh β-lactamase của H. influenzae, Moraxella catarrhalis, H. para- influenzae, Neisseria meningitidis, Neisseria gonorrhoeae, Klebsiella pneumoniae, E. coli, Proteus vulgaris, Providencia rettgeri và Citrobacter diversus. Cefpodoxime cũng có hiệu quả đối với chủng vi khuẩn Peptostreptococcus spp.
Thuốc Medixam được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, bao gồm: Viêm tai giữa cấp, viêm xoang, viêm amidan và viêm họng.
- Viêm phổi cộng đồng.
- Lậu cầu cấp chưa có biến chứng
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa có biến chứng.
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc dưới da.
Thuốc Medixam chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc Medixam.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Medixam trong các trường hợp sau:
- Người bị dị ứng với Penicillin.
- Người cao tuổi có nhiều bệnh lý.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Chỉ sử dụng thuốc Medixam cho các đối tượng này khi thật cần thiết và dưới chỉ định của bác sĩ.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Medixam
Thuốc Medixam được sử dụng bằng đường uống, nên uống thuốc sau ăn. Liều thuốc Medixam cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, liều thuốc tham khảo trong các trường hợp cụ thể như sau:
Liều thuốc Medixam được khuyến cáo cho người lớn:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Sử dụng liều 100mg/lần, mỗi 12 giờ uống 1 lần, trong 10 ngày.
- Viêm phổi cộng đồng: Sử dụng liều 200mg/lần, mỗi 12 giờ uống 1 lần, trong 14 ngày.
- Nhiễm lậu cầu cấp chưa có biến chứng: Sử dụng một liều duy nhất 200mg.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa có biến chứng: Sử dụng liều 100mg/lần, mỗi 12 giờ uống 1 lần, trong 7 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc dưới da: Sử dụng liều 100mg/lần, mỗi 12 giờ uống 1 lần, trong 7 - 14 ngày.
Liều thuốc Medixam được khuyến cáo cho trẻ em như sau:
- Viêm tai giữa cấp tính: Sử dụng liều 10mg/kg/ngày (tối đa 400mg/ngày chia làm 2 lần) trong 10 ngày.
- Viêm họng và viêm amidan: Sử dụng liều 10mg/kg/ngày (tối đa 200mg/ngày) chia làm 2 lần, trong 10 ngày.
Khi có biểu hiện bất thường do sử dụng quá liều thuốc Medixam, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Nếu bạn quên một liều thuốc Medixam, hãy dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm sử dụng liều thuốc Medixam tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều thuốc đã quên, sử dụng liều tiếp theo như bình thường.
3. Tác dụng phụ của thuốc Medixam
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Medixam gồm có:
- Buồn nôn;
- Nôn ói;
- Đau bụng;
- Tiêu chảy;
- Viêm đại tràng;
- Đau đầu.
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Medixam gồm có:
- Phản ứng quá mẫn;
- Nổi ban;
- Chứng ngứa;
- Chóng mặt;
- Chứng tăng tiểu cầu;
- Chứng giảm tiểu cầu;
- Giảm bạch cầu;
- Tăng bạch cầu ưa eosin.
Trong quá trình sử dụng thuốc Medixam, nếu bạn thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
4. Tương tác Medixam với các loại thuốc khác
- Sử dụng Medixam cùng thuốc kháng acid hoặc ức chế H2, sẽ làm giảm nồng độ của Cefpodoxime trong huyết tương.
- Cần theo dõi chức năng thận, khi sử dụng đồng thời thuốc Medixam với hợp chất được biết là gây độc thận.
- Sử dụng thuốc Medixam cùng với Probenecid sẽ làm tăng nồng độ Cefpodoxime trong huyết tương.
- Cefpodoxime trong thuốc Medixam làm cho thử nghiệm Coomb trực tiếp dương tính giả.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Medixam, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Medixam là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.