Thuốc Maxsetron được dùng trong điều trị nôn nao, nôn mửa do dùng liệu pháp hóa trị liệu, xạ trị,...Vậy cách sử dụng thuốc Maxsetron như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Maxsetron qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Maxsetron
Tác dụng
Ondansetron là chất đối kháng thụ thể 5-HT3 có chọn lọc cao. Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc trong việc kiểm soát nôn chưa biết rõ. Hoá trị liệu và xạ trị có thể gây phản xạ nôn bằng cách hoạt hoá dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5HT. Ondansetron có tác dụng ức chế sự khởi đầu phản xạ này. Hoạt hoá dây thần kinh phế vị cũng có thể gây giải phóng 5HT trong vùng postrema ở trên sàn não thất IV và làm thúc đẩy nôn qua cơ chế trung tâm. Như vậy tác dụng của Ondansetron trong điều trị buồn nôn do hoá trị liệu hoặc xạ trị có thể do đối kháng các thụ thể 5HT3 trên dây thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương.
Thuốc dùng để phòng buồn nôn và nôn khi điều trị ung thư bằng hóa chất và nôn hoặc buồn nôn sau phẫu thuật.
Thuốc không phải là chất ức chế thụ thể dopamin, nên không có tác dụng phụ ngoại tháp.
Chỉ định
- Buồn nôn và nôn do hóa trị và xạ trị.
- Dự phòng buồn nôn, nôn sau phẫu thuật.
- Ðiều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật
Liều lượng - cách dùng:
- Buồn nôn và nôn do hóa trị và xạ trị
Người lớn:
- Nôn nhẹ: 8mg tiêm IM hoặc IV chậm trước khi hóa trị, sau đó uống 8mg sau 12 giờ;
- Nôn mạnh: 1 liều 8mg tiêm trước khi hóa trị, sau đó 2 liều 8mg tiêm IV cách nhau 2-4 giờ, hay truyền liên tục 1mg/giờ tối đa 24 giờ;
- phòng ngừa nôn chậm: uống 8mg x 2 lần/ngày x 5 ngày sau 1 đợt điều trị.
Trẻ em: 5 mg/m2 trước khi hóa trị, 12 giờ sau uống 4mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
- Dự phòng buồn nôn, nôn sau phẫu thuật.
Người lớn: uống 16mg 1 giờ trước khi gây mê hoặc tiêm IV chậm 4mg lúc gây mê;
Trẻ > 2 tuổi: tiêm IV chậm 0.1mg/kg, tối đa 4mg trước hoặc sau gây mê.
- Ðiều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật:
Người lớn: tiêm IV chậm 4mg;
Trẻ > 2 tuổi: tiêm IV chậm 0.1mg/kg, tối đa 4mg. Suy gan: tối đa 8mg/ngày.
Quá liều, quên liều và xử trí
Quá liều: Các biểu hiện khi uống quá liều thuốc khá giống với các triệu chứng của tác dụng phụ. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng nhiễm độc gan, thận. Bệnh nhân cần được theo dõi kĩ các biểu hiện trên da, mặt, huyết áp và đề phòng vì tình trạng nguy hiểm có thể diễn biến rất nhanh. Tốt nhất, tình trạng của bệnh nhân cần được thông báo với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời
Quên liều: tránh quên liều; nếu quên liều, bệnh nhân cần bỏ qua liều đã quên, không uống chồng liều với liều tiếp theo.
Không nên bỏ liều quá 2 lần liên tiếp.
2. Lưu ý khi sử dụng thuốc Maxsetron
Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Maxsetron 2 mg/ml cho người có tiền sử mẫn cảm với bất kì thành phần nào có trong thuốc.
Chú ý và thận trọng
- Thận trọng điều trị ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, tổng liều thuốc trong ngày không quá 8mg.
- Cân nhắc điều trị ở bệnh nhân nghi ngờ tắc ruột.
- Không dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc nuôi con bằng sữa mẹ. Cần ngưng cho trẻ bú mẹ khi sử dụng thuốc.
- Cần theo dõi kỹ lưỡng ở bệnh nhân có bệnh tim mạch, sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim, chẹn beta giao cảm.
- Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định, không tự ý tăng hay giảm lượng thuốc uống để nhanh có hiệu quả.
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi quyết định ngừng điều trị bằng thuốc.
Lưu ý khác:
- Với các thuốc hết hạn sử dụng hoặc xuất hiện các biểu hiện lạ trên thuốc như mốc, đổi màu thuốc, chảy nước thì không nên sử dụng tiếp.
- Tránh để thuốc ở những nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc nơi có độ ẩm cao.
- Không để thuốc gần nơi trẻ em chơi đùa, tránh trường hợp trẻ em có thể nghịch và vô tình uống phải.
3. Tác dụng phụ của thuốc Maxsetron
- Tác dụng phụ thường gặp: Tăng thân nhiệt, đau đầu, buồn ngủ, đi ngoài hoặc đại tiện táo
- Tác dụng phụ ít gặp: hoa mắt, chóng mặt, khô miệng, co cứng bụng.
- Tác dụng phụ khác: sốc phản vệ, loạn nhịp tim, huyết áp tụt, rối loạn điện giải, nấc.
Trong trường hợp bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ như mẩn ngứa, nổi ban đỏ hay bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ là do dùng thuốc thì nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ tư vấn.
4. Tương tác thuốc
Khi sử dụng chung với thuốc khác
Các thuốc cảm ứng CYP3A4 và CYP2D6 như rifampicin, tobutamid, barbiturate hoặc các thuốc ức chế CYP3A4 và CYP2D6 như các IMAO, chloramphenicol,cimetidin có thể làm thay đổi nồng độ thuốc trong máu.
Thuốc làm giảm tác dụng giảm đau của tramadol khi dùng cùng.
Thuốc anthracyclines hoặc các thuốc gây độc với tim khác khi dùng cùng có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim
Điều cần làm là bệnh nhân hãy liệt kê các thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng vào thời điểm này để bác sĩ có thể biết và tư vấn để tránh tương tác thuốc không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.